06/09/2017 19:30 GMT+7

35% doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Là kết quả khảo sát 275 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được VINASA công bố tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2017. Theo khảo sát, có 35,2% đơn vị đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)

35% doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng tham quan các gian giới thiệu của các doanh nghiệp ICT và trao đổi với giới CNTT - Ảnh: T. HÀ

Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng, một số doanh nghiệp CNTT và chiếm số đông nhất là các doanh nghiệp, cơ quan ứng dụng cùng một số cơ quan quản lý CNTT.

Cũng trong cuộc khảo sát này 60% số doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam cho biết đã có tìm hiểu những chưa biết cần chuẩn bị gì. Dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức không hiểu biết và chưa có sự chuẩn bị gì cho những cơ hội và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ có 6,1%.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Với chủ đề "Việt Nam - Chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư," Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2017 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức với sự tham dự của 650 đại biểu trong nước và quốc tế. 

Trong một ngày làm việc, diễn đàn thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Minh họa cho những chủ đề chính được bàn thảo ở ICT Summit 2017, nhiều doanh nghiệp Việt đã mang tới diễn đàn các giải pháp mới mang tính đột phá, như các giải pháp giao thông thông minh, Chính phủ số, hệ thống bảo mật, giải trí thực tế ảo D.T VR, ứng dụng phục vụ dự án phát triển thành phố thông minh (hệ thống chiếu sáng, cửa từ thông minh), thiết bị bán nước uống tự động tích hợp ứng dụng thanh toán bằng QR Code)…

Ngay bên lề ICT Summit, người dùng có thể trải nghiệm những sản phẩm sáng tạo Việt mang tính ứng dụng cao và bắt kịp xu thế của thế giới như sản phẩm chiếc gương "biết nói" của VNG.

Trí tuệ nhân tạo AI đã được các kĩ sư Việt nghiên cứu, tìm tòi và phát triển để cho ra đời chiếc gương thông minh có gắn camera nhận diện khuôn mặt và có khả năng tùy biến theo nhu cầu của người soi gương như đưa ra lịch làm việc tiếp theo, dự báo thời tiết, bản đồ,… trên màn gương. 

Trong tương lai, sản phẩm này sẽ còn được tích hợp nhiều tính năng độc đáo hơn nữa như công nghệ nhận diện và điều khiển qua giọng nói, tự động phát nhạc khi có yêu cầu…

Các doanh nghiệp cũng đã ứng dụng khá nhiều công nghệ 4.0 vào nền tảng của mình, big data tại Shopee là một ví dụ. Ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc điều hành Shopee chia sẻ " Thương mại điện tử là ngành phải xử lý rất nhiều dữ liệu người dùng, vì thế Shopee phải xây dựng hệ thống phân tích sâu để đánh giá thị trường. Ngoài ra trong vận hành, Shopee cũng đã có kế hoạch ứng dụng big data và machine learning vào việc kiểm soát gian lận, chống hàng giả".

Sự chuyển động của các doanh nghiệp Việt trước làn sóng 4.0 được phản ánh khá rõ qua kết quả khảo sát của VINASA: Ba ngành kinh tế Việt Nam có lợi thế nhất trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư là CNTT, nông nghiệp và du lịch - Kết quả khảo sát cho biết. Những lĩnh vực tiếp theo được đánh giá là có lợi thế trong CMCN 4.0 là Tài chính - ngân hàng, Logicstic, dệt may- da giày… Bị đánh giá là có ít lợi thế nhất là các ngành bán lẻ, xây dựng, giao thông vận tải…

Nhân lực: sẽ phải có những chuẩn mực mới

Chia sẻ thông tin về đội ngũ nhân lực hiện có, ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc điều hành Shopee cho biết "Hầu hết nhân lực của chúng tôi rất trẻ, các vị trí leader đều nằm trong nhóm 9x. Chúng tôi cho rằng nguồn lực của Việt Nam được đầu tư tốt về mặt kiến thức". 

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho hay, nhân lực tại chỗ tại Việt Nam mới đảm nhận được các công việc về phần phân tích, đánh giá data và vận hành kinh doanh. Còn đội ngũ kỹ thuật của Shopee hoàn toàn nằm ở Singapore.

"Thách thức lúc này là các kỹ sư VN phải sẵn lòng học cái mới để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn trong tương lai. Tương lai cần một người biết nhiều việc, đẻ ra trăm việc ".

Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA

Ông Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản JAIST, nhìn nhận chuyển đổi số, tự động hóa sẽ dẫn đến những chuẩn mực đạo đức mới, các kỹ năng mới. 

Ông Bảo khuyến cáo "CMCN 4.0 phải có lực lượng, đào tạo công nghệ số là bắt buộc. Nhà nước cần thu hút nhân tài trong công nghệ số, thay đổi mục tiêu, cách thức đào tạo"

Đại diện cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT đang thống kê sinh viên ra có việc làm, có cơ chế cho các sinh viên có thể chuyển sang học CNTT từ các ngành khác, học một năm cuối về CNTT ứng dụng CNTT, tương tự với bằng 2 học CNTT.

 "Đào tạo theo phương thức này rất có lợi thế. Đào tạo được đội ngũ ứng dụng CNTT được ngay. Thay đổi các tiêu chí tỷ lệ sinh viên,/giảng viên cho phép các kỹ sư CNTT có 5 năm để đào tạo giảng dạy CNTT. 

Đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng liên thông và mở. Có thể tìm cách công nhận một số chứng chỉ tương đương với chương trình ĐH, tăng cường đào tạo trực tuyến, trong đó có thể DN, xã hội hóa tham gia và công nhận các chứng chỉ đào tạo học trực tuyến giống như chứng chỉ đào tạo truyền thống". - Đại diện cục CNTT, Bộ GD&ĐT

Đánh giá về những thế mạnh của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp và đơn vị trả lời khảo sát của VINASA đã lựa chọn ba lợi thế/thế mạnh của Việt Nam trong CMCN 4.0 là: nguồn nhân lực (77,7%), Nhận thức & Quyết tâm hành động của Chính phủ (70.4%), và Hạ tầng CNTT & Viễn thông (59.1%).

Cũng theo kết quả khảo sát vừa được VINASA công bố, để hiện thực hóa những lợi thế nêu trên, các cơ quan, doanh nghiệp đã lựa chọn Việt Nam cần tập trung triển khai ba giải pháp quan trọng, đó là: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%); Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%); Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%).


THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên