03/07/2016 09:44 GMT+7

40 năm Sài Gòn mang tên Bác: Nhiều cơ hội cho người trẻ

MAI HƯƠNG - MAI HOA - T.K.ANH
MAI HƯƠNG - MAI HOA - T.K.ANH

TTO - TP.HCM không thiếu nhân tài, nhưng làm sao khơi gợi để mỗi người mang hết sức mình ra cống hiến thì không phải chuyện nói là làm được.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn mang tên Bác - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn mang tên Bác - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 2-7, tại TP.HCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm ngày TP Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-7-1976 - 2-7-2016).

Đến dự lễ có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong...

TP của nghĩa tình

Giáo sư - tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP, mang đến buổi lễ câu chuyện của người trí thức đã quyết tâm chọn lựa chỗ đứng trên chính đất nước thân thương của mình.

Ông Sơn kể: Trong những năm tháng đầu sau giải phóng, hòa nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tự đáy lòng mình, các trí thức TP mãi mãi ghi nhớ và cảm ơn sự chăm sóc tận tình của các lãnh đạo TP như ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí...

Các lãnh đạo thường gặp gỡ, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của giới trí thức cũng như những đóng góp ý kiến vào hoạt động chuyên môn, chia sẻ những khó khăn phiền toái trong cuộc sống, động viên tinh thần, giúp đỡ về vật chất, tìm nhiều cách để hỗ trợ họ an tâm làm việc.

Với góc nhìn của một trí thức gắn bó máu thịt với TP.HCM, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn nhìn nhận TP.HCM không phải chỉ có những khu công nghiệp phát triển, những nhà máy hiện đại, những công trình kiến trúc ngang tầm khu vực, mà còn là một TP của những tấm lòng nhân ái, bao dung.

Những suất cơm nghĩa tình miễn phí ở cổng bệnh viện cho người nghèo, những ổ bánh mì, những thùng trà đá miễn phí ở nhiều ngả đường được nhiều người dân TP chia sẻ tự nguyện trong cuộc sống hằng ngày.

Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Thế hệ trẻ TP nguyện luôn sống những ngày đẹp nhất, bắt tay vào những công việc bình thường hằng ngày nhưng có ích cho đời; nguyện ra sức phấn đấu cùng TP.HCM chung tay góp sức làm cho non sông ta đàng hoàng, đất nước mạnh giàu
Chị Trương Hải Nhung, Trường ĐH Khoa học tự nhiên

Cần phát huy đội ngũ trí thức

Ông Nguyễn Văn Thương (84 tuổi, ngụ Q.3), chia sẻ: "Tôi bắt đầu dạy học từ những năm 1950 bằng tiếng Pháp, gần 40 năm làm giáo dục, chứng kiến những thế hệ học trò lớn lên qua cả 3 chế độ.

Tôi cho rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng đều có lý do của nó, đều có quy luật của nó. Cái tên TP.HCM được ghi vào lịch sử như một bước ngoặt phát triển của TP này"

Theo ông Thương, chỉ mong muốn một điều này: TP phải làm sao đó phát huy được đội ngũ trí thức. TP.HCM chẳng thiếu nhân tài, nhưng làm sao khơi gợi để mỗi người mang hết sức mình ra cống hiến thì không phải chuyện nói là làm được.

Giữ được họ, khuyến khích họ bằng những cách gì? Nhìn chung, công tác liên quan đến con người khó lắm, đòi hỏi những người làm phải có tâm. Thời gian qua TP đã chú trọng làm được điều này, cần phát huy hơn nữa.

TP với nhiều cơ hội cho người trẻ

Anh Võ Sỹ Nhân  (tổng giám đốc Công ty liên doanh Empire City) cho biết: "Lăn lộn trên thương trường thời gian dài, thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất chúng tôi luôn cảm thấy dù làm bất cứ công việc gì, đi đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi vẫn là một người con của TP.HCM, vẫn cảm thấy TP đầy thân thương và tràn đầy sức sống cũng như cơ hội cho thế hệ trẻ.

Thời gian gần đây, tôi và bạn bè cùng trang lứa rất ấn tượng khi những lãnh đạo mới của TP đã thể hiện quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp và nói đến giấc mơ xây dựng TP.HCM là một trung tâm tài chính, dịch vụ cao cấp giá trị gia tăng trong khu vực".

Theo anh Nhân, TP đã và đang nỗ lực rất nhiều huy động mọi nguồn lực để đầu tư “phần cứng” cho các công trình hạ tầng, khu đô thị mới như Thủ Thiêm, tuyến giao thông metro kết nối hiện đại...

Tuy nhiên, cần có thêm cơ chế “phần mềm” để thu hút và hình thành các nhân tố, nguồn lực về để tạo ra một trung tâm tài chính - dịch vụ cấp cao cho TP.HCM.

* Bà Nguyễn Thị Việt Tú - phó trưởng Phòng giáo dục - đào tạo Q.Bình Thạnh:

Phải cùng góp sức xây dựng TP

Tôi rất đỗi tự hào khi cuộc đời mình từ lúc sinh ra và lớn lên là ngần ấy thời gian TP Sài Gòn chính thức mang tên TP.HCM.

Những tháng ngày kiến thiết đất nước ngổn ngang khó khăn là vậy, nhưng tôi luôn được sống trong sự yêu thương, lo lắng của các thế hệ đi trước.

Vì lẽ đó mà tôi hay nói vui với bạn bè đồng trang lứa rằng thế hệ tôi là thế hệ “được hưởng trọn vẹn”, cho nên mình cần phải thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội nhiều hơn nữa.

Thi thoảng nghe người ta hỏi nhau: “Bạn có cảm nhận TP mình ngày càng phát triển bền vững không?”, tôi nghĩ điều đó là chắc chắn.

Nhưng TP sẽ không thể nào vững bền mãi được nếu chúng ta chỉ ngồi đây “cảm nhận”, ngồi đây chờ người khác làm rồi đánh giá. Phải làm gì và làm thế nào để có thể góp một bàn tay xây dựng TP ngày một tốt đẹp hơn, đàng hoàng hơn luôn là điều khiến tôi trăn trở.

MAI HƯƠNG - MAI HOA - T.K.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục