02/12/2020 13:50 GMT+7

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 4: Những chuyến phà khó quên

QUỐC VIỆT - THÀNH NHƠN
QUỐC VIỆT - THÀNH NHƠN

TTO - Những năm cuối thập niên 1990, bến phà huyết mạch nối đôi bờ sông Tiền đã được nâng cấp hẳn. Những chiếc phà lớn 200 tấn với máy mới lướt nhanh và êm rì rì vẫn không thể thay đổi hoàn toàn tình trạng kẹt phà trầm trọng ở Mỹ Thuận.

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 4: Những chuyến phà khó quên - Ảnh 1.

Những chuyến phà Mỹ Thuận cuối cùng trước khi cầu được thông xe năm 2000 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Năm 15 tuổi tui đã bắt đầu đến bến phà bán bánh mì giúp ba mẹ. Dân bán hàng rong như tui đến hàng trăm người trên bờ dưới bến. Đó là chưa kể lượng hành khách qua lại phà cả chục ngàn người mỗi ngày, nhộn nhịp, ồn ào lắm.

Bà Huỳnh Thị Năm (76 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long)

"Đêm 30 tết, chỉ còn chưa đầy nửa giờ nữa là giao thừa mà tôi vẫn còn kẹt cứng bên bờ bắc phà Mỹ Thuận. Hết cách rồi, tôi đành phải gọi điện báo vợ con ở nhà cứ bày mâm cúng. Sớm nhất thì cũng ửng sáng ngày đầu năm tôi mới kịp về nhà ở Cần Thơ" - ông Nguyễn Hoàng Sơn, 65 tuổi, cựu tài xế xe khách Sài Gòn - Cần Thơ, tâm sự ký ức khó quên một thời phà ngang còn thay thế cầu Mỹ Thuận.

Năm tháng khó khăn hậu chiến

Tâm sự của ông Sơn cũng giống người viết bài này. Những năm cuối thập niên 1990, bến phà huyết mạch nối đôi bờ sông Tiền đã được nâng cấp hẳn. Những chiếc phà lớn 200 tấn với máy mới lướt nhanh và êm rì rì vẫn không thể thay đổi hoàn toàn tình trạng kẹt phà trầm trọng ở Mỹ Thuận.

Những ngày thường, người và xe phải mất 1-2 giờ mới qua được phà (nhanh nhất cũng phải mất nửa giờ), còn ngày cuối tuần hay dịp lễ tết thì chuyện kẹt phà 2-3 giờ, thậm chí lâu hơn nữa là quá thường tình. Khi có cầu, người ta thong dong dấn ga xe lướt gió chỉ 2-3 phút là qua sông, chắc vẫn khó quên kỷ niệm một thời này.

Nhưng dù sao đó là thời điểm phà Mỹ Thuận đã được nâng cấp. Ngược thời gian trở lại những năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều tài xế, hành khách từng phải vật vờ, ngủ qua đêm ở đôi bờ Mỹ Thuận.

Phà thiếu, máy móc hỏng, dầu không cấp về kịp, kể cả việc kiểm soát buôn lậu... là đủ thứ lý do làm cho bến phà này thường xuyên bị kẹt trầm trọng. Ông Nguyễn Minh Nhị, tức Bảy Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kể: "Hồi chưa có cầu, tụi tui ngán nhất là khi có việc phải lên TP.HCM hay ra Hà Nội hội họp. Phải trừ hao nhiều thời gian qua phà, nếu không muốn bị lỡ làng".

Khoảng năm 1983, tài xế Nguyễn Hoàng Sơn còn là lơ xe, kể có đêm kẹt phà, hành khách phải ngủ vật vạ lại bến và giữa đêm bất ngờ la chửi đông đổng vì bị... lột quần. Chuyện như đùa mà thật là đêm hè nóng nực, xe cộ hồi đó thì chưa có máy lạnh nên khách phải xuống bến tìm chỗ vạ vật.

Nóng nực quá, cánh đàn ông cởi quần áo, chỉ mặc quần đùi ngủ và bị trộm lấy mất sạch. Tài xế, lơ xe mang theo bọc đồ thay phải đưa luôn cho họ, vì họ than thở "sợ vợ rầy rà đi thành phố mần gì mà còn mỗi cái quần đùi về nhà". Đó là cái thời ngoài khổ sở đợi phà, người ta còn ngán ngẩm cả sự nhếch nhác và tệ nạn ở đôi bến phà này...

"Trước khi cây cầu được xây, phà Mỹ Thuận là nhịp nối đi các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... và chiều ngược lại.

Bởi vậy, hầu như dân châu thổ nào cũng ít nhất vài lần trong đời qua phà Mỹ Thuận với đủ kỷ niệm vui có, buồn có" - ông Nguyễn Văn Nghĩa (61 tuổi, ngụ phường Tân Hội, TP Vĩnh Long), một thuyền trưởng lái phà Mỹ Thuận, tâm sự ký ức. Đó có thể đều là những kỷ niệm khó quên trong đời như giã từ ruộng đồng, ly hương về thành phố lập nghiệp hay đưa đón dâu - rể phương xa...

Hàng chục năm gắn bó như hình với bóng cùng những chuyến phà ngang nối đôi bờ sông Tiền, ông Nghĩa kể mình bắt đầu làm việc tại bến phà từ năm 1985, và cha ông cũng từng là nhân viên phục vụ tại bến phà này.

Thời gian đó, phà chỉ hoạt động từ tờ mờ sáng đến khoảng 10h đêm. Về sau, do lưu lượng xe cộ, hành khách, hàng hóa qua lại ngày một đông nên phà hoạt động 24/24h. "Vậy mà kẹt hai, ba cây số là chuyện hầu như mỗi ngày ở bến phà này, còn mỗi dịp tết là kẹt dài rồng rắn đến chục cây số" - ông Nghĩa nhớ lại.

Trong khi những chiếc phà ngày nay có thể qua lại đôi bờ với số chuyến, tốc độ ổn định thì phà xưa khác xa rất nhiều. Mỗi khi nước lũ đổ về, mưa to gió lớn hoặc máy móc hỏng hóc, chắc chắn phà sẽ bị trễ chuyến, thậm chí bị trôi theo con nước. "Ngày trước, máy móc không ổn định, phụ tùng thay thế thì không có.

Nhớt đen thui, khói đen mù mịt. Mỗi lần phà tắt máy là anh em phải khiêng bình điện từ phà này sang phà khác để đề cho nổ. Khổ lắm" - ông Trần Khắc Phong (62 tuổi, ngụ Vĩnh Long), thợ máy phà Mỹ Thuận xưa, chia sẻ.

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 4: Những chuyến phà khó quên - Ảnh 3.

Bến phà Mỹ Thuận bờ Vĩnh Long xưa giờ là kho bãi, chỗ đậu ghe tàu - Ảnh: THÀNH NHƠN

Phà Việt Đan vẫn không thể giảm kẹt

Cũng theo ông Phong, khoảng cách giữa hai bờ bến phà Tiền Giang - Vĩnh Long chỉ khoảng 900m nhưng thời gian qua lại mỗi chuyến phà ngày ấy phải dao động từ 10-30 phút tùy con nước và sức gió. "Mãi tận sau này mới có phà 200 tấn, chứ ngày xưa chỉ có phà 100 tấn.

Phà Việt Đan 1, Việt Đan 2 do Đan Mạch tài trợ vượt sức gió, sức nước dễ dàng nên thời gian mỗi chuyến được rút ngắn lại" - ông Phong tâm sự thêm về bước ngoặt đổi thay.

Và cũng từ khi phà mới Việt Đan đi vào hoạt động thì hành khách có thêm sự lựa chọn. Nhiều tài xế kinh nghiệm, "khôn ranh" đợi phà Việt Đan cập bến mới chịu lên vì sợ đi phà khác hỏng hóc, mất thời gian.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Phong là đợt bão Linda (bão số 5) năm 1997 đổ vào các tỉnh ĐBSCL. Lúc cao điểm bão, không một chiếc phà nào có thể rời bến, kể cả Việt Đan là phà lớn, mạnh nhất cũng không được chạy.

"Hồi đất nước mới thống nhất, chìm ngập trong khó khăn, một chiếc phà chạy bao giờ cũng đầy đủ người từ thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó đến thủy thủ.

Mỗi lần phà hư hỏng, tắt máy trôi dạt trên sông là phải đánh kẻng thông báo, rồi hì hục nhau sửa chữa hoặc nối dây cho tàu kéo. Người đi phà buồn, chứ mấy bà bán bánh mì vui lắm, tại kẹt trên phà, trên bến nên hành khách đói bụng mua bánh mì cho mấy bả" - ông Nghĩa cười nhớ lại.

20 năm đã trôi qua với nhiều đổi thay, nhưng ông Lý Vĩnh Hiệp (57 tuổi, ngụ phường Tân Hội, TP Vĩnh Long), thuyền trưởng phà Mỹ Thuận, vẫn nhớ trước thời điểm phà dừng hoạt động, bến này có khoảng 8 phà nhỏ 100 tấn, 5 phà lớn 200 tấn.

Lượng xe qua lại phà hằng ngày khoảng 5.000 xe lớn và hàng chục ngàn người đi xe máy, đi bộ. Và lượng khách mỗi năm tăng khoảng 10%...

Ngày phà Mỹ Thuận dừng hoạt động, đa phần nhân viên, thủy thủ, thuyền trưởng đều được thuyên chuyển về những bến phà khác như phà Đình Khao, Mỹ Lợi, Vàm Cống... "Cầu Mỹ Thuận soi bóng sông Tiền.

Tui được điều chuyển sang phà Vàm Cống rồi một thời gian về phà Đình Khao. Anh em tứ tán khắp nơi nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau thường xuyên, và thỉnh thoảng vẫn hay nhắc nhớ kỷ niệm phà Mỹ Thuận xưa với nhiều chuyện vui buồn" - ông Hiệp trải lòng.

Năm 1958, khi mới 8 tuổi, ông Tô Văn En (70 tuổi, ngụ phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) kể mình cùng gia đình về gần phà Mỹ Thuận buôn bán kiếm sống. Theo ký ức của ông thì đường dẫn vào phà Mỹ Thuận xưa chỉ là con lộ nhỏ, sau mới dần mở rộng.

Hai bên đường dẫn vào bến phà là những dãy nhà xập xệ dựng bằng phên lá bày bán đồ ăn, nước uống và những món đồ linh tinh cho khách qua phà. Hồi ấy, nhà được dựng theo kiểu "cao cẳng" để phòng hờ những mùa nước lũ lớn.

"Thóc lúa tới đâu, bồ câu tới đó. Thấy ở bắc Mỹ Thuận mần ăn được nên dân thập phương đổ về đây dựng nhà buôn bán" - ông En nhớ lại.

Cầu Mỹ Thuận xuất hiện như mơ đối với người dân miền Tây, nhưng đó là giấc mơ có thật...

Kỳ cuối: Cây cầu 100 năm mơ ước thành sự thật

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 3: Lỡ làng cho cầu soi bóng Tiền Giang 20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 3: Lỡ làng cho cầu soi bóng Tiền Giang

TTO - Rất nhiều hoạt động chuẩn bị xây cầu Mỹ Thuận đã diễn tiến trong các năm 1965-1968, nhưng vẫn chưa thể đi đến ngày khởi công.

QUỐC VIỆT - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên