15/05/2022 10:23 GMT+7

5 chị em, 4 họ và nửa thế kỷ ly tán

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Những ngày này, ông Trần Bốn (56 tuổi) ở thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân (Quảng Nam) tràn ngập niềm vui khi cuộc ly tán của 5 chị em ông nửa thế kỷ trước mới đi đến cái kết trọn vẹn: ông Bốn được đổi họ theo cha - liệt sĩ Trần Khế - thành Trần Bốn.

5 chị em, 4 họ và nửa thế kỷ ly tán - Ảnh 1.

Ông Bốn và bức ảnh in to có 5 chị em Ảnh: B.D

Đến nay niềm vui mới thật trọn vẹn dù không ít lần chị em tôi vẫn còn tủi ngủi nhớ về những ngày xa cách. Nhưng phải vượt lên, chúng tôi hứa sẽ sống tốt, sẽ yêu thương nhau như chưa từng chia ly và bù đắp cho nửa thế kỷ không danh chính ngôn thuận là anh em một nhà.

Ông Trần Bốn

Trước đó, ông Bốn mang tên Hứa Bốn trong 51 năm và 5 chị em xa cách nhau 46 năm.

Chuyện 5 chị em mồ côi

Trong căn nhà nhỏ của ông Bốn nơi con hẻm sâu cuối thôn Mỹ Nam, vị trí trang trọng nhất được kê dọn để làm chỗ đặt bàn thờ cha nuôi cùng cha mẹ ruột của ông. Trên bức tường lớn, suốt gần một tháng nay ông Bốn căng tấm bạt in hình 5 chị em của ông. 

"Tui đi in ảnh trên tấm bạt lớn rồi treo trước vách tường để mỗi ngày khi đi ra đi vào thấy tất cả mọi người đều ở đó. Đêm tui cũng kê chiếu nằm dưới đất để lúc nào mở mắt thì nhìn lên, vui - tủi xen lẫn vì chuyện đoàn tụ cơ cực quá" - ông Bốn nói.

Ông Bốn cho biết cha mẹ mình sinh được 5 người con gồm Trần Thị Hai, Phạm Thị Ba, Hứa Bốn, Phùng Thị Năm và Trần Thanh. 

Chuyện 5 chị em ruột mang 4 họ là câu chuyện rất dài. Những năm chiến tranh, vùng Đại Lộc nơi ông ở cũng là nơi hứng chịu bom đạn và những đợt truy càn của địch. Một buổi sáng tháng 7-1968, một tốp lính đi càn qua làng ông. 

Bà Lê Thị Lục - mẹ ông - ôm đàn con chạy trốn. Khi thấy im tiếng súng, bà Lục bế trên tay đứa con út là Trần Thanh để về nhà. Bỗng một loạt đạn rít chát chúa, bà Lục đổ gục xuống.

Ông Bốn kể rằng do cha ông hoạt động bí mật nên hai hôm sau khi vợ mất, ông từ căn cứ trở về mới biết tin dữ. Dù đau đớn tột cùng, ông chôn cất vợ, gửi con lại cho người thân rồi tiếp tục vào căn cứ hoạt động cùng đồng đội. 

Tháng 12-1969, bom Mỹ giội xuống căn cứ nơi cha ông chiến đấu khiến 21 người hy sinh, trong đó có cha ông.

46 năm mới gặp đủ mặt nhau

Ông Bốn nói thời ấy không chỉ gia đình mình mà có rất nhiều con em khác mất cha mẹ, người thân và đã buộc phải đi ở nhờ nhà người khác. 

5 chị em của ông lúc đó còn quá nhỏ, chưa thể tự lo cho nhau được nên được người bác dâu cưu mang song cuộc sống quá khó khăn, một thời gian sau bác dâu cũng đành gửi những đứa cháu của mình cho người khác nuôi. Chuyện ấy xảy ra vào năm 1971.

Người con đầu là bà Trần Thị Hai được đem cho một người trong vùng tên là Hứa An. Bà Phạm Thị Ba - người con thứ hai cùng em trai út là Trần Thanh được dẫn qua cho ông Sáu Ghe (Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) nuôi, sau đó thì lưu lạc qua nhiều nơi khác. 

Người em kế của ông là Phùng Thị Năm được đưa ra một tu viện tại Đà Nẵng gửi nhờ, sau đó được một gia đình tại Điện Bàn nhận làm con nuôi và đặt họ Phùng. Riêng ông Bốn được đem cho ông Hứa On ở xã Đại Tân - người mà ông Bốn nhận cha nuôi sau này.

Ông Bốn kể rằng từ ngày được cho đi, mấy anh chị em của ông không một dòng tin tức về nhau. Năm 1975, khi hòa bình lập lại, 5 chị em biết thân phận của mình và bắt đầu ý thức về việc tìm lại nhau. 

Lớn thêm chút nữa, được cha nuôi động viên và hỗ trợ, ông Bốn cất công đi khắp nơi để tìm tung tích về chị và các em mình. Ở phía bên kia, những chị em ruột thịt của ông cũng vậy. Họ về quê cũ, hỏi dò từng mẩu thông tin về gia đình và lần lượt nhận được nhau.

Nhưng câu chuyện đoàn tụ của ông Bốn và mấy chị em chỉ kết thúc vào năm 2017, tức sau 46 năm từ ngày ly tán. Điều trớ trêu là người này lại sống cách nhà ông Bốn ở chỉ một ngôi làng. 

Ông Bốn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những ngày miệt mài đi tìm em: "Em kế tôi là Phùng Thị Năm (người được đưa ra gửi ở tu viện tại Đà Nẵng) đến lúc đó chẳng có mẩu tin tức nào, có lúc mấy chị em còn nghĩ bom đạn đã vùi chết, nào ngờ nó ở ngay đây...".

Như có duyên số, định mệnh, một buổi sáng đang ngồi uống cà phê ở quán, ông Bốn thấy một người đàn ông ghé giao nước đá cho các quán cà phê. Ông tình cờ hỏi về vợ con người này, như một cách hay hỏi thăm thường tình ở quê thì người giao nước đá kể chuyện và cho hay vợ ông không rõ cha mẹ, không rõ lai lịch.

Linh tính có chuyện gì đó nên ông Bốn nhờ người bán nước đá chở về nhà ông. Tới nơi, ông thấy người phụ nữ trong nhà có nét mặt y chang đứa em út nên mấy hôm sau mời hai vợ chồng đến nhà ăn giỗ. "Hai vợ chồng vừa tới cổng thì bà dì ruột của tôi hét lên: Năm ơi, răng mi đi mô mấy chục năm ni không thấy mặt?" - ông Bốn nhớ lại và kể rằng thoáng phút bối rối, cả gia đình vỡ òa và ôm nhau khóc khi biết rằng đã tìm thấy giọt máu cuối cùng của cha mẹ còn thất lạc.

5 chị em, 4 họ và nửa thế kỷ ly tán - Ảnh 3.

Sau hơn nửa thế kỷ mang họ Hứa của cha nuôi, ông Bốn được trả về tên thật của chính mình - Ảnh: B.D.

Thêm 5 năm để "đoàn tụ trọn vẹn"

Câu chuyện đầy trắc trở, dai dẳng để tìm lại những người thân ruột thịt tưởng chừng như sẽ kết thúc trọn vẹn khi 5 anh em đã đoàn tụ đông đủ. 

Nhưng dù đã xét nghiệm ADN, đã đủ thông tin để biết chắc rằng mấy chị em từ một bụng mẹ mà ra nhưng mỗi người lại mang một họ khác nhau. Ngặt nỗi sinh ra trong thời chiến tranh và ly tán khi không còn cha mẹ bên cạnh nên ông và các chị em chưa có giấy khai sinh. Bản thân ông chưa được nhận bất cứ chế độ trợ cấp nào dù thực tế có cả cha lẫn mẹ đều là liệt sĩ.

Theo ông Bốn, sau khi ly tán, họ của mấy chị em trước đây mang theo họ cha mẹ nuôi. Sau ngày gặp lại, việc sửa tên, khai lại họ để lấy tên họ Trần của các người con tương đối thuận lợi. 

Nhưng với ông và bà Phùng Thị Năm do lưu lạc và hoàn cảnh khó khăn nên mấy năm trước ông và bà Năm mới đi làm thủ tục, việc này trở nên gian nan hơn khi hai người đều mang họ khác nhau, giấy tờ gốc không còn.

"Tui là con liệt sĩ, có ADN cùng huyết thống với các chị em trong nhà nhưng giấy tờ gốc không còn nên chạy lên chạy xuống cả mấy năm trời vẫn không được. Có lúc bực bội quá tui tính xé toàn bộ hồ sơ" - ông Bốn kể. Tâm tư của ông mãi rồi cũng đến tai lãnh đạo tỉnh, huyện ở Quảng Nam.

Rồi nhiều cơ quan ban ngành, lãnh đạo của huyện Đại Lộc phải vào cuộc, thẩm tra xác minh cặn kẽ mọi thông tin, một phiên tòa đã được mở với quyết định chấp thuận công nhận ông Bốn, bà Năm mang họ Trần và là con đẻ của liệt sĩ Trần Khế và liệt sĩ Lê Thị Lục.

Sau hơn nửa thế kỷ mang họ của người cha nuôi, ngày 17-2-2022 ông Bốn cùng bà Phùng Thị Năm được mời lên UBND huyện Đại Lộc để nhận một tấm giấy đặc biệt: giấy khai sinh mới do đích thân phó chủ tịch UBND huyện ký.

Như được sinh ra lần nữa

Cuối tháng 4 vừa qua, một bữa tiệc sum vầy, ấm cúng được ông Bốn cùng 4 chị em tổ chức ngay nhà mà ông Hứa On đã để lại cho ông Bốn. Khoảnh sân nhỏ không đủ chỗ để người gần xa tới siết tay chúc mừng.

Nhiều lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đã được mời về để chứng kiến khoảnh khắc trùng phùng mừng tủi này. Trên sân khấu chính, bức ảnh chụp 5 chị em ruột thịt của ông được phóng lớn, in trang trọng dưới hàng chữ "Mừng 51 năm đoàn tụ gia đình sau chiến tranh".

Trong khoảnh khắc nghẹn ngào, ông Bốn nói rằng với ông và các chị em, việc tìm được nhau và được trả lại họ tên thật chẳng khác nào được sinh ra lần nữa.

Chị em Cù Lao Dung đã thôi Chị em Cù Lao Dung đã thôi 'lấy chồng xứ lạ'!

TTO - Huyện Cù Lao Dung ở Sóc Trăng là một cù lao lớn. Ngoài nổi tiếng là vùng đất trù phú, cây trái xum xuê quanh năm, Cù Lao Dung còn được biết đến vì có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong đó xã An Thạnh 1 được gọi luôn là... đảo Đài Loan.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên