13/02/2022 08:26 GMT+7

30 năm bóng đá nữ, xin được tri ân!

HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI
HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI

TTO - Người hâm mộ đôi lúc "bật tivi xem một trận bóng đá nữ" còn khó, vậy mới hiểu sự kiên tâm, bền chí của ông Chung, ông Tuấn, ông Tú là đáng quý đến nhường nào.

30 năm bóng đá nữ, xin được tri ân! - Ảnh 1.

Các cầu thủ mặc áo dài của nhà thiết kế Vũ Việt Hà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khi nhìn các bạn mặc áo dài đứng trên sân khấu, chính tôi cũng không ngờ được rằng các bạn mặc vào trông lại hợp đến thế.

Nhà thiết kế Vũ Việt Hà

Từ những slide ảnh bạc màu sân Tao Đàn thập niên 1990, cho đến vẻ rạng rỡ của các nữ cầu thủ khi diện trên mình những bộ áo dài lụa tơ tằm, cũng là 30 năm hành trình đi từ gian khó cho đến thành công của bóng đá nữ Việt Nam - được khắc họa trong buổi giao lưu của đội tuyển với các bạn trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn ra chiều 12-2.

Chương trình giao lưu "Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam với tuổi trẻ TP.HCM - Hành trình đến World Cup 2023" do Thành đoàn TP.HCM, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Hưng Thịnh Land - thành viên nòng cốt của Tập đoàn Hưng Thịnh là nhà tài trợ lớn nhất cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam - tổ chức nhằm tôn vinh và tri ân các nữ tuyển thủ sau khi lần đầu tiên giành vé dự World Cup 2023.

Một thời đá bóng... như đánh ghen

Khi các nam cầu thủ lập nên kỳ tích, giới truyền thông nhắc đến việc tri ân bầu Đức, bầu Hiển - những người có đóng góp lớn cho đội tuyển hiện tại.

Nhưng với các cô gái, chúng ta cần phải gửi một lời tri ân sâu hơn dành cho tất cả những ai đã tham gia vào công cuộc gầy dựng bóng đá nữ từ những năm thập niên 1990 đến nay.

Cái tên đầu tiên không thể không nhắc đến, là một người đã thành thiên cổ: nguyên trưởng phòng thể thao quận 1 Trần Thanh Ngữ, vẫn thường được mọi người gọi với cái tên gần gũi - ông Tư Ngữ.

Những người làm bóng đá nữ thường lưu truyền một câu chuyện vui. Đó là khi các HLV Mai Đức Chung, Trần Anh Tuấn thời đó ra sân và giải thích với các cô học trò, nào là pressing, nào là tấn công tổng lực, ông Tư Ngữ chạy vào sân cười xòa nói:

"Nói vậy mấy đứa nó không hiểu gì đâu. Tụi con cứ vào sân đá như... đánh ghen cho chú". Một câu chuyện dí dỏm nhưng chân thật phản ảnh vẻ đơn sơ của bóng đá nữ thời kỳ đó của những Lưu Ngọc Mai, Nguyễn Thị Kim Hồng...

Trong số những cái tên kể trên vẫn còn rất nhiều người miệt mài gắn bó với bóng đá nữ đến tận ngày nay.

Đó là HLV Mai Đức Chung - người đã đi một vòng khắp các CLB, khắp nền bóng đá Việt Nam để rồi trở về với những cô học trò ở tuổi 70.

Là ông Trần Anh Tuấn - từ HLV tuyển TP.HCM thời ấy nay là giám đốc Trung tâm thể thao quận 1, là các cựu danh thủ Kim Chi, Kim Hồng - theo đuổi con đường HLV sau khi giải nghệ. Và cũng không thể không nhắc đến ông bầu Trần Anh Tú - người tài trợ cho giải vô địch bóng đá nữ quốc gia nhiều năm qua.

Người hâm mộ đôi lúc "bật tivi xem một trận bóng đá nữ" còn khó, vậy mới hiểu sự kiên tâm, bền chí của ông Chung, ông Tuấn, ông Tú là đáng quý đến nhường nào. Báo Tuổi Trẻ đã mang những hình ảnh của một thời chân chất đó đến với buổi giao lưu.

30 năm bóng đá nữ, xin được tri ân! - Ảnh 3.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ tặng HLV Mai Đức Chung bài báo đặc biệt viết về ông thay lời cảm ơn những đóng góp của ông cho bóng đá nước nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sự hy sinh lớn nhất

Cái nghèo, cái khổ cuộc đời VĐV nào cũng trải qua nhưng với riêng các cô gái đá bóng, sự hy sinh lớn nhất có lẽ nằm ở cái khổ về thể xác. Họ phải chơi một môn thể thao đầy rẫy va chạm, trên những mặt sân khô cằn dưới cái nắng gắt ban trưa, quá nhiều những nguy cơ tàn phá nhan sắc mà các chị em luôn trân quý.

Khi một bạn đọc gửi câu hỏi cho tiền vệ Thanh Nhã về bí quyết làm đẹp, cả khán phòng giao lưu cười ồ thích thú.

Còn nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ VĐV điền kinh lừng danh Phạm Đình Khánh Đoan bảo rằng nếu cô trở thành lãnh đạo ngành thể thao, cô sẽ dành riêng một khoản trợ cấp cho các chị em VĐV để "dưỡng da làm đẹp".

Với cái mong ước xa vời đó của Khánh Đoan, có thể cũng là của rất nhiều người hâm mộ Việt Nam xót xa khi phải chứng kiến các cô gái oằn lưng lăn xả trên sân.

Báo Tuổi Trẻ đã gửi tặng 12 cầu thủ tham gia buổi giao lưu (phút cuối trung vệ Chương Thị Kiều không thể đến kịp) cùng 2 HLV Kim Chi, Kim Hồng những bộ áo dài rực rỡ, mang phom dáng thập niên 1930 do nhà thiết kế Vũ Việt Hà ủng hộ.

"Khi nhận được lời đề nghị của báo Tuổi Trẻ, tôi rất bất ngờ và quả thật thời gian cũng rất gấp gáp khi chỉ có 2 ngày. Tôi chọn các mẫu áo dài lụa tơ tằm phom dáng thập niên 1930 cho các bạn vì tính chất hoài cổ mà cũng hiện đại. Những mẫu áo dài này tôn lên các đường nét thuần phác cũng như cá tính của nhiều bạn nữ cầu thủ.

Khi nhìn các bạn mặc áo dài đứng trên sân khấu, chính tôi cũng không ngờ được rằng các bạn mặc vào trông lại hợp đến thế". Một thông tin vui bên lề, có cô gái ban đầu giãy nảy bảo thôi vì "cả đời em có bao giờ mặc áo dài đâu". Nhưng sau chương trình mới cười thích thú vì biết hóa ra áo này được tặng luôn chứ không phải cho mượn.

Những câu chuyện kể khó kể khổ của những cô gái đá bóng có kể suốt cả ngày cũng không hết. Như khi HLV Mai Đức Chung chia sẻ một chút về quá trình vượt qua COVID-19 để đến Asian Cup 2022, nhiều bạn nữ trong khán phòng mắt hoe hoe đỏ.

Những câu chuyện ấy, kể ra không phải để than thở, mà là để tri ân những cô gái, những người đã đồng hành xuyên suốt 30 năm qua cùng bóng đá nữ, trên một hành trình từ vô số những hy sinh cho đến tấm vé dự World Cup ngày nay!

Bích Thùy muốn học chuyên ngành thú y

Hạnh phúc khi liên tục tham gia các sự kiện đón chào nhưng hậu vệ Nguyễn Thị Bích Thùy - người ghi bàn thắng quyết định 2-1 cho đội tuyển nữ Việt Nam trước Đài Loan để dự World Cup 2023 - cũng không quên nói về tương lai.

Cô chia sẻ: "Tôi đã 28 tuổi và sẽ không theo con đường bóng đá lâu nữa. Tôi đã có dự tính của mình cho cuộc sống sau khi giải nghệ.

Có được hai học bổng toàn phần tại Đại học Hoa Sen và Đại học Công nghệ thông tin nhưng tôi sẽ cố gắng xin chuyển học bổng đó sang một trường đại học khác có chuyên ngành thú y để theo học.

Tôi yêu thích động vật nên muốn học để chăm sóc và chữa trị cho chúng. Nếu chuyển được, tôi sẽ nhập học ngay, vừa lên giảng đường vừa ra sân tập luyện. Nếu học online thì càng thuận lợi".

"Để bóng đá nữ phát triển hơn"

Xoay quanh buổi giao lưu của đội tuyển nữ Việt Nam với tuổi trẻ TP.HCM chiều 12-2 với câu hỏi: Làm sao để bóng đá nữ phát triển mạnh hơn nữa?

Và đây là lời đáp của những người từng đeo bám với môn thể thao này để có thể tạo cú hích tăng tốc trong phát triển của bóng đá nữ Việt Nam sau sự kiện có mặt tại World Cup 2023.

16b

Một cô bé vừa xem chương trình giao lưu trên sân khấu vừa xem live trên điện thoại của mẹ. Hy vọng sẽ có nhiều bé gái đến với bóng đá nữ Việt Nam sau chiến tích có mặt tại World Cup 2023 - Ảnh: N.KHÔI

Nhà báo Đỗ Tuấn: "Xin bớt than nghèo kể khổ"

HLV, cựu danh thủ Đoàn Thị Kim Chi từng tâm sự với tôi: "Xin các anh đừng than nghèo, kể khổ về đời sống các cầu thủ nữa, vì như vậy khiến chúng tôi rất khó tuyển người. Nhiều người sợ không muốn con mình phải chịu khổ khi theo bóng đá nữ".

Kim Chi nói không sai bởi thực tế, đời sống cầu thủ nữ bây giờ không còn kham khổ như ngày xưa. Các chính sách, đãi ngộ dành cho bóng đá nữ bây giờ cũng tốt lên nhiều. Nhưng theo thói quen, giới truyền thông và cả người hâm mộ vẫn khai thác, nhìn nhận các cô gái theo hướng than nghèo kể khổ.

Đây chỉ là một khía cạnh, muốn bóng đá nữ phát triển hơn đòi hỏi một quá trình lâu dài thông qua việc có giải đấu phù hợp, có hệ thống tuyển trạch, đào tạo phát triển...

Muốn tuyển bóng đá nữ Việt Nam mạnh được như Hàn Quốc, Nhật Bản ít nhất tố chất các cầu thủ của chúng ta cũng phải không kém gì họ.

Theo tìm hiểu của tôi, các cầu thủ nữ Việt Nam lại đang ngày càng thấp bé nhẹ cân hơn. Âu cũng một phần vì công tác tuyển trạch cho bóng đá nữ luôn gặp khó vì chịu định kiến.

CĐV Trần Hữu Nghĩa: "Hãy công bằng khi tiếp nhận bóng đá nữ"

Khi tuyển nữ Việt Nam giành được vé dự World Cup lần đầu tiên thì mọi người hồ hởi, ca tụng hết lời. Nhưng liệu có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ thời gian xem các trận bóng đá nữ trong tương lai?

Ở các kỳ SEA Games, tôi thường tổ chức cho anh em trong hội CĐV xem bóng đá trước màn hình lớn ở sân Hoa Lư.

Khi trận bóng đá nam diễn ra trước, có hàng trăm hàng ngàn người coi. Đến trận bóng nữ diễn ra ngay sau đó một giờ thì ai cũng bỏ về hết, còn lại lèo tèo chục người dù tôi đã năn nỉ hết lời.

Đành rằng xem hay không là quyền của mỗi người, thấy hay thấy thích thì mới xem nhưng tôi nghĩ như vậy không công bằng với các chị em. Và chúng ta còn phân biệt đối xử ở nhiều góc độ nữa.

Như báo chí chỉ viết bài khi đội nữ giành được thành tích lớn thôi, chứ bình thường đâu ai chịu viết, bảo là do lượng đọc ít. Trong khi đó, bóng đá nam dày đặc những thông tin hậu trường vô bổ.

Rồi cả chuyện bóng đá học đường. Các nữ cầu thủ cần được tạo điều kiện nhiều hơn trong việc học hành, để họ có thêm cơ hội mưu sinh sau khi giải nghệ.

HUY ĐĂNG ghi

Tuyển nữ Việt Nam mặc áo dài giao lưu tuổi trẻ TP.HCM: Thật đáng yêu! Tuyển nữ Việt Nam mặc áo dài giao lưu tuổi trẻ TP.HCM: Thật đáng yêu!

TTO - Lần đầu tiên mặc áo dài giao lưu với bạn trẻ TP.HCM 'Hành trình đến World Cup 2023' chiều 12-2 tại Nhà văn hóa Thanh niên, các cầu thủ tuyển nữ Việt Nam không khỏi ngượng ngùng nhưng rất đáng yêu. Đây là món quà báo Tuổi Trẻ gửi tặng đội tuyển.

HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên