Anh Hồ Ngọc Mai kể lại những lần cứu người đuối nước ở bãi biển - Ảnh: Đ.N |
“Tý Ốc” - đó là cách mà bà con ở đây gọi anh Hồ Ngọc Mai (44 tuổi), trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê bởi anh vốn theo nghề cào ốc ruốc mưu sinh từ thuở nhỏ.
“Thấy người ta gặp nạn thì cứu thôi…”
Nắng chiều in đậm trên dáng người vạm vỡ của anh Mai trên bãi biển Xuân Thiều. Nhắc chuyện cứu người đuối nước, ký ức kéo anh về một chiều tháng 3 hơn hai mươi năm trước.
Trời chập choạng tối, anh oằn lưng vác bao ốc đầy sau hàng giờ hì hục cùng sóng biển. Chợt nghe tiếng người hô hoán từ đằng xa, anh vứt bao tải ốc xuống mặt sóng, chạy đến chỗ có tiếng kêu.
Một người phụ nữ đứng trên bờ gào khóc, chỉ tay ra biển nơi có người đang cố vùng vẫy thoát khỏi con nước xoáy. Cạnh đó, ba bốn người đàn ông đang hoảng hốt không biết phải làm cách nào cứu người bị nạn.
Anh Mai nhớ lại: “Tui hét lên: “Vác cây vợt, hai người nữa lội theo tui”. Ba người cố sức ngược sóng bơi đến chỗ xoáy nước, cách năm mét tui nói nạn nhân bình tĩnh nắm lấy đầu vợt rồi ba người kéo ngược vào bờ. Lúc đó thấy người lâm nạn chỉ nghĩ tới việc cứu họ nhưng lên bờ rồi nghĩ lại mới thấy sợ, trước đó đã cứu người đuối nước lần nào đâu, lỡ như sa sẩy thì cả đám ôm nhau chết chùm!”.
Đó là lần đầu tiên anh Mai cứu người bị nạn trên biển. Từ đó đến nay, hơn hai mươi năm cào ốc khắp các bãi dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, biển Xuân Thiều (Đà Nẵng) cho đến cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) anh Mai đã cứu hơn chục người thoát chết.
Những người gặp nạn là dân cùng làm nghề cào ốc và những người tắm biển bị đuối nước. Cũng có lúc anh cào trúng xác người chết đuối dưới đáy sâu.
Anh cười để lộ hàng răng trắng nổi bật trên gương mặt đen sạm, bảo rằng không nhớ hết những lần cứu người bị nạn nhưng chưa bao giờ nhận ơn huệ hay quà cáp từ những người được anh cứu sống.
“Đó là chuyện thường tình, gặp người ta đuối nước mà mình biết bơi nên cứu giúp thôi. Gặp người đuối nước tôi luôn trấn an họ bình tĩnh bởi ai đang ở khoảnh khắc sinh tử đó đều hoảng loạn tột độ. Nhiều người ôm gì lấy mình không cho ngoi lên khiến cả hai đều nguy hiểm. Những lúc đó phải hết sức bình tĩnh, vận dụng hết các “mẹo” để đưa được họ vào bờ” - anh Mai nói.
Như được “tái sinh”
Căn nhà cấp 4 của anh Giang (36 tuổi), quê ở Quảng Bình, nằm khuất trong kiệt nhỏ trên con phố Nguyễn Chánh dẫn ra vịnh Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu). Anh Giang là một trong những người được anh Mai cứu sống cách đây 5 năm .
Nhắc chuyện cũ, anh Giang chợt đăm chiêu hồi tưởng: “Ngày đó chưa có công việc ổn định, vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng, cuộc sống khó khăn quá nên đành đánh liều theo nghề cào ốc, dẫu biết là rất nguy hiểm. Đêm đó tôi đang ngụp lặn cố cào mẻ ốc trái mùa, mải mê theo vệt ốc rồi bị cuốn vào xoáy nước".
"Vật lộn mấy chục phút vẫn không thoát được, tay chân đã chùng ra, rã rời , tôi cố đập sóng ngoi lên thở thì nghe loáng thoáng có tiếng anh Mai gọi: “Có lội được nữa không? Không lội nổi thì bình tĩnh nắm lấy tay để tui vớt”. Tôi định thần, quài tay bám vào người anh Mai mới thoát được ra ngoài. Tôi đã tưởng mình sẽ không còn được gặp lại vợ con nữa, giữa lúc cái chết cận kề anh Mai giúp tôi giành lại sự sống. Lúc ấy tôi như sống lại lần thứ hai trong đời!” - anh Giang xúc động nhớ lại.
Sau lần ấy, biết được hoàn cảnh khó khăn, anh Mai đã nhận Giang làm em kết nghĩa và chỉ bảo cho anh những kinh nghiệm trong nghề.
Hôm nào Giang không cào được ốc, anh sẵn sàng chia cho Giang phân nửa để có cái bán kiếm tiền trang trải. Nay Giang đã không còn mưu sinh bằng nghề cào ốc nhưng những lần ghé thăm gia đình ân nhân đã cứu mạng mình, câu chuyện của hai người đàn ông không hề nhắc lại chuyện cũ.
Họ bỏ lại đằng sau cái nguy hiểm của nghề cào ốc và kể cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại, những dự định ấp ủ trong tương lai.
Thư ngỏ Lòng tốt và sự tử tế luôn là một vẻ đẹp vĩnh cửu. Giữa những ngổn ngang bề bộn của đời sống, những câu chuyện từng xảy ra ở Đà Nẵng như biến ước mơ làm cảnh sát giao thông của Đỗ Tuấn Dũng, một em bé bị ung thư thành hiện thực trước khi em ra đi vì bạo bệnh, một bà cụ đi bán vé số để nuôi một người bạn già khác, một cô nhân viên điện lực nhặt được cả tỷ đồng mang trả lại người mất… khiến Đà Nẵng đáng yêu hơn khi nhắc đến thành phố bên sông Hàn này. Rất nhiều câu chuyện như thế vẫn diễn ra hàng ngày, và chuyên mục “Tôi yêu Đà Nẵng” sẽ đều đặn đến với bạn đọc vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần kể từ số báo này. Hãy kể cùng chúng tôi những câu chuyện về những con người như thế để sự tử tế được lan tỏa và cảm hóa. Xin trân trọng cảm ơn bạn đọc. Email chuyên mục: toiyeudanang@tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận