Diện tích bị ngập lụt (màu xanh) theo dự đoán dựa trên dữ liệu vệ tinh SRTM (trái) và diện tích vùng bị ngập lụt theo dự đoán dựa trên dữ liệu của vệ tinh CoastDEM (phải) cho năm 2050, nghiên cứu xuất bản ngày 29-10-2019 - Ảnh: Climate Central
Nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận Climate Central công bố ngày 29-10-2019 trên tạp chí Nature Communications. Những phát hiện của Climate Central dựa trên dữ liệu mô hình số độ cao vùng ven biển - CoastDEM - là hệ thống số hóa độ cao của bề mặt đất, độ cao của tầng đất, của mực nước ngầm… có sai số thấp.
Nguồn dữ liệu độ cao chính hiện đang được các nhà nghiên quốc tế dùng lấy từ dữ liệu vệ tinh thuộc dự án quan sát địa hình trái đất bằng rađa tàu con thoi của NASA (sử dụng vệ tinh SRTM). Những đánh giá gần đây cho thấy sai số trung bình về độ cao ở vùng ven biển của SRTM là khoảng 2m. Trong khi đó, dữ liệu của CoastalDEM được hiệu chuẩn và sát thực tế hơn nhờ công nghệ học máy.
Áp dụng dữ liệu từ CoastDEM, Climate Central ước tính số dân trên toàn cầu gặp rủi ro về ngập lụt sẽ cao gấp 3 lần so với dự đoán dựa trên mô hình dữ liệu độ cao của vệ tinh SRTM. Các nước châu Á là nơi có sự gia tăng đáng kể về số người sống tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt.
6 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan) có khoảng 237 triệu người đang sống ở những khu vực bờ biển dễ có nguy cơ ngập lụt. Nếu không có các công trình bảo vệ vùng ven biển, nhiều khu dân cư tại 6 nước trên có thể bị ngập lụt ít nhất mỗi năm một lần vào năm 2050, cao hơn gấp 4 lần so với những ước tính dựa trên dữ liệu độ cao cũ là khoảng 80 triệu người.
Ngay cả khi khí thải nhà kính được cắt giảm ở mức vừa phải, sẽ có 31 triệu người Việt Nam thay vì 9 triệu sống ở những vùng bị ngập vào năm 2050.
Đến năm 2100, nếu phát thải không được kiểm soát kết hợp với nguy cơ băng tan sớm, theo dữ liệu độ cao mới, sẽ có 35 triệu người Việt Nam sống trong những vùng ngập lụt thay vì 13 triệu như tính toán dựa trên dữ liệu cũ.
Tiến sĩ Scott Kulp, nhà khoa học của Climate Central và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Những con số này cho thấy biến đổi khí hậu có khả năng định hình lại các thành phố, nền kinh tế, vùng bờ biển và các khu vực trên toàn cầu ngay trong thời đại của chúng ta. Khi thủy triều cao hơn nền nhà, câu hỏi là các công trình phòng chống ngập ven biển tốn kém cỡ nào và có thể bảo vệ người dân bao lâu".
Các ước tính tóm tắt ở đây có khả năng là những con số khiêm tốn và chưa phản ánh đúng thực tế do được giả định trên mục tiêu cắt giảm khí thải cacbon của Thỏa thuận Paris 2015. Trong khi đó, các nỗ lực trên toàn cầu hiện nay về giảm phát thải vẫn chưa đi đúng hướng đến mục tiêu này.
Tuy nhiên, như báo Tuổi Trẻ đã đưa tin giải thích, con người, cụ thể như người dân TP.HCM hiện nay vẫn thỉnh thoảng sống với tình trạng ngập lụt trong mùa mưa hoặc theo triều cường, và nước biển dâng không đồng nghĩa với việc họ phải di dân rầm rộ và mất hoàn toàn nơi ở, nơi sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận