Tín dụng đen len lỏi vào tận những khu dân cư và về các làng quê - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Đây là thông tin được ông Phạm Huyền Anh - phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng nhà nước - NHNN) - cho biết về thực trạng tín dụng đen tại hội nghị trực tuyến tìm giải pháp ngăn chặn tín dụng đen của ngành ngân hàng ngày 26-12.
Tín dụng đen thường cho vay nặng lãi
Ông Anh cho biết hiện chưa có khái niệm chính thống cũng như quy định pháp luật về tín dụng đen. Thực tế, tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của NHNN với lãi suất rất cao so với quy định hay còn gọi là cho vay nặng lãi.
Đối tượng tín dụng đen nhắm tới là cá nhân có công việc không ổn định, cần tiền gấp khi có việc đột xuất như ma chay, cưới hỏi, hay những đối tượng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ít am hiểu về hoạt động vay vốn.
Đặc biệt, đối tượng tín dụng đen nhắm tới là cờ bạc, cá độ bóng đá khi vay núp bóng dưới hình thức là tiệm cầm đồ, mạng xã hội, công ty tư vấn đầu tư.
Tín dụng đen tiếp cận người dân qua việc dán các tờ rơi ở cột điện, tường rào khu dân cư… và cho vay không cần thế chấp, cần thẻ sinh viên, chứng minh thư…
Thủ tục cho vay nhanh, không quy định lãi suất mà quy định số tiền nhất định trong ngày, ví dụ 1 triệu đồng/ngày. Để thu nợ, các đối tượng sử dụng nhiều biện pháp trái pháp luật như đe doạ, sử dụng đòi nợ thuê.
Theo đại diện NHNN, tín dụng đen khi đổ vỡ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến hậu quả kinh tế xã hội, mất an toàn trật tự, gây ra đòi nợ thuê bất hợp pháp, ảnh hưởng an ninh xã hội, tính mạng của người đi vay.
Nhiều trường hợp vay tín dụng đen bị đổ vỡ dẫn đến mất nhà, tài sản, đảo lộn cuộc sống, cơ hội làm ăn của người dân.
Do hoạt động ngầm nên phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng đen chỉ được phát hiện khi đổ vỡ. Mặc dù cơ quan thanh tra đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc liên quan tín dụng đen và có thông tin cảnh báo người dân nhưng tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, nhất là thời gian qua.
Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ huỷ hoại tài sản…
Trong đó, có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, vỡ nợ dây chuyền.
Hiện lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.
Cần đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian vay
Để đẩy lùi tín dụng đen, ông Anh đề xuất hệ thống ngân hàng cần hoàn thiện cơ chế chính sách về cho vay, trong đó cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Bên cạnh đó, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Cư đề nghị các ngân hàng tiếp tục đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay đảm bảo quy định và tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay, nhất là cho vay các hộ nông dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn, giảm cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, công khai các mức lãi suất, hướng dẫn thủ tục vay vốn…
Cho vay tín dụng đen: nặng nhất bị phạt 1 tỉ và ngồi tù 3 năm
Về cơ sở pháp lý của hoạt động tín dụng đen, Bộ luật dân sự năm 2015 đã điều chỉnh các quan mối hệ dân sự cá nhân, pháp nhân trong đó có quy định vay tài sản và lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm.
Nếu cho vay vượt quá quy định sẽ bị phạt, nhẹ thì hành chính, phạt tiền, nặng phải đi tù.
Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt 50-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm nếu cho vay gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất quy định trong bộ luật dân sự.
Phạt 1 tỉ đồng và ngồi tù đến 3 năm nếu thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận