28/11/2019 09:51 GMT+7

30 năm "biên niên sử" SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Yêu nhau trên trường bắn, kết hôn bằng bữa cơm đạm bạc chỉ có bố mẹ hai bên và cô dâu chú rể. 37 năm sống cùng nhau, vợ chồng xạ thủ Đặng Thị Đông - Lê Tuấn Đồng đã ghi dấu trong lịch sử thể thao VN khi giành 8 HCV SEA Games.

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại - Ảnh 1.

Vợ chồng xạ thủ Đặng Thị Đông - Lê Tuấn Đồng về nước sau khi giành HCV SEA Games 1991 - Ảnh: NVCC

Hà Nội một sáng mùa thu tháng 10-2019, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng xạ thủ Đặng Thị Đông - Lê Tuấn Đồng ở quận Long Biên (Hà Nội). 

Ông Đồng cho biết những ngày này đang đi sửa nhà cho người em trai. Còn bà Đông thì mới đi chợ về, tranh thủ tưới nước cho dàn hoa lan trước nhà.

“Chúng tôi không biết đối thủ trình độ ra sao và họ cũng chẳng biết gì về chúng tôi cả. Vì thế khi thi đấu chúng tôi chỉ có một tâm niệm là vượt qua chính bản thân.

Xạ thủ ĐẶNG THỊ ĐÔNG

Yêu nhau trên trường bắn

Xạ thủ Đặng Thị Đông (60 tuổi) quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, chồng bà là xạ thủ Lê Tuấn Đồng (62 tuổi), quê tại Bắc Ninh. Gia đình cả hai đều là nông dân.

Năm 1976, bà Đông nhập ngũ và được điều về Trường Sĩ quan chính trị tại Bắc Ninh. Những tháng ngày rèn luyện trong môi trường quân ngũ, tân binh Đặng Thị Đông đã bộc lộ tài năng bắn súng thiên bẩm. 

Trong một cuộc thi bắn của đơn vị, bà bắn 3 viên được 27 điểm nên được đơn vị cử đi tham dự hội thao toàn quân của Bộ Quốc phòng. Tại đây, bà giành giải nhất nội dung súng trường nằm bắn.

Tại hội thao đó, ông Lê Tuấn Đồng, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 144, cũng đi thi. Tân binh Tuấn Đồng đứng vị trí thứ 4 ở lứa tuổi ông dự thi và được đánh giá là tài năng xuất sắc của bắn súng Quân đội. 

Ngày 1-1-1978, cả hai được chuyển về Trung tâm thể thao Quân đội và tập luyện tại trường bắn Miếu Môn (Hà Tây) để trở thành xạ thủ chuyên nghiệp.

Bà Đông nhớ lại: "Tất cả những xạ thủ xuất sắc trong hội thao toàn quân được đưa về trường bắn Miếu Môn tập luyện. Tôi tập ở nội dung súng trường, còn anh Đồng ở nội dung súng ngắn bắn nhanh. 

Chúng tôi tập luyện, ăn ở cùng đơn vị nên chia sẻ với nhau như anh em, nhất là khi cả hai biết gia đình của nhau đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Đến năm 1981, hai đứa mới chính thức yêu nhau, cuối năm 1982 thì làm đám cưới.

Nhà tôi ở Thái Bình, còn anh ấy tận Bắc Ninh, đi lại khó khăn, tiền không có nên đám cưới chỉ có duy nhất bữa cơm để bố mẹ hai bên gặp nhau. Thế là nên duyên suốt 37 năm qua".

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại - Ảnh 3.

Xạ thủ Lê Tuấn Đồng những ngày tập luyện tại trường bắn

Lấy nhau 7 năm được ở cùng 1 tháng

Sau đám cưới, vợ chồng xạ thủ Đông - Đồng được đơn vị cho ở trong một căn phòng 10m2 tại trường bắn Miếu Môn với 2 chiếc giường đơn. Hai vợ chồng sau đó đã kê giường cạnh nhau để thành chiếc giường đôi hạnh phúc của mình.

Một tuần sau đám cưới, cả hai lần đầu được triệu tập lên đội tuyển bắn súng quốc gia tập luyện tại trường bắn Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) để chuẩn bị cho SEA Games 1983. 

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thời điểm đó đoàn thể thao VN đã không tham dự đại hội như kế hoạch. Cả hai lại về Miếu Môn và bà Đông có thai người con trai đầu tiên.

Bà Đông kể: "Khi có bầu tôi không tập luyện được nên chuyển sang làm ở bộ phận nhà bếp. Sinh con xong 2 tháng thì trở lại tập luyện để có đủ dinh dưỡng chứ nếu vẫn làm ở nhà bếp thì chế độ thấp lắm, con sẽ đói. 

Năm 1985, đội bắn súng Quân đội chuyển từ Miếu Môn về 19 Hoàng Diệu (Hà Nội), vợ chồng tôi tiếp tục được phân một căn phòng 10m2. Đó là nơi ở của hai vợ chồng, con trai và mẹ chồng tôi trong nhiều năm liền. Cuối tuần, khi cả hai từ Nhổn về nhà, con trai và mẹ chồng nằm trên giường, còn chúng tôi nằm ngủ dưới đất".

Năm 1989, đội tuyển bắn súng quốc gia được tập trung chuẩn bị cho SEA Games 15, vợ chồng xạ thủ Đông - Đồng lại được triệu tập lên Nhổn. 

Trước đại hội, đội bắn súng còn được đi tập huấn một tháng tại Liên Xô và đây cũng là thời gian duy nhất cả hai được ở bên nhau trong một tháng liên tục kể từ sau đám cưới.

"Khi tập ở đơn vị hay lên đội tuyển thì chúng tôi mỗi người tập một khu vực, dù là vợ chồng nhưng ăn ngủ nam một nơi, nữ một nơi. Chỉ cuối tuần thứ bảy và chủ nhật được về nhà, vợ chồng mới ở bên cạnh nhau. 

Vì điều đó nên cũng không biết thế nào là… cãi cọ. Năm 1989 khi đi tập huấn một tháng ở Liên Xô, đó là thời gian dài nhất vợ chồng tôi được ở bên cạnh nhau sau 7 năm cưới", bà Đông xúc động kể.

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại - Ảnh 4.

Xạ thủ Đặng Thị Đông - một trong ba nữ xạ thủ giành HCV đầu tiên cho thể thao VN tại SEA Games 15 năm 1989 - Ảnh: NVCC

Có phải VĐV Việt Nam đều là lính không?

SEA Games 15 năm 1989 tại Malaysia, cặp vợ chồng Đông - Đồng có mặt trong đội hình đội bắn súng VN.

Tại đây, đoàn thể thao VN đã giành 3 HCV và đều là HCV của bắn súng. Xạ thủ Đặng Thị Đông cùng hai xạ thủ Ngô Ngân Hà, Nguyễn Bùi Thiết giành HCV đồng đội súng trường nữ. 

Xạ thủ Lê Tuấn Đồng - Nguyễn Quốc Cường - Nguyễn Đức Uýnh giành HCV đồng đội súng ngắn bắn nhanh nam. Một HCV cá nhân khác thuộc về xạ thủ Ngô Ngân Hà. Thành tích của bắn súng và đoàn thể thao VN đã gây rúng động đại hội trong lần đầu hội nhập.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, trưởng đoàn thể thao VN tại SEA Games 1989, cho biết thậm chí có nhà báo Malaysia còn hỏi "xóc" rằng: Có phải VĐV VN đến SEA Games đều là lính không mà bắn giỏi vậy? Các nước trong khu vực thời điểm đó không tin rằng đoàn thể thao VN non trẻ, lạc hậu và rất nghèo lại có thể giành 3 HCV SEA Games.

Hoàng Xuân Vinh từng là học trò của ông Đồng

Trong sự nghiệp của mình, xạ thủ Đặng Thị Đông đã giành 5 HCV SEA Games và phá một kỷ lục đại hội, còn xạ thủ Lê Tuấn Đồng giành 3 HCV SEA Games.

Năm 2003, xạ thủ Đặng Thị Đông chia tay sự nghiệp VĐV và chuyển sang công tác huấn luyện tại đội tuyển bắn súng Quân đội. Chồng bà giải nghệ trước và sau đó huấn luyện nhiều thế hệ VĐV của bắn súng Quân đội, trong đó có nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh.

Với những đóng góp to lớn cho thể thao VN, xạ thủ Đặng Thị Đông đã được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng nhì (1991, 1993), bằng khen Thủ tướng, Bộ trưởng.

Năm 2015, xạ thủ Đặng Thị Đông nghỉ hưu. Khi nghỉ hưu, hai vợ chồng bà mang quân hàm thượng tá. Cùng năm 2015, xạ thủ Đặng Thị Đông đã được trao danh hiệu "Thành tựu cống hiến trọn đời cho thể thao VN".

Chỉ biết vượt qua chính mình

Bà Đông kể lại: "Lúc đó chúng tôi lần đầu đi thi một cuộc thi quốc tế lớn, được đón tiếp và tổ chức chuyên nghiệp nên rất choáng. Chúng tôi không biết đối thủ trình độ ra sao và họ cũng chẳng biết gì về chúng tôi cả.

Vì thế khi thi đấu chúng tôi chỉ có một tâm niệm là vượt qua chính bản thân. Do không có điện thoại, tivi nên đến khi về nhà gia đình mới biết vợ chồng tôi giành HCV.

Dù giành HCV tại SEA Games đầu tiên và cả những đại hội sau đó nhưng do hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nên chúng tôi chỉ được lãnh đạo động viên chứ không có thưởng.

Đến năm 1992, sau hai kỳ SEA Games thành công rực rỡ của hai vợ chồng, Bộ Quốc phòng mới phân cho chúng tôi một ngôi nhà 26m2 tại khu tập thể Quân đội".

Những SEA Games sau đó, bà Đông còn giành thêm 4 HCV, ông Đồng giành thêm 2 HCV và nhiều HCB, HCĐ khác. Đặc biệt tại SEA Games 16 năm 1991, với 595 điểm ở nội dung súng trường nằm nữ, bà Đông đã giành HCV SEA Games và phá kỷ lục châu Á.

Thành tích này đã đưa bà trở thành một trong những xạ thủ xuất sắc nhất lịch sử bắn súng và thể thao VN.

30 năm 30 năm 'biên niên sử' SEA Games - Kỳ 6: Từ Kuala Lumpur 1989 đến Hà Nội 2003

TTO - 14 năm sau ngày đất nước thống nhất, đoàn thể thao của nước CHXHCN Việt Nam lần đầu tham dự SEA Games 1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia).

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên