20/11/2017 14:49 GMT+7

4 điều trăn trở trong đào tạo người thầy

PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

TTO - 'Nhà nước đặt ra chuẩn đầu vào riêng cho các ngành sư phạm, nếu chưa đủ chuẩn thì chấp nhận thiếu chứ không thể tuyển đầu vào thấp'.

4 điều trăn trở trong đào tạo người thầy - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Ảnh: N.H.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về việc đào tạo thế hệ giáo viên kế cận. Ông cũng bày tỏ trăn trở về ưu đãi cho giáo viên hiện nay. 

Nhân dịp 20-11, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ những trăn trở của mình:

Thứ nhất, ưu đãi cho giáo viên về vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc. Ở một số nước, giảng viên dạy đại học 5 năm được cho phép một thời gian, có thể là nửa năm học tập, làm việc ở các ĐH/các cơ sở giáo dục ở nước ngoài nhưng vẫn hưởng lương bình thường.

Thứ hai, tôi đã nhiều lần nêu ý kiến cho giáo viên trẻ mua nhà ưu đãi, hay bán trả góp trả dần vào lương trong vòng 20-30 năm. Việc này hoàn toàn có thể làm được và chúng ta sẽ thấy được hiệu quả của chính sách ưu đãi ngay. Nhưng chưa ai làm việc này. 

Nhiều lúc tôi nghĩ tại sao Chính phủ không cho TP.HCM giữ lại chỉ một phần từ ngân sách mà thành phố đóng góp cho cả nước để xây nhà ưu đãi cho giáo viên, để giáo viên vừa ra trường có chỗ ở ngay. Đó cũng là cách thu hút sinh viên vào sư phạm.

4 điều trăn trở trong đào tạo người thầy - Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) tặng hoa chúc mừng cô giáo trong buổi lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thứ ba, tôi đã bị "ném đá" (cách nói của giới trẻ hiện nay) cách đây 7-8 năm vì lên tiếng đổi mới đào tạo giáo viên với hai cách sau: Một, đào tạo giáo viên trong 5 năm để nhận bằng thạc sĩ - tất cả giáo viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên. 

Trong 5 năm đó, ít nhất phải có 1-1,5 năm dạy thật ở các trường thực hành sư phạm. Trước khi hành nghề giáo viên phải thực hành giảng dạy và giáo dục ít nhất 1,5 năm. 

Cách thứ hai, cử nhân tốt nghiệp các trường ĐH khác sẽ học và thực hành nghề nghiệp trong các trường sư phạm 2 năm mới ra làm thầy. 

Nếu làm như thế chúng ta sẽ có một đội ngũ giáo viên tốt hơn. Tôi đề xuất như vậy, nhiều người nói tôi lương không đủ ăn mà nói chuyện viển vông.

Thứ tư, cần quy hoạch lại các trường đào tạo giáo viên. Ở Việt Nam chỉ cần 20-30 trường sư phạm. Tính đến việc kế hoạch hóa trong giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm. 

Dùng tiền của Nhà nước, của dân thì phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Nhà nước trong tuyển sinh, Nhà nước đặt ra chuẩn đầu vào riêng cho các ngành sư phạm. 

Nếu chưa đủ chuẩn thì chấp nhận thiếu chứ không thể để các trường sư phạm tuyển sinh với đầu vào thấp. 

Tôi nghĩ các trường sư phạm phải thay đổi để đáp ứng đổi mới của đất nước, tiến bộ của thời đại. Đổi mới giáo dục thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào đổi mới trường sư phạm.

Làm được những điều này, tôi nghĩ bức tranh giáo dục sẽ được cải thiện.

PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên