Từ trái qua: đại tá Thomas Stevenson, trung tá Adam Points và ông William Buddy Newell trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ ngày 9-7 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập văn phòng Cơ quan kiểm kê tù binh, người mất tích Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) tại Việt Nam, báo Tuổi Trẻ trò chuyện cùng trung tá Adam Points - trưởng văn phòng DPAA tại Việt Nam, đại tá Thomas Stevenson - tùy viên Quốc phòng (Đại sứ quán Mỹ) và ông William Buddy Newell - chuyên viên Văn phòng tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA).
* Thưa trung tá Adam Points, việc hai nước hợp tác tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh ở cả hai bên có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương?
- Giấy phép thành lập MIA vào năm 1991 là bước đầu tiên để xây dựng niềm tin giữa hai đất nước. Lòng tốt và sự đồng cảm giữa các gia đình cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam đã là nền tảng trụ cột để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Bốn năm sau khi thành lập MIA, hai quốc gia tiến hành bình thường hóa quan hệ ngoại giao và chắc chắn điều đó không diễn ra được nếu không có hợp tác nhân đạo MIA cũng như hỗ trợ từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Hơn 30 năm hợp tác trong lĩnh vực MIA, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, 729 quân nhân Mỹ mất tích đã được tìm thấy và định danh. Thành quả này đến từ nỗ lực chung: các gia đình đã giúp đỡ các gia đình, các cựu chiến binh giúp đỡ các cựu chiến binh.
Những gia đình ở hai bên đã chờ đợi hơn 5 thập niên để người thân của họ có thể trở về nhà. Nhiệm vụ của hai bên là đảm bảo những người lính có thể trở về nhà, dù là người Mỹ hay người Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm những người lính Việt Nam mất tích.
* Là một người lính, ông có cảm xúc gì khi chứng kiến các lễ trao trả hài cốt?
- Các buổi trao trả hài cốt đều khiến tôi rất cảm động khi nghĩ về những gia đình đã chờ đợi hơn 50 năm để đón người thân của họ quay trở lại. Chúng tôi cảm ơn những người bạn Việt Nam đã nỗ lực để giúp chúng tôi mang bộ hài cốt trở về.
Là một người lính, tôi rất hiểu lời hứa quốc gia của Mỹ là mang tất cả người lính của họ quay trở lại đất nước dù họ đang ở đâu. Đây là lời hứa mà chúng tôi phải luôn luôn gìn giữ và kế tục dù phải nỗ lực trong bao lâu nữa.
Hiện vẫn còn 1.244 người Mỹ chưa được tìm thấy. Nhiệm vụ này từng được xác định là trụ cột trong mối quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam những năm 1990 đến nay và nó vẫn tiếp tục là như vậy trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ không chỉ tìm kiếm người Mỹ mất tích mà còn tìm kiếm cả hài cốt của những người lính Việt Nam chưa được tìm thấy nữa.
Tôi từng đến Côn Đảo thăm mộ chị Võ Thị Sáu. Những chuyến thăm như vậy rất quan trọng để hiểu rõ sự hy sinh, mất mát của tất cả các bên.
Trung tá Adam Points
* Ông William Buddy Newell, đâu là những câu chuyện khiến ông xúc động nhất trong 20 năm làm việc ở MIA?
- Một trong số những câu chuyện tôi sẽ không bao giờ quên là những người thu mua đồng nát đã giúp tìm kiếm hai bộ hài cốt lính Mỹ tại Quảng Trị...
Rồi câu chuyện đại tá Vũ Xuân Cẩm đã đưa các chuyên gia Mỹ đi khắp rừng sâu, núi cao của tỉnh Quảng Nam để tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong nhiều năm.
Dù đã nghỉ hưu nhưng vừa qua ông Cẩm vẫn dẫn đoàn đi tới một địa điểm rất khó khăn ở Quảng Nam mà các chuyên gia Mỹ với máy móc định vị hiện đại cũng không thể giúp đi đến đó.
Ông giúp chúng tôi tìm ra khu khai quật hài cốt. Để lên được đây, ông Cẩm đã dẫn đoàn qua ba ngày leo núi.
Nhưng câu chuyện khiến tôi cảm động nhất là đại tá Trần Văn Biền đã hy sinh cùng với 15 người Mỹ và Việt Nam khác trong vụ tai nạn rơi máy bay trực thăng năm 2001 tại Quảng Bình trong quá trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ.
Ông Biền đã hỗ trợ công tác tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích từ những năm đầu tiên. Ông đã chiến đấu và sống sót qua hai cuộc chiến tranh nhưng rồi ông ấy đã hy sinh trong lúc đi giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích.
* Đại tá Thomas Stevenson, được biết ông đã đến thăm nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM và nghĩa trang nhân dân Bình An (nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ) hồi tháng 6-2020. Cảm xúc của ông lúc đó thế nào?
- Thật khó khăn để tưởng tượng được nỗi đau của các gia đình vẫn đang phải chịu vì chiến tranh. Chúng tôi coi việc thăm các nghĩa trang liệt sĩ là cơ hội để bày tỏ sự tri ân tới những người đã chết, những người vẫn đang mất tích từ bất cứ bên nào.
Chúng tôi rất trân trọng những hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hơn 30 năm qua để tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích.
Chúng tôi đang tiến hành thêm những nỗ lực mới để giúp Việt Nam tìm kiếm những người Việt mất tích. Chúng tôi muốn chính thức hóa vấn đề này trong luật Mỹ để tăng cường những nguồn lực phía Mỹ dành cho Việt Nam để tìm kiếm người Việt Nam còn mất tích.
Đồng cảm với Đặng Thùy Trâm
Trung tá Adam Points nhắc lại chuyện phía Mỹ đã trao trả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm và cuốn Nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn cho Việt Nam lần lượt vào năm 2005 và 2010.
Ông cho biết mình đã đọc cuốn nhật ký cảm động của Đặng Thùy Trâm và bản thân ông cũng là một người lính nên rất đồng cảm với tác giả.
"Việc Mỹ trao trả cuốn nhật ký đã giúp gia đình và người dân Việt Nam hiểu được những suy nghĩ của Đặng Thùy Trâm và hiểu được cô đã yêu nước như thế nào" - trung tá Adam Points chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận