Làm sao để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui - điều mong mỏi thiết tha của nhiều người muốn gửi gắm đến ngành GD-ĐT - Ảnh: HỮU KHOA |
Sau bức thư của cô giáo Thu Hiền, hàng trăm bạn đọc đã đề nghị Tuổi Trẻ tiếp tục nhận, chuyển tải những đóng góp, trăn trở của giáo viên, học sinh, phụ huynh, các chuyên gia đến tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Tiếp thu những ý kiến của bạn đọc, ngay lập tức trên số báo ngày 12-5, Tuổi Trẻ đã mở diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng” Phùng Xuân Nhạ, nhằm góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tính đến ngày 6-6-2016, sau bốn tuần từ ngày Tuổi Trẻ mở diễn đàn, Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 2.400 phản hồi từ bạn đọc và gần 400 bài viết của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, sinh viên...
Dẫn đầu về số lượng phản hồi là bài viết của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền (Tuổi Trẻ ngày 11-5-2016), bài viết đã nhận được 759 ý kiến phản hồi, hàng ngàn lượt chia sẻ. Bài viết “Con tôi học khổ quá, bộ trưởng có tin không?” cũng nhận được 307 ý kiến.
Các bài viết liên quan đến việc “bỏ quy định buộc giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm” cũng nhận được 345 ý kiến. Những bài viết về việc dạy và học môn lịch sử vẫn nhận được sự xúc cảm lớn của xã hội, điển hình như bài viết “Hãy cứu lấy môn lịch sử” đã nhận được 114 ý kiến phản hồi với nhiều đề xuất giải pháp để môn học này hấp dẫn hơn.
Có những bài viết gửi về đầy chất liệu công phu như của tác giả Võ Anh Tuấn với bài “Giáo dục khai phóng hay kìm hãm” gần 10.000 chữ chia thành bảy phần chi tiết của từng bậc học. Hay tác giả Đoàn Hùng trong bài viết “Đừng nên khoán trắng chất lượng giáo dục” dẫn chứng kèm theo các thông tư, quy chế của Bộ GD-ĐT nhằm minh họa thêm cho bài viết.
Ngoài ra, còn có rất nhiều ý kiến sát sườn của các sinh viên, học sinh, phụ huynh... nhưng nhìn chung, những ý kiến “đặt hàng” với tân bộ trưởng phần lớn là đến từ các thầy cô giáo ở các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trường ĐH, CĐ...
Ngoài ra, còn có các bài viết từ các chuyên gia, nhà quản lý để diễn đàn có thêm những ý kiến đa chiều, thông qua sự đóng góp của GS.TSKH Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), TS Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore), PGS.TS Phan Quang Thế (hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên), TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)...
Tất cả những ý kiến đóng góp, bài tham gia diễn đàn sẽ được Tuổi Trẻ tổng hợp và chuyển đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Diễn đàn tạm thời khép lại. Bài gửi về diễn đàn chưa sử dụng, chúng tôi sẽ sử dụng trên các chuyên mục: Câu chuyện giáo dục, Giáo dục dưới mắt mọi người. Rất mong nhận được sự cộng tác tiếp tục của bạn đọc.
Ước vọng ngày mai: Hãy thay đổi để bứt phá ! Một trong những vấn đề bức thiết nhất, như ý kiến tham gia diễn đàn của bạn Lê Hữu Phước: “Cần bỏ bớt hồ sơ sổ sách của giáo viên, bỏ bớt các môn học không cần thiết trong đào tạo ĐH. Tất cả những điều này là trong tầm tay, nếu làm được thì sẽ giảm được thời gian và kinh phí đáng kể cho gia đình và xã hội. Muốn làm được điều này phải có quyết sách từ cấp bộ và những lãnh đạo có tâm, có tầm”. “Ngành giáo dục phải thay đổi thì mới bứt phá được, con em chúng ta mới được học hành một cách tử tế. Và hãy cho giáo viên được quyền lựa chọn hiệu trưởng có tâm và có tầm. Lâu nay bổ nhiệm hiệu trưởng hoàn toàn là do cấp trên. Bởi thế mới có những ông hiệu trưởng với những cách xử lý rất kỳ quặc, phản giáo dục mà báo chí đã nêu ra trong thời gian gần đây”. Trần Đặng Về chương trình học, bạn đọc Đỗ Bá Trí gửi đến bộ trưởng: “Từ lớp mẫu giáo và các cấp học phải dạy ý thức và kỹ năng sống như là một môn học chính. Rồi dạy cho các em học sinh ý thức và lòng tự trọng dân tộc... ". Bạn đọc M.H. thẳng thắn: “Nhìn lại bao năm qua, cải cách giáo dục nhiều nhưng có đem lại hiệu quả không? Hay con em chúng ta ngày càng như con robot?" |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận