26/06/2008 08:23 GMT+7

300 tỉ chỉ để xả nước thải

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Nếu không xử lý nước thải đầu nguồn thì việc mở rộng kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức, TP.HCM) có thể sẽ hút nước thải từ các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ vào sông Sài Gòn nhiều hơn, nhanh hơn.

evBt4Gm4.jpgPhóng to
Tiết diện cống Ba Bò quá hẹp làm cản trở dòng chảy, gây ngập khu dân cư khi mưa lớn. Ảnh: n.triều
TT - Nếu không xử lý nước thải đầu nguồn thì việc mở rộng kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức, TP.HCM) có thể sẽ hút nước thải từ các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ vào sông Sài Gòn nhiều hơn, nhanh hơn.

Tháng 7-2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án cải tạo kênh Ba Bò với tổng vốn đầu tư hơn 307 tỉ đồng từ vốn ngân sách của tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Người dân P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) tưởng rằng sắp thoát khỏi nạn ô nhiễm và ngập lụt nay lại không vui khi thấy dự án được triển khai.

Không thấy đề cập xử lý ô nhiễm

Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa: Cần kênh sạch chứ không phải kênh rộng

Tôi vừa đi khảo sát trở lại kênh Ba Bò và sẽ tiếp tục có ý kiến chất vấn tại kỳ họp HĐND TP sắp tới. Tôi cho rằng cảnh báo của các chuyên gia môi trường về nguy cơ làm tăng ô nhiễm cho sông Sài Gòn là nghiêm túc và đáng lưu ý.

Tôi phản đối việc bỏ hàng trăm tỉ đồng để mở rộng con kênh này vì quá lãng phí. Người dân cần con kênh sạch chứ không phải con kênh rộng, do đó vấn đề quan trọng nhất phải là giải quyết ô nhiễm ngay từ nguồn.

Theo quyết định phê duyệt dự án, kênh Ba Bò sau khi cải tạo sẽ có chiều rộng đáy 27-30m và phía thượng nguồn là một hồ điều tiết có diện tích bề mặt rộng 6ha. Nội dung dự án tuyệt nhiên không thấy đề cập việc xử lý ô nhiễm nguồn nước. Điều này cho thấy dự án chủ yếu phục vụ mục đích tiêu thoát nước cho các khu dân cư dọc hai bên bờ, trong khi mối nguy lớn nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm.

Ông Trần Hòa Anh Tuấn - chủ tịch UBND P.Bình Chiểu - cho biết nếu chỉ để tiêu thoát nước thì việc giải tỏa hơn 12ha đất với gần 300 hộ dân để mở rộng kênh Ba Bò lên gấp 5-10 lần là không cần thiết, thậm chí lãng phí.

Trên thực tế, tình trạng ngập lụt dọc kênh Ba Bò chỉ xảy ra tại những vị trí cống băng ngang đường sau những trận mưa lớn. Điểm ngập thường xuyên nhất là đoạn cống Ba Bò qua tỉnh lộ 43, thuộc khu phố 2, P.Bình Chiểu.

Dòng kênh ở vị trí tiếp giáp với huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương rộng 4-6m nhưng khi đến tỉnh lộ 43 thì bị thắt cổ chai do tiết diện cống ở đây chỉ hơn 1m. Vì thế, trời mưa nước từ thượng nguồn đổ về nhiều và đến nút thắt này không thoát kịp nên tràn bờ, tràn qua mặt đường xối thẳng vào nhà dân rồi đổ trở lại đoạn kênh phía hạ lưu. Con nước một lần nữa tràn bờ tại cống tiếp giáp đường Ngô Chí Quốc (cũng thuộc P.Bình Chiểu) trước khi trở lại kênh và theo rạch Vĩnh Bình thoát ra sông Sài Gòn.

Theo ông Đặng Văn Thành - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường Q.Thủ Đức, chỉ cần thay những cống hiện hữu bằng cầu, kết hợp gia cố bờ, nắn sửa lòng kênh rộng 6m là đủ tiêu thoát cho từng khu vực. "Con kênh dài hơn cây số mà mở rộng bằng một con sông là quá thừa thãi" - ông Thành nói.

Sông Sài Gòn lãnh đủ

Tại cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND Q.Thủ Đức ngày 19-6, nhiều cử tri P.Bình Chiểu đồng loạt kiến nghị quận và TP xem lại liệu có đi lệch mục tiêu trong việc cải tạo, mở rộng kênh Ba Bò. Bà Lương Thị Thanh - nguyên bí thư chi bộ khu phố 2, P.Bình Chiểu - cho rằng thay vì tốn hơn 112 tỉ đồng bồi thường giải tỏa, TP.HCM và tỉnh Bình Dương nên dành đầu tư nhà máy xử lý nước thải ở thượng nguồn để giải quyết ô nhiễm, khử mùi hôi thì thiết thực hơn.

Ông Đặng Văn Thành cho biết kết quả kiểm tra chất lượng nước kênh Ba Bò cho thấy mức độ ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, nguyên nhân là do nước thải từ hàng trăm nhà máy ở các khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An... "Nếu không xử lý nước thải đầu nguồn từ các khu công nghiệp ở Bình Dương ngay bây giờ, việc mở rộng kênh Ba Bò không khéo sẽ hút nước thải đổ vào sông Sài Gòn nhiều hơn, nhanh hơn" - ông Thành cảnh báo. Với nỗi lo tương tự, một số chuyên gia về môi trường khuyến cáo TP.HCM nên phối hợp với tỉnh Bình Dương có biện pháp giải quyết nguồn ô nhiễm trước khi tính chuyện mở rộng, làm đẹp kênh Ba Bò. Nếu không, cả lưu vực sông Sài Gòn sẽ lãnh đủ ô nhiễm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết cách đây một tháng, khi làm việc với tỉnh Bình Dương, Khu công nghiệp Sóng Thần thì còn 30 doanh nghiệp chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải. Tỉnh Bình Dương đã đưa ra bảy giải pháp xử lý ô nhiễm từ các khu công nghiệp và có thể phải thay đổi biện pháp đưa nước thải ra hồ chứa như hiện nay bằng hệ thống thu gom khác. Tuy nhiên, theo ông Phước, cần phải có thêm thời gian ít nhất hai năm nữa mới có thể giải quyết hiệu quả.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên