25/12/2016 09:43 GMT+7

2016, chúng ta đã tạm biệt nhiều cố nhân

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - 2016 là năm tiễn đưa nhiều nghệ sĩ tên tuổi của làng văn nghệ thế giới. Họ ra đi, nhưng di sản mà họ để lại vẫn cứ sống động trong ký ức người hâm mộ, vượt qua mọi biên giới địa lý và lòng người.

Giống như câu chuyện tình trong bộ phim La La Land đi qua bốn mùa xuân - hạ - thu - đông rồi lại đông, lời chào tạm biệt của năm 2016 cũng kéo dài mãi ra như thế.

Những đóa hoa bay đi

David Bowie ra đi khi mùa đông còn đang độ băng giá nhất. Album Blackstar ra mắt chỉ hai ngày trước đó, trở thành huyền thoại cuối cùng của con thiên nga lạc loài, một khúc hát về cái chết. Chàng ngân nga: Tôi sẽ thật tự do, như chú chim màu xanh biếc. David đặt tên cho bản nhạc ấy là Lazarus. Nhưng không như Lazarus của truyền thuyết, sau khi chết bốn ngày được Thượng đế cho sống lại, Lazarus của David mãi mãi cất cánh bay đi.

*** Error ***
David Bowie

Năm 1972, David xuất bản đĩa Ziggy Stardust viết về một ngôi sao âm nhạc ngoài hành tinh, người đã chết trên sân khấu để cứu lấy trái đất đang trên bờ diệt chủng. Còn ở Space Oddity năm 1969, David lại kể câu chuyện của Major Tom, một phi hành gia tưởng tượng, ngồi trong khoang lái như “chiếc hộp thiếc”, nhìn ra ngoài thấy “trái đất màu xanh”, còn “những ngôi sao trông có gì khác lạ”.

Những hoài vọng của David luôn nằm ở một thế giới nào đó rất xa, cách chúng ta quãng đường tính bằng năm ánh sáng. Cho nên, một khi chàng Lazarus đã đi thì chẳng còn lý do nào cho chàng quay lại.

Mùa đông chưa kịp qua, mùa xuân chưa kịp tới. Ở quãng lừng khừng đó, Glenn Frey lặng lẽ không từ mà biệt. Người viết ra lời ca của Hotel California kinh điển, người lưu giữ bao giấc mơ một thuở về quận Cam với cây trái sum sê bên đỉnh núi tuyết phủ màu trắng bạc. California là thiên đường, nơi “anh có thể rời đi, nhưng không thể nào bỏ lại”.

Glenn Frey
Glenn Frey

Nhưng ngay đến thiên đường cũng không níu kéo được chàng trai với đôi mắt xanh như đêm Bắc Cực. “Màn đã khép lại, tôi cúi đầu chào, mọi chuyện chỉ đến vậy thôi” - chàng viết trong ca khúc It’s your world now. Và chúng ta lại đành để chàng đi mất.

Đông kết thúc bằng cái chết của tay guitar Paul Kantner. Hết một mùa đông. Hết một đời người. Hết thật rồi California ạ. Mùa hè tình yêu năm 1967, Paul và ban nhạc Jefferson Airplane tới San Francisco, cùng những người hippie hát vang về tự do và tuổi trẻ.

Paul Kantner
Paul Kantner

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thế giới vẫn là một cái giếng chôn đầy thuốc súng, còn tình yêu thì khô cạn. Câu hát năm nào lại vang lên: “Mùa hè tình yêu đó giờ chỉ là ký ức”.

Những mùa hè sau này càng buồn hơn. Đóa hồng Umberto Eco phai tàn khi hạ còn chưa thắm. Lời cuối cùng cuốn The name of a rose (Tên của đóa hồng), Eco chấm bút: “Stat rosa pristina nomine, nomina nuda tenemus” (Bông hồng xa xưa còn tồn tại nhờ cái tên, chúng ta còn lại những cái tên rỗng tuếch).

Umberto Eco
Umberto Eco

Bông hồng thất lạc là cuốn sách của Aristotle về hài kịch, là khu thư viện nay đã tan hoang, và giờ, Eco cũng là một bông hồng thất lạc.

Nối dài cuộc chia tay

Chỉ trong một tuần tháng 4, cả Prince Harper Lee đều trút hơi thở cuối cùng. Thứ âm nhạc liều lĩnh của Prince là biểu tượng cho cơn sóng văn hóa của người da đen. Còn Harper Lee, trong tiểu thuyết To kill a mockingbird (Giết con chim nhại), đã mô tả Boo Radley - một người da màu, chẳng khác chi loài chim mà con người không có quyền được giết, bởi vì “Hãy nhớ rằng, đó là tội ác khi giết con chim nhại”.

Nhà văn Harper Lee
Nhà văn Harper Lee

Prince mê mệt cảm hứng về ngày tận thế. Trong năm 1999, anh viết như một lời tiên đoán, rằng tất cả mọi người đều giữ một trái bom. Anh đã nằm mơ thấy nó, thấy ngày phán quyết với cơn mưa màu tím, những con người chạy loạn, riêng anh hân hoan trong giây phút cuối cùng. Có lẽ Prince đã nghĩ thế giới không thể bước sang thế kỷ 21, nhưng anh đã nhầm.

Ca sĩ Prince
Ca sĩ Prince

Giờ là thế kỷ 21, thập kỷ thứ hai, dù nhiều biến động diễn ra nhưng nhân loại vẫn đang tiến bước. Câu hát của anh: “Tôi muốn thấy em dưới cơn mưa màu tím”. Nhưng cơn mưa màu tím mãi không xuất hiện, anh cũng không thể nào đợi thêm được nữa, anh phải đi.

Những ngày tiếp theo bức bối và nóng nực, báo chí đưa tin Muhammad Ali không còn. Ali, người đã đổi tên mình từ Cassius Clay thành tên của Đấng tiên tri, vì không muốn mãi làm nô lệ. Anh tự gọi mình là “người vĩ đại nhất”. Điều đó không kỳ lạ, điều kỳ lạ là chúng ta đều tin vào tuyên bố của anh.

Muhammad Ali

Mùa hè chưa chịu chấm dứt ở đây. Tháng 7 đến, ở bờ bên kia đại dương, Abbas Kiarostami qua đời. Ngày đưa tang, hàng nghìn người kéo về Tehran để nói lời tiễn biệt. “Điện ảnh bắt đầu từ D.W. Griffith và kết thúc ở Abbas Kiarostami” - Jean-Luc Godard nói.

Đạo diễn Abbas Klarostami
Đạo diễn Abbas Klarostami

Nơi trong trái tim nghệ sĩ sẽ trở nên bất tử. Như thị trấn Maycomb của Harper Lee. Như rặng ôliu bát ngát của Abbas trong Through the olive trees, nơi Hossein nói lời yêu với Tahere, và Tahere đã nói gì đó khiến Hossein chạy mất. Bí mật của họ sẽ chôn chặt cùng ôliu.

Chúng ta tự nhủ thầm đừng quá buồn vì những người đã chết. Nhưng đúng lúc chúng ta nghĩ mình đã quen thì chúng ta lại nghe thêm một cuộc chia tay. Cuộc chia tay ấy mang tên Leonard Cohen.

Nhạc sĩ - ca sĩ Leonard Cohen
Nhạc sĩ - ca sĩ Leonard Cohen

Leonard. Cuộc tình rong ruổi một thời. Leonard. Người viết những bài ca không buồn nhất nhưng luôn hát chúng bằng giọng ca buồn nhất. Thời gian đã qua lâu mà chàng Leonard ngày nào vẫn là chàng Leonard trong bài thơ đầu đời - Satan ở Westmount, say đắm dân ca Tây Ban Nha và trích dẫn Dante.

Còn chúng ta, nghe Hallelujah nhiều đến vậy, cứ ngỡ Leonard luôn thuộc về chúng ta, để rồi giây phút cuối cùng, khi nghe bài ca đơn giản nhất của Leonard, mới nhận ra chúng ta không thuộc về chàng. Chàng là “cái bóng trên mảng trời phía Tây” như trong ca khúc Ballad of the Absent Mare, và rồi chàng sẽ “tan như khói thuốc”.

Mùa đông còn dài, lời chào vẫn chưa dứt câu, nhưng cũng đừng sợ khi đối mặt với ly biệt. Leonard viết: “Đã có rất nhiều người yêu đương trước đôi ta trong thành phố này”. Họ đi và chúng ta lại yêu thêm những người mới đến. Nhưng nhớ, khi tình cờ ngang qua một khúc ca hay một tấm hình của người dấu yêu cũ, đừng quên nở nụ cười, như trong La La Land, Mia Dolan đã cười với Sebastian Wilder.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên