Phóng to |
Họp Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị Mậu Thân - Ảnh tư liệu |
Kỳ 1: Tháng ngày trôi dạt Kỳ 2: Bước vào lò luyện thép Kỳ 3: Người tù ở bót Catinat
Địa ngục hãi hùng
Cảm giác đầu tiên của tôi là ngộp thở. Bốn phía bít bùng, ánh sáng lờ mờ. Một địa huyệt. Xung quanh đồn có hàng rào kẽm, có bãi lựu đạn, có hào rộng. Ngoài đồn là một cánh đồng rộng, cách xóm phía tây và nam gần ba cây số. Ở xóm, theo anh em cho biết, là bàn đạp của kháng chiến. Phía đông và bắc của đồn giáp chợ Phú Lâm và đường quốc lộ.
Tới nơi, tôi hỏi han về tình hình ở đây. Anh em cho biết: Trước đây, quân ta tấn công khám này để mong giải thoát cho tù, nhưng không thành công. Gần đây, có một vụ vượt ngục qui mô, đến 200 người thoát, nhờ sự đồng tình của lính Bắc Phi.
Mới 5 giờ sáng, đã có chuông báo thức. Tất cả tù tập hợp trên nóc đồn để lãnh việc. Một số ít người đau, yếu, ở hẳn lại lo vệ sinh trong khám, còn tất cả phải đi làm phu các cơ sở nhà binh.
Tôi đi làm ở thành Lê Dương. Khuân, vác, cưa, đục, nhổ cỏ... Trưa, tù ăn tại chỗ làm, chiều tối mới về. Ăn cơm gạo lức, khô mục.
21 tháng 10: 100 tù ở khám Phú Lâm được lệnh chuyển xuống căng ở Mỹ Tho, trong đó có tôi. Anh Quyền, ông Nhượng ở lại.
22 tháng 10: Cái lò gạch cũ bên bờ một con rạch tại Châu Thành (Mỹ Tho) được dùng làm trại giam tù binh. Đồng bào gọi đó là khám số 7. Giám đốc trại giam là ách Tuyết. Nhưng, cai sếp Baranger, người Pháp, mới thật sự là giám đốc. Ký là tay chân cật ruột của Baranger. Ký bố trí một lưới gián điệp sâu, rộng trong hai trại nam, nữ ở khám số 7.
Bọn gián điệp theo dõi lời ăn tiếng nói của từng tù binh, hễ ai phản đối Tây là bị hãm hại liền. Cứ vài hôm, một tù binh nửa đêm bị đem đi thủ tiêu. Hành vi giết người đó cứ tiếp tục mãi, từ ngày lập khám số 7 đến giờ. Tù binh còn bị thủ tiêu trắng trợn hơn: Baranger bắn chết tù binh giữa ban ngày với lời kết luận đơn giản: toan vượt ngục.
500 con người sống chung đụng mà tuyệt đối không ai nói chuyện riêng với nhau. Ban đêm, gián điệp đi rình, nghe có ai rù rì không. Hễ ai bị bọn gián điệp mách là “hội nghị” thì nếu không bị chết cũng bị ngủ xà lim cả tháng.
Không khí chẳng khác gì Catinat, nhưng nó còn gớm ghiếc hơn Catinat nữa. Ngoài những âm mưu ám hại tù binh lẻ tẻ, Tây thực hiện thủ đoạn hoàn toàn trái với công pháp tù binh quốc tế: buộc tù binh đi trước trong các trận càn quét. Tôi là một trong những nạn nhân của thủ đoạn đó, sau một lúc vào khám.
Nhưng sự hãi hùng ở khám số 7 không phải chỉ có bấy nhiêu. Sanh mạng tù binh do ách Tuyết, cai sếp Baranger và cai tù Ký định đoạt. Sanh mạng tù binh lại do chiến cuộc định đoạt. Lúc ở Catinat, tôi nghĩ rằng đi căng là thoát.
Bây giờ, tôi mới hiểu căng chính là lò sát sanh qui mô mà mạng của tù binh mỏng manh như sợi chỉ. Không đêm nào tù ở khám số 7 yên giấc. Nghe tiếng giày sột soạt, tất cả đều bừng dậy. Nhưng không ai dám trở mình, chỉ mở mắt ngó nhau. Ai sẽ chết đây?
Tất nhiên, tù binh muốn trốn lắm. Làm sao trốn đây? Bốn bề canh tuần chặt chẽ, không thể nào lọt qua nổi.
Ban giải phóng tù binh và “bản tuyên bố”
2 tháng 11: Ách Tuyết cho hay một giờ trưa nay, 100 tù sẽ chuyển xuống Gò Công. Tôi ở trong số đó. Xe vừa dừng ngang cửa khám Gò Công, chúng tôi chưa kịp xuống thì từ sau, roi vụt tới tấp. Chúng tôi phải nhảy đại, nhiều anh em trầy tay, lác đầu gối…
Tây lùa chúng tôi vào khám. Lúc đó đã chiều. Thế mà sau khi điểm danh xong, 100 tù mới phải ra mắt chúa ngục Gò Công bằng một công việc đặc biệt: móc dãy ống cống chung quanh khám. Bọn chúa ngục triệt để “hợp lý hóa” sử dụng lao động!
4 tháng 11: Sáng ra, chúa ngục cho hay cần 50 người tình nguyện đi Đồng Sơn.
Tôi xin đi. Số tù cũ e ngại. Sau này, tôi mới rõ là Đồng Sơn nổi tiếng thủ tiêu tù. Nhưng, Đồng Sơn lại gần vùng tự do, có khả năng tìm đường vượt ngục.
Xe chở chúng tôi trở lại đường về Mỹ Tho rồi rẽ qua Đồng Sơn, ngừng trước cửa một lâu đài to lớn, nhà của một viên hội đồng tên tuổi lừng lẫy ở Gò Công.
6 đến 7 tháng 11: Làm cái lô cốt này đến cái lô cốt khác. Nhiều anh em đã nhuốm bệnh. Tương lai mù mịt.
Theo tin nghe được, chúng tôi phải làm 50 cái lô cốt. Và, đã xảy ra một số cuộc chạm súng quanh vùng giữa du kích và bọn Pháp, bọn ngụy. Như tên đại úy chỉ huy trưởng Đồng Sơn cảnh cáo, chưa biết hôm nào chúng tôi bị bắt. Lính Việt cho biết bốn trong tám anh em bị giữ ở Đồng Sơn đã chết “thường mạng” cho hai thằng lính Tây.
Nhiều anh em muốn trốn. Tôi khuyên anh em: Đừng trốn lẻ tẻ; một người trốn thì một người trong anh em bị bắn. Tôi đã nghĩ cách cho toàn thể khám có thể vượt ngục.
Ngày giờ đã có thể chọn: Đêm 11 tháng 11 - Lễ chiến thắng Đức 1918 của Pháp (Fête de la Victoire). Ngày 11 tháng 11 hằng năm, Pháp đều tổ chức duyệt binh, chè chén, sự canh phòng nhất định sơ hở. Tuy có một chút bất tiện, ngày đó trăng mọc hơi sớm. Nhưng, không còn ngày nào tốt hơn.
Tôi đã định hướng được nơi chúng tôi phải đến.
Còn một khó khăn: chúng tôi thiếu dụng cụ đục tường. Tôi dặn anh em tìm xà beng hoặc dao, hoặc thứ gì có thể cạo lớp ximăng, kín đáo mang vào khám.
Tôi giao anh Sơn cùng một tổ nghiên cứu kỹ rào, bãi kẽm gai, chỗ gài lựu đạn và họ phải tìm cách gỡ lựu đạn, cắt rào. Những người trong tổ nguyên là lính trinh sát.
8 tháng 11: Tối nay, tôi họp từng nhóm nhỏ anh em, định kế hoạch vượt ngục. Kế hoạch đại cương đã định xong và một ban giải phóng tù binh được thành lập, tôi làm chủ tịch.
11 tháng 11: Chúng tôi định 11 giờ sẽ ra. Tôi thảo một “bản tuyên bố” để lại. Dưới ánh đèn cầy, tôi viết trên một tờ giấy trắng mấy dòng. Đại khái, chúng tôi cho biết vì chế độ nhà tù hà khắc và vì bổn phận chúng tôi còn phải tiếp tục chiến đấu, nên chúng tôi vượt ngục.
Chúng tôi cám ơn anh em binh sĩ người Việt và “hẹn gặp bọn Tây ở chiến trường”! “Tuyên bố” mang chữ ký của tôi với danh xưng: Chủ tịch Ủy ban giải thoát tù binh khám Vĩnh Lợi.
Gần 11 giờ, tường đã thủng một lỗ nhỏ. Gió mát lùa vào. Ngó ra ngoài, tôi thấy một vòm trời đen đục. Tim chúng tôi đánh mạnh. Trong gang tấc hoặc chết, hoặc tự do. Bỗng có tiếng giày. Anh em giả như ngủ say. Đèn pin bấm vào khám như thường lệ và tiếng giày xa dần rồi im hẳn.
Ngày quang đãng
11 giờ, toán xung kích ra đầu. Toán này có trách nhiệm vẹt rào, cắt kẽm gai, gỡ lựu đạn, dọn đường cho anh em. Mỗi người cột áo lên cổ, nhận nhau qua khẩu hiệu “Ai? Áo cột cổ”. C. và ông già ra tốp đầu. Tôi ra gần sau cùng.
Cái lỗ hơi nhỏ, bụng và lưng tôi trầy trụa. Chúng tôi leo qua công sự, tụt xuống hào nước. Lỗ châu mai đen ngòm của hai lô cốt như chăm chỉ ngó tôi. Tôi hơi ngán. Lúc đó, trăng sắp mọc.
Lối 12 giờ, 42 tù nhân khám Vĩnh Lợi tập họp nghỉ trên bờ tre, cách đồn chừng hai cây số. Tới đây, chúng tôi hoàn toàn tin chắc mình đã thoát. Nhiều anh em ôm tôi, khóc mướt. Tôi tựa lưng vào một gốc cây, rút điếu Golden Club, hút một hơi. Điếu thuốc ngon kỳ lạ. Tôi ra khỏi khám chỉ với cái quần ngắn, áo thun quấn gói thuốc và hộp quẹt cho khỏi ướt khi lặn qua hào nước.
Gà gáy sáng. Chân trời đỏ rực, báo một ngày quang đãng. Tiếng trống vang lên ở đầu xóm: ngày lễ kỷ niệm Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Chúng tôi không ở Bình Phục Nhứt, đề phòng địch truy kích, mà sang Quơn Long. Và tại đây, mỗi người chọn hướng về đơn vị của mình.
Mấy hôm sau, tôi về đến Tỉnh ủy Mỹ Tho và sau đó về Xứ ủy. Đồng chí Ung Văn Khiêm báo với tôi: Đài Pháp Á đọc “Bản tuyên bố” của chúng tôi.
8 tháng 4 đến 10 tháng 11: Bảy tháng lẻ hai ngày. Từ Vạn Giả, ải địa đầu tiên đến Vĩnh Lợi, chặng chót, tôi đã sống hơn 200 ngày đêm mất tự do.
Tôi ghi vội những trang này khi về đến vùng tự do khu 9. Cách đây mấy hôm, Thường vụ Xứ ủy mừng tôi: đồng chí Lê Duẩn, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Cúc… tại trụ sở Xứ ủy đóng ở Đường Sân (Chắc Băng) thuộc huyện Hồng Dân. Tôi biết, trước mặt tôi, những người anh không chỉ bị tù có 200 ngày.
Và, dù sao tôi vẫn còn sống. Tôi không nhớ bao nhiêu người cùng ở tù với tôi và mãi mãi không về…
Đây là một hồi ký về báo chí của cá nhân tôi. Chưa bao giờ tự cho mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi vẫn xem báo chí là trận địa mà tôi ưa thích và viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi đến khi tôi không còn viết được nữa. Kỳ tới:Tôi làm báo |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận