Quan tâm đến sức khỏe, chất lượng sống và các trải nghiệm thú vị là cách mà người ở lứa tuổi trung niên hiện nay hướng tới - Ảnh: T.T.
Dường như giờ là lúc chúng ta cần nghĩ lại về khái niệm tuổi trung niên. Lý do là chất lượng sống cũng như sự nhẹ nhõm của tinh thần đã khiến tuổi trung niên không ủ ê và buồn tẻ như trước đây. Với nhiều người, tuổi trung niên mới là lúc họ "chín" về tư tưởng, nhận thức, biết tĩnh lại và buông bỏ để rồi hào hứng hoạch định cho nửa cuộc đời nhiều ý nghĩa phía trước.
Bao nhiêu tuổi là trung niên?
Cùng với thời gian, khi chất lượng sống và tuổi thọ con người tăng lên, nhiều người đang "đón nhận" tuổi trung niên với tâm thế vui vẻ, lạc quan hơn nhiều, không ít người còn tự hào về nó. Dĩ nhiên đó không phải là một trải nghiệm đồng đều với tất cả.
Các chuyên gia tâm lý, da liễu và trang điểm đã có những kiến giải đáng chú ý về cách con người hôm nay nhìn về tuổi trung niên ra sao, chúng ta muốn biết gì về giai đoạn này và làm sao để tự chăm sóc bản thân khi bước vào độ tuổi ấy.
Lâu nay tuổi trung niên thường được nhắc tới như một nguyên nhân cho những biến đổi bất ngờ về thể chất, tâm sinh lý ở giai đoạn giữa cuộc đời.
Tuy nhiên bà Carrie Ditzel, nhà tâm lý học lâm sàng thuộc phòng khám tâm thần Baker Street Behavioral Health ở bang New Jersey, Mỹ, cho rằng tuổi trung niên là thời điểm con người có được cái nhìn "toàn cảnh" với cuộc sống của họ, và nhận thấy họ đứng trước một quyết định sẽ "làm gì với cuộc đời mình" trong khoảng vài chục năm tiếp theo.
Theo bà Sonia Sehgal, chuyên gia lão khoa thuộc hệ thống y tế UCI Health (Mỹ), người ta nên nghĩ về tuổi trung niên như một khái niệm mang tính xã hội hơn là mang tính y khoa, bởi nó hầu như được sử dụng để mô tả giai đoạn chuyển đổi từ lúc trưởng thành trẻ trung sang trưởng thành có tuổi.
"Đó là thời gian để chiêm nghiệm với nhiều người khi họ ngẫm nghĩ về phần đời đã trải qua cho tới lúc đó và rồi hoạch định cho những năm tháng tiếp theo", bà Sonia Sehgal phân tích với trang Prevention.
Dù không có một con số cụ thể để định nghĩa tuổi trung niên, nhưng hầu hết mọi người đồng thuận nó nằm trong độ tuổi từ 40-50, theo tiến sĩ Sehgal. Tuy nhiên bà cũng lưu ý không nên quá câu nệ vào những con số đó. Bởi độ tuổi trung niên không chỉ thay đổi khi tuổi thọ trung bình tăng lên, mà còn vì không phải ai cũng đồng ý với mốc bắt đầu của nó.
Chẳng hạn trong một nghiên cứu năm 2015 công bố trên trang Frontiersin.org, gần 30.000 người tham gia đã nói họ nghĩ tuổi trung niên bắt đầu từ độ tuổi 30! Hay như nhà tâm lý học Katie Hill của Công ty Nudj Health, hầu hết mọi người tin rằng tuổi trung niên nằm trong khoảng từ 46-65 tuổi, trong khi một số chuyên gia y tế khác tin rằng "khoảng trung niên" sẽ là từ 40-60 tuổi.
Nếu gộp chung lại tất cả những quan niệm đã nêu, tuổi trung niên trong quan niệm mỗi người "chạy" từ 30-70 tuổi, thực là một khoảng thời gian rất lớn của đời người.
"Sống thế nào" quan trọng hơn
Cũng như câu nói "vẻ đẹp không phải trên đôi má của cô gái mà ở trong mắt kẻ si tình", tuổi trung niên hay hay dở sẽ nằm trong mắt của chính người đang trải qua nó.
"Trải nghiệm với tuổi trung niên của mỗi người rất khác nhau", tiến sĩ Katie Hill nói. "Một số người mô tả đó là giai đoạn họ cảm thấy sự tự tin tăng lên khi những trải nghiệm sống đã có được giúp họ thành công theo những cách thức mới đầy bất ngờ", bà Hill giải thích.
"Một số người khác bắt đầu nghĩ về những giá trị của họ, về những kinh nghiệm đã có, về việc chuyển đổi các trách nhiệm và muốn thay đổi để có một cuộc sống ý nghĩa hơn", bà phân tích thêm.
Bà Carrie Ditzel đồng ý rằng có những điều mà người ngoài cuộc đôi khi nhìn nhận như một biểu hiện của "khủng hoảng tuổi trung niên", nhưng thực tế đó có thể là một sự đánh giá lại của người trong cuộc về "điều gì là quan trọng" với họ khi bước vào "cái dốc bên kia cuộc đời".
"Chẳng hạn, khi thấy ai đó đột nhiên mua sắm nhiều, bỏ việc, ly hôn hay ngoại tình, ta vẫn thường gọi đó là một sự khủng hoảng tuổi trung niên", bà Carrie Ditzel nói, và lưu ý thêm những hành động đó đôi khi là hệ quả của việc người đó đã hành động như họ muốn sau một khoảng thời gian vật lộn với các chiêm nghiệm về cuộc sống của mình.
Nói gì thì nói, tuổi trung niên sẽ luôn được "nhận diện" với những thay đổi nào đó, theo những cách khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, tiến sĩ Hill lưu ý những vấn đề "rắc rối tuổi trung niên" có khi chỉ nằm trong chính cái đầu của mỗi người.
"Một nghiên cứu đáng chú ý gần đây (đăng tháng 8-2021 trên tạp chí Science.org - PV) cho thấy hoạt động trao đổi chất trong cơ thể đã không suy giảm ở giai đoạn trung niên như người ta vẫn nghĩ trước đây", bà Hill nói.
Thay vào đó, chính những thay đổi về lối sống như giảm hoạt động thể chất và ăn uống kiêng khem, thiếu chất đã là nguyên nhân làm phát sinh các loại bệnh mãn tính và giảm chất lượng sống ở độ tuổi này.
Tiến sĩ Sehgal cho rằng về mặt khoa học thuật ngữ tuổi trung niên không mang hàm ý chỉ sự bắt đầu một giai đoạn cụ thể trong vòng đời. "Không có chỉ dấu sinh học cụ thể nào chỉ ra sự chuyển đổi của chúng ta khi bước vào hay kết thúc tuổi trung niên", bà nói.
Theo bà Sehgal, đây vẫn là một khoảng thời gian quan trọng để bạn "đầu tư" nhiều hơn cho sức khỏe và nên chú trọng các biện pháp chăm sóc phòng ngừa như tầm soát ung thư, tiêm chủng, làm xét nghiệm để phát hiện sớm tình trạng cholesterol hay đường huyết cao...
Tiến sĩ Hill cho rằng một trong những điểm tuyệt vời nhất của tuổi trung niên là hầu hết mọi người cảm thấy họ được tự do và có quyền tự quyết lớn hơn, đồng thời có khả năng để thực hiện những thay đổi vốn không thể làm lúc trước.
"Việc sống một cuộc đời được thúc đẩy bởi những giá trị sống của bản thân đã được chứng minh là sẽ tạo ra một sự thỏa mãn lớn hơn với cuộc sống của một người, giúp họ sống khỏe và thọ hơn", bà nói.
57 tuổi "diện" bikini, tại sao không?
Tháng 8 vừa qua, nữ diễn viên 57 tuổi Elizabeth Hurley gây bất ngờ khi tự tin khoe vóc dáng "cực hot" trong bộ bikini trên tài khoản Instagram. Trong video chia sẻ trên mạng xã hội, bà Elizabeth Hurley duyên dáng với bộ đồ tắm màu xanh rất gợi cảm và đã nhận được rất nhiều lời khen tặng dành cho vẻ đẹp "không tuổi".
Elizabeth Hurley nói bà không bao giờ ăn đồ ăn nhanh, không ăn đồ ngọt. "Tôi đã học cách ăn uống nhẹ nhàng hơn và tránh ăn quá trễ. Tôi nghĩ một trong những điều đột phá nhất tôi đã làm được là luôn cân đối 50% là rau với những gì mình ăn. Chẳng hạn nếu bạn ăn sáng bằng một lát bánh mì, hãy ăn một quả táo. Hãy trung hòa mọi thứ bằng rau", bà chia sẻ "bí kíp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận