27/11/2019 10:16 GMT+7

30 năm 'biên niên sử' SEA Games - Kỳ 6: Từ Kuala Lumpur 1989 đến Hà Nội 2003

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - 14 năm sau ngày đất nước thống nhất, đoàn thể thao của nước CHXHCN Việt Nam lần đầu tham dự SEA Games 1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia).

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ 6: Từ Kuala Lumpur 1989 đến Hà Nội 2003 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Minh, trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 22 năm 2003, trong lễ khai mạc đại hội trên SVĐ Mỹ Đình - Ảnh tư liệu: Nam Khánh chụp lại

SEA Games 1989, đoàn TTVN được phân ở khách sạn Hollidays In The Park với điều kiện rất tốt. Về mặt ngoại giao, tuy các nước hành xử rất mực thước nhưng thực tế họ vẫn nhìn đoàn TTVN là những sứ giả của Cộng sản.

Trưởng đoàn TTVN Hoàng Vĩnh Giang

Dù trải qua muôn vàn khó khăn về kinh tế, thiết bị tập luyện thiếu thốn...nhưng trong lần đầu trở lại, đoàn VN đã gây rúng động khi đoạt 3 HCV ở môn bắn súng.

Thế hệ VĐV tham dự kỳ đại hội đó giờ đã ở độ tuổi U60, U70. Lãnh đạo ngành thể thao ngày đó giờ cũng người còn, người mất, nhưng kỷ niệm và vinh quang thì không thể phai mờ.

Không có gì để... chuẩn bị

Trong cuốn sơ thảo lịch sử TDTT VN xuất bản năm 2012 do Bộ VH-TT&DL chủ trì viết: "Năm 1986, thể thao nước ta ngày càng mở rộng quan hệ với các nước trong châu lục và khu vực. Nhờ chính sách mở cửa và những thành quả trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là quan hệ đối ngoại với châu Á và khu vực Đông Nam Á, thể thao VN (TTVN) đã hội nhập ngày càng sâu vào thể thao Đông Nam Á.

Năm 1989, Ủy ban Olympic VN (VOC) chính thức tham gia Hội đồng Thể thao Đông Nam Á. Ngoài ra, nước VN thống nhất bắt đầu tham dự SEA Games 15 tại Malaysia. Từ đó, đấu trường SEA Games đã trở thành môi trường rèn luyện chính cho VĐV nước ta thử thách và phấn đấu vươn lên ở những đại hội lớn hơn như Asiad, Olympic".

Tại SEA Games 1989, ông Trịnh Ngọc Chữ, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đặc trách đại diện cho Chính phủ VN và VOC để thực hiện sứ mạng đưa TTVN hội nhập trở lại đấu trường SEA Games. Trưởng đoàn là ông Hoàng Vĩnh Giang - người có kinh nghiệm nhất lúc bấy giờ, đồng thời biết tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT và là trưởng bộ môn thể dục dụng cụ thời điểm năm 1989 - kể: "Nói là dự SEA Games nhưng TTVN lúc ấy... không có gì để chuẩn bị. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, hầu hết các đội tuyển thể thao đã bị giải tán, kinh tế vô cùng khó khăn".

Ông Minh chia sẻ: "Trong quá trình gây dựng lại các đội trẻ, năm 1983 mới tổ chức Hội khỏe Phù Đổng và năm 1985 Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức lần thứ nhất. Vì thế, khi tham dự SEA Games 15, lực lượng của đoàn TTVN chủ yếu là các VĐV lớn tuổi có phong độ tốt ở các đội tuyển chưa bị giải tán và thế hệ VĐV trẻ mới được đào tạo sau khi đất nước thống nhất. 

Các môn được chọn đi SEA Games 1989 gồm: bắn súng (môn truyền thống của VN), bóng bàn, thể dục dụng cụ (những môn trước đây hay được đi thi đấu biểu diễn cho nhân dân xem)...".

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ 6: Từ Kuala Lumpur 1989 đến Hà Nội 2003 - Ảnh 3.

Vũ Bích Hường - HCV điền kinh đầu tiên tại SEA Games 1995 - Ảnh: S.HUYÊN

Vừa đấu vừa học

Còn theo ông Hoàng Vĩnh Giang, thời điểm đó VN chỉ có khoảng 17 môn thể thao mà SEA Games thi 30 môn. Các môn còn lại chúng ta không có và cũng không hiểu luật thi đấu như thế nào.

Cũng vì điều này, khi đến Malaysia, ông Giang đã ủy quyền cho một phó đoàn theo dõi tình hình chung, còn ông cùng ông Khổng Minh Dụ (cán bộ công an) đi một xe con với máy quay phim lao đến các địa điểm thi đấu của SEA Games để quay phim họ thi đấu về học hỏi. Và thế là các môn như pencak silat, cầu mây, karate, taekwondo đã được đưa về VN theo cách đó. 

Nhiều kỹ thuật thi đấu, trang phục thi đấu mới cũng được ông Giang cập nhật về cho TTVN. SEA Games 15 thực sự là một kỳ SEA Games "vừa đấu vừa học".

Vì sao Philippines giành với Việt Nam?

Dần theo năm tháng, thành tích thi đấu chuyên môn, cùng với nhịp phát triển của kinh tế cũng dần nâng VN trở thành một "đại gia" ở SEA Games. 

Ông Giang nhớ lại: "Lúc đó tại cuộc họp SEAGF ở Singapore, các đại diện của Singapore, Indonesia, Thái Lan nói với tôi: 'Chúng tôi đã đăng cai SEA Games nhiều lần rồi, đã đến lúc VN phải đăng cai SEA Games vì đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của VN. Chúng tôi mong VN sớm trả lời'. 

Cuối năm 1993, trong cuộc họp của Ủy ban Olympic VN do anh Hà Quang Dự, bộ trưởng, chủ tịch ủy ban, chủ trì, hơn 10 ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic VN lúc đó đều giơ tay biểu quyết tán thành VN phải đăng cai SEA Games". 

Cuối cùng, ngày 11-3-2000 Hội đồng Thể thao Đông Nam Á chính thức trao quyền đăng cai SEA Games 22 cho VN. 

Dù vậy, bất ngờ đã xảy ra khi trong cuộc họp của SEAGF tại Kuala Lumpur năm 2001, chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines lên tiếng đòi để Philippines đăng cai SEA Games 22. Lý do họ đưa ra là để hỗ trợ tổng thống Philippines đương nhiệm tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Hoàng Vĩnh Giang kể: "Khi đó tôi rất lịch sự phát biểu trong cuộc họp rằng, 60 triệu người VN đã được biết là VN sẽ đăng cai SEA Games 22 năm 2003. Chính phủ VN đang chuẩn bị tích cực cho việc đăng cai này. Chúng tôi lần đầu đăng cai và có quyền đăng cai một cách hợp pháp theo điều lệ của SEAGF.

Có hai quốc gia đồng ý đề nghị của Philippines. Khi tôi nói xong, không khí cuộc họp trở nên vô cùng căng thẳng, thái độ của đoàn VN và Lào rất cương quyết phải để VN đăng cai SEA Games 22. 

Cuối cùng do thấy làm sai điều lệ SEAGF để cho Philippines đăng cai SEA Games 22 là không công bằng nên đại diện Philippines nói: Thôi, chúng tôi "nhường" cho VN đăng cai năm 2003 vậy".

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ 6: Từ Kuala Lumpur 1989 đến Hà Nội 2003 - Ảnh 4.

Xạ thủ Ngô Ngân Hà - Đặng Thị Đông, hai VĐV giành HCV đầu tiên cho bắn súng và TTVN tại SEA Games 1989 - Ảnh: NVCC

Nhờ SEA Games, một khu vực mới của Hà Nội đã hình thành

Và từ nỗ lực đăng cai SEA Games 2003, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình ra đời, bao gồm SVĐ trung tâm với sức chứa 40.000 chỗ ngồi và cung thể thao dưới nước với sức chứa 3.500 chỗ ngồi... Đi kèm đó là những điều chỉnh để nâng cao chế độ đãi ngộ cho VĐV...

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT thời điểm đó - cho biết không khí chuẩn bị cho SEA Games hừng hực trên cả nước. Đầu tiên là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau này là cố Thủ tướng Phan Văn Khải là những người vô cùng sâu sát, đốc thúc ngành thể thao làm nhiệm vụ.

Ông Dự nhớ lại: "Hầu như tuần nào Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng điện thoại cho tôi nắm tình hình công tác chuẩn bị. Thủ tướng nói thành tích TTVN không nhất thiết phải đứng thứ nhất đại hội nhưng phải tổ chức tiết kiệm, đàng hoàng.

SVĐ Mỹ Đình trước đây là cánh đồng lúa bát ngát. Khi đi tiền trạm để xây dựng chúng tôi phải xắn quần lội bùn vào đây, thấy lúa đang vàng rực mà tiếc quá vì phải lấy đất để xây SVĐ. Tiếc là vậy nhưng nhờ có SEA Games mà một khu vực mới của Hà Nội đã hình thành và phát triển như ngày nay. Không có SEA Games 22 chắc chắn TTVN không thể phát triển thế này được".

Bắn súng gây rúng động

3 HCV đầu tiên của TTVN tại SEA Games 1989 thuộc về: Nguyễn Quốc Cường - Lê Tuấn Đồng - Nguyễn Đức Uýnh (đồng đội súng ngắn bắn nhanh nam), Ngô Thị Ngân Hà (súng trường tiêu chuẩn nữ), Ngô Thị Ngân Hà - Đặng Thị Đông - Nguyễn Bùi Thiết (đồng đội súng trường tiêu chuẩn nữ). HCV của các VĐV bắn súng đã gây rúng động làng thể thao Đông Nam Á.

Ngoài 3 HCV bắn súng, 3 HCB của môn bóng bàn cũng gây tiếng vang lớn. Lần đầu đi dự SEA Games, bóng bàn cho thấy có khả năng lên đỉnh cao Đông Nam Á.

Không nhận kinh phí tập luyện để có thể đi SEA Games

Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT (năm 1989 là kỷ lục gia nhảy 3 bước và nhảy xa của VN), nhớ lại: "Năm 1989, khi TTVN đang chuẩn bị cho SEA Games, lúc đó tôi mới bị chấn thương nặng đang nghỉ tập và vừa giành học bổng đi học tại Bulgaria.

Tôi đã chủ động xin ông Dương Nghiệp Chí, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho tôi dự SEA Games 15 và sẵn sàng không nhận kinh phí tập luyện của Nhà nước. Nếu Tổng cục TDTT cho tôi đi SEA Games, tôi xin đăng ký nhảy qua 7,5m (HCV SEA Games lúc đó chỉ vào khoảng 7,3 - 7,4m). Nếu tôi giành HCV, đoàn TTVN bồi hoàn chi phí tập luyện cho tôi.

Nhưng ông Chí sau đó không đồng ý vì cho rằng việc tôi được đi nước ngoài học là vô cùng quan trọng, không thể bỏ lỡ".

30 năm 30 năm 'biên niên sử' SEA Games - Kỳ 5: Vuột huy chương vì... bận tiếp khách

TTO - Trước trận chung kết SEA Games 2009 với U23 Malaysia, rất đông CĐV Việt kéo sang Lào ủng hộ đội nhà với niềm tin lấy chiếc cúp vô địch sau 50 năm chờ đợi. Nhưng...

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên