29/10/2013 02:43 GMT+7

25 tuổi, tôi "lột xác"

LÝ THẾ MẠNH (Hà Nội)
LÝ THẾ MẠNH (Hà Nội)

TT - Khác với bạn Thức Thức băn khoăn “chị em chúng tôi còn là con robot giả dối đến bao giờ nữa” và nhiều bạn lên tiếng “có số hưởng thì cứ hưởng”, số báo này Nhịp sống trẻ giới thiệu câu chuyện của bạn Lý Thế Mạnh, đã tự mình “tháo cũi sổ lồng”.

Tôi nhận ra bấy lâu nay mình đã “đốt” tương lai vào những trò vô bổ. Quen tính ỷ lại bố mẹ, tôi cứ ngông nghênh bước vào đời. Hồi cấp III, tôi thường nghe bố mẹ xì xào đi “đặt vấn đề” người nọ người kia về tương lai của tôi. Bố mẹ không để cho tôi phải lo tương lai của mình.

Ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ thi vào khoa kinh tế một trường đại học dân lập, tôi may mắn đỗ. Nhưng học được hơn một năm, tôi “đốt” của bố mẹ một số tiền không nhỏ. Mà thật lòng tôi cũng chẳng thích chuyên ngành đó, chỉ đi học lấy lệ. Còn bố mẹ thì ấp ủ chờ ngày tôi ra trường, trả tấm bằng cho bố mẹ lo bước tiếp theo. Thật xấu hổ khi tôi phải thú nhận hình như tôi đang học cho bố mẹ chứ không phải học cho mình. Giống như kiểu bố mẹ bỏ tiền ra thuê tôi học, chỉ cần học ra trường đúng năm, có tấm bằng trong tay là xong nghĩa vụ. Sau khi tôi tốt nghiệp thì bố mẹ đã “đi cửa sau” để có ngay việc làm mà không phải chật vật vác hồ sơ xin việc, chật vật kiếm cơm như bạn bè đồng lứa.

Tôi đi làm trong công ty người quen của bố mẹ nên khá thuận lợi. Công việc nhàn hạ, chủ yếu ngồi văn phòng nhưng lương cao. Nhưng rồi nhiều lúc tôi khá chạnh lòng, tự ái khi vô tình nghe ai đó bình luận về cụm từ “con cha cháu ông”. Tôi cứ có cảm giác mọi người đang nhắm mũi tên đến mình, rằng họ đang tị nạnh vì tôi làm ít lại hưởng lợi nhiều hơn người khác. Bản thân tôi nếu nói về năng lực thì chẳng có, chí tiến thủ chỉ là con số 0. Tôi như kẻ “ký sinh” vào bố mẹ.

Đi học tôi chẳng phải lo phấn đấu, toàn theo tư tưởng “ăn sẵn”. Một buổi tôi đến lớp, một buổi nằm dài ở nhà hoặc chơi game. Đi làm đã có bố mẹ tìm chỗ đứng. Bố mẹ tôi có vẻ cũng mãn nguyện lắm khi nhìn thấy cậu con trai duy nhất là tôi không phải đứa nghiện ngập, hút chích (vì bạn của bố có con không mắc tật xấu nọ thì tệ nạn kia). Thế nên nếu tôi có xin tiền tiêu hằng tháng hơi nhiều một chút bố mẹ cũng chả tiếc (đi làm rồi nhưng tôi vẫn quen nhận chu cấp từ bố mẹ). Có khi tôi thức cả đêm để chơi game và không có nổi một niềm hứng thú nào ngoài những thứ ấy.

Nhưng rồi tôi bắt đầu thấy chán nản mỗi khi đến công ty. Tôi như đang làm việc cho hoàn thành nghĩa vụ với bố mẹ chứ thật lòng tôi như kẻ mộng du, cứ bước đi theo con đường bố mẹ vạch sẵn. Có lúc tôi thấy chán nản muốn bỏ cuộc. Khi đã 25 tuổi, tôi đề xuất bỏ việc để đi học lại. Tôi còn nhớ lúc đó mẹ tròn mắt: “Thế mày định học gì? Cái ngữ mày mà thi đỗ được thì trời sụp!”. Tôi thấy nhục nhã vô cùng vì ngay cả người sinh ra tôi còn tỏ ra coi thường năng lực của tôi, nghĩ rằng tôi bất tài, chẳng thể làm nên trò trống gì, huống hồ người ngoài.

25 tuổi tôi mới bắt đầu lại, tập sống tự lập như đứa trẻ lớp 1 tập viết những chữ cái đầu tiên. Tuy có hơi bỡ ngỡ nhưng tôi thấy thoải mái hơn. Tôi học một lớp cao đẳng về kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp tại Hà Nội. Biết là sẽ rất khó cho một đứa xưa nay vô dụng, chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ, nhưng tôi nhận ra mình đang sống có ích, có lý tưởng hơn. Tôi “lột xác” từ một thằng bất tài, kém cỏi thành một người biết lo cho tương lai của chính mình. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi tự vác đơn đi xin việc (vì bố mẹ tuyên bố không nghe lời thì tự lo cho tương lai, tự kiếm việc lấy). Mẹ còn bảo: “Để rồi xem cái ngữ mày làm có nuôi nổi cái mồm không?”.

Tôi xin vào được một xưởng lắp ráp ở một huyện ngoại thành với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng một tháng. Đi làm được hơn một năm nay, tuy công việc có vất vả nhưng tôi thấy thích thú và vui lắm. Nhớ lại những hôm nhốt mình trong nhà để chơi game thâu đêm, những khi tôi không có nổi một ước mơ cho riêng mình, thấy sao phí hoài quá.

Tôi biết có không ít bạn trẻ từng sống vô ích như tôi, cơm áo gạo tiền đã có bố mẹ chu cấp. Nhưng thật may tôi đã bừng tỉnh, dũng cảm nhìn lại chính mình, dù không còn sớm nữa. Và tôi đã “lột xác” như thế!

___________

Tin bài liên quan:

Hành trang để vào đời“Ngụy biện cho thất bại của bản thân”?Tôi bước vào đời bằng sự giả dốiSăn việc thời cạnh tranh (20/09)Người Việt không chuộng văn hóa trung thực?

LÝ THẾ MẠNH (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên