05/01/2015 09:24 GMT+7

Bốn lo ngại về ngọn hải đăng trên sông Hàn

LÂM HOÀI ghi
LÂM HOÀI ghi

TT - Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN - khi đề cập tới dự án ngọn hải đăng trên sông Hàn.

Người dân Đà Nẵng và phối cảnh ngọn hải đăng bên bờ sông Hàn - Ảnh: Phan Thành
Người dân Đà Nẵng và phối cảnh ngọn hải đăng bên bờ sông Hàn - Ảnh: Phan Thành

Ông Chính nói:

Tôi thật sự có bốn lo ngại lớn.

Thứ nhất, công trình này không có cơ sở pháp lý, nó hoàn toàn chưa có trong quy hoạch. Theo quy định, các dự án muốn triển khai đều phải nằm trong quy hoạch, đây lại là dự án lớn và nhạy cảm, vị trí đặc thù... càng phải đáp ứng yêu cầu này. Nằm trong quy hoạch được duyệt thì mới hội đủ điều kiện “cần” để triển khai dự án.

Đà Nẵng là đô thị loại I, trực thuộc trung ương nên quy hoạch phải được Thủ tướng phê duyệt.

Trước khi muốn triển khai dự án này, Đà Nẵng phải bổ sung dự án vào quy hoạch, chưa có thì có thể điều chỉnh quy hoạch...

Sau đó, Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước sẽ thẩm định, rồi mới trình Thủ tướng xin ý kiến, Thủ tướng phê duyệt rồi mới được chấp thuận.

Thứ hai, đối với thành phố có sông như Đà Nẵng, việc đảm bảo bố cục, cảnh quan, trục quy hoạch hai bên sông Hàn phải đặc biệt được quan tâm.

Sông Hàn có dòng chảy ổn định, cần có cảnh quan hai bên hài hòa, đẹp. Xuất hiện một công trình cao 25 tầng giữa bờ sông có thể làm phá vỡ cảnh quan, phá đi cái êm đềm, thơ mộng của dòng sông.

Yếu tố thủy văn trên sông cũng rất quan trọng, 400m² đế của công trình là một rào cản lớn đối với dòng chảy. Còn nhớ, trước đây công trình ở đồi Vọng Cảnh tại Huế bị phản đối và phải dừng cũng có phần do xâm phạm vào sông Hương.

Thứ ba, lấy tên công trình là “ngọn hải đăng”, theo tôi, đây là một cách “đánh tráo khái niệm”. Hải đăng phải nằm ở cửa biển, trên đất liền, núi cao để thuyền bè định vị phương hướng, chứ sao lại nằm ngay giữa sông. Chắc chắn cách giải thích này khiến người dân thấy thiếu thuyết phục. Ai cũng biết đây là vị trí đắc địa cho dự án kinh doanh thương mại, không phải là công trình dân dụng, dân sinh...

Còn nếu nói làm công trình dị biệt để tạo dấu ấn, điểm nhấn cho thành phố thì hoàn toàn ngụy biện. Việc thu hút du lịch là cả một quá trình và cơ chế, thiết chế điều hành chứ không quyết định bởi một công trình.

Thứ tư, nhiều người lo ngại về việc thoát nước, ô nhiễm môi trường từ công trình này. Công trình chắn ngang sông với tiết diện rất lớn chắc chắn sẽ là rào cản hứng các phế thải trôi nổi, rất dễ tạo thành điểm ô nhiễm.

Công trình này bao gồm khách sạn, thương mại phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, liệu việc xử lý rác thải, đặc biệt nước thải có đảm bảo không, hay là sẽ xả thẳng hoặc rò rỉ ra sông?

Tranh chấp không gian

Đà Nẵng phát triển đang rất cần loang ra ở nhiều hướng, chia sẻ tầm nhìn cảnh quan thành nhiều tụ điểm, dịch chuyển lưu thông thoáng đãng... Đà Nẵng không chỉ có 5 cây số dọc hai bên bờ sông Hàn để khai thác quỹ đất, khai thác mặt nước sông...

Công trình ngọn hải đăng qua báo chí cao 25 tầng, chiếm dụng mặt nước không nhỏ, đan xen, tranh chấp đang là nỗi băn khoăn trong giới kiến trúc, khoa học nghệ thuật và dư luận.

Vị trí chọn đặt ngọn hải đăng bên kia sông Hàn, dọc đường Ngô Quyền, giữa hai cây cầu sông Hàn và cầu Rồng. Ngọn hải đăng đang có ý mọc lên giữa hai công trình này.

Liệu khối tháp có đúng tên gọi mang tầm cỡ dẫn đường hay chỉ là công trình đặc tính khai thác dòng sông, tranh chấp tầm nhìn, lấn lướt biểu tượng cầu Rồng vang danh thế giới để khai thác thuần tính dịch vụ kinh tế khách sạn nghỉ dưỡng? 

Ngọn hải đăng sẽ được xây dựng, sẽ có dịp vươn cao hơn thành biểu tượng khi các nhà lãnh đạo quy hoạch tầm nhìn mở rộng ra phía Vũng Thùng, Tiên Sa, ven núi Sơn Trà... Rừng xanh, biển xanh, gió lộng nơi khách du lịch sẽ dồn về chùa Linh ứng chiêm niệm, ngắm nhìn khu nghỉ dưỡng cao cấp, tham quan đài rađa, ngọn hải đăng mới của Đà Nẵng...

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

LÂM HOÀI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên