17/09/2011 06:58 GMT+7

5 ngân hàng lớn nhất thế giới vào cuộc

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Bộ trưởng tài chính các nước châu Âu và Mỹ đã nhóm họp ở Wroclaw, Ba Lan trong hai ngày 16 và 17-9 để bàn biện pháp ngăn chặn khủng hoảng nợ Hi Lạp lan rộng. Năm ngân hàng trung ương lớn đã vào cuộc.

IVf7fJgl.jpgPhóng to

Một người đàn ông đứng cạnh bảng điện tử chỉ số chứng khoán trên thị trường Athens (Hi Lạp) - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có mặt từ sáng sớm 16-9 tại cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính châu Âu.

Sự có mặt “đặc biệt” của Bộ Tài chính Mỹ

Theo AFP, ông Geithner cười, bắt tay đồng nghiệp Pháp François Baroin rồi không tuyên bố gì nhanh chóng mất hút trong tòa nhà, nơi diễn ra cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng tài chính châu Âu. Sự hiện diện của bộ trưởng tài chính Mỹ được mô tả là một sự kiện “rất đặc biệt” đối với một cuộc gặp thuộc loại này. Trước đó, ông đã cho rằng châu Âu “cần hành động nhanh hơn” và cần bơm thêm nhiều tiền hơn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn.

Reuters cho biết đến cuộc họp ở Wroclaw, ông Timothy Geithner kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần sử dụng Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) 440 tỉ euro theo cách tương tự Washington sử dụng Quỹ cho vay khẩn cấp (TALF) hồi năm 2008 để hỗ trợ các ngân hàng và ngăn chặn thị trường tín dụng đóng băng. Quốc hội một số nước khối đồng euro hiện vẫn chưa thông qua điều khoản cho phép EFSF cung cấp các khoản vay phòng ngừa đến những nước chịu sức ép tài chính.

AFP nhận định sự có mặt của bộ trưởng tài chính Mỹ cho thấy Mỹ càng lúc càng lo ngại trước bước ngoặt do cuộc khủng hoảng của khối đồng euro tạo ra cũng như những tác động đầy bất trắc của nó đối với nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó các quan chức EU đang bàn biện pháp đẩy nhanh việc thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 109 tỉ euro cho Hi Lạp hiện vẫn chờ quốc hội một số nước EU thông qua. Ở các nước châu Âu đang có nhiều ý kiến khác nhau. Phần Lan đòi Hi Lạp phải ký quỹ mới cho vay nợ, còn Áo cho rằng để cho Hi Lạp vỡ nợ có thể là kịch bản ít tốn kém nhất đối với châu Âu. Cuộc họp cũng thảo luận ý tưởng khối đồng euro cùng phát hành loại trái phiếu eurobond để các nước trong khu vực có khả năng vay tập thể và cùng đảm bảo các khoản vay. Đức vẫn tiếp tục phản đối đề xuất này.

5 ngân hàng lớn nhất thế giới vào cuộc

Trong khi đó, để ngăn chặn khủng hoảng nợ Hi Lạp lan rộng, năm ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã đồng loạt bơm tiền vào thị trường tài chính châu Âu. Theo báo Wall Street Journal, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật và Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ đã đạt thỏa thuận cùng bơm USD vào hệ thống ngân hàng châu Âu. ECB cho biết sẽ cùng các ngân hàng trung ương này cho các ngân hàng châu lục vay vốn bằng đồng USD từ nay đến cuối năm 2011.

“Họ đã cùng hành động - Wall Street Journal dẫn lời tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde - Đó là thông điệp quan trọng nhất”. Tuy nhiên, bà Lagarde cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ châu Âu “đang đi vào giai đoạn nguy hiểm” và các nước cần hành động mạnh mẽ hơn.

Hành động của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá trị đồng euro tăng 1% so với đồng USD. Giá cổ phiếu toàn cầu tăng khoảng 0,6%. Giá vàng giảm mạnh từ 1.810 USD/ounce còn 1.770,4 USD/ounce. Giá dầu thô tăng nhẹ lên 89,47 USD/thùng. Dù vậy theo AFP, giới quan sát nhận định nếu châu Âu không đưa ra được các biện pháp mang tính dài hạn, thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh.

BRICs được lợi gì khi giải cứu châu Âu?

Báo Le Monde, trong bài “Vì sao các nền kinh tế mới nổi này (BRICs) quan tâm đến các món nợ của các nước châu Âu?“, cho rằng BRICs gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi có hai lợi ích: kinh tế và chính trị.

Về kinh tế, đối với các nước BRICs, đầu tư vào trái phiếu châu Âu cũng là cách để đa dạng hóa đầu tư của mình. Trung Quốc hiện là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (3.200 tỉ USD), kế tiếp là Nga (514 tỉ USD), Brazil (hơn 350 tỉ USD), Ấn Độ (hơn 320 tỉ USD). Các nguồn dự trữ này được đầu tư tập trung vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, do vậy BRICs có lợi ích khi đa dạng hóa đầu tư bằng việc hậu thuẫn cho đồng euro. Ngoài ra, BRICs hiện còn phụ thuộc lớn vào nguồn đầu tư từ các nước phát triển trước đây. Chẳng hạn, đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước EU chiếm hơn 20% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ấn Độ. Nếu một cuộc khủng hoảng thế giới nổ ra khiến các nhà đầu tư châu Âu rút lui, BRICs sẽ bị thiệt hại.

Về chính trị, với bước can thiệp này vào châu Âu, như nhật báo Valor Economico của Brazil tóm tắt, BRICs “xuất hiện công khai như người góp phần trực tiếp vào việc ổn định các thị trường và cho thấy cán cân kinh tế thế giới đã thay đổi”. Về phần mình, Trung Quốc có lợi ích đặc biệt khi tăng cường đầu tư vào châu Âu.

Cụ thể Bắc Kinh đang kỳ vọng EU công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trước khi Tổ chức Thương mại thế giới đưa ra sự công nhận này vào năm 2016. Thật vậy, với quy chế là nền kinh tế thị trường, hàng loạt rào cản đối với đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc vào châu Âu sẽ được dỡ bỏ.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên