Bà Nguyễn Thị Thanh vay gạo nấu cơm nuôi hơn 60 người dân chạy lũ - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 21-10, mưa giảm hẳn, nước rút dần nhưng nhiều xã ở huyện Cẩm Xuyên vẫn ngập chìm trong biển nước. Tại xã Cẩm Duệ, nhiều người dân mỏi mòn đứng trên con đê dẫn nước hồ Kẻ Gỗ ngóng về phía hạ du, nơi nhà cửa vẫn ngập trắng trong dòng nước lũ chảy xiết.
Trong câu chuyện của những người dân thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ kể về đêm chạy lũ kinh hoàng luôn nhắc đến tên ông Lê Đình Cường (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi, người cùng thôn) - 2 vợ chồng đã cưu mang họ vượt qua hoạn nạn những ngày lũ ập đến.
Trong căn nhà cấp 4 chưa đầy 40m2 nằm dưới chân đê của vợ chồng ông Cường hiện cưu mang hơn 60 người dân có nhà bị nhấn chìm trong lũ trong thôn. Có một cụ trên 100 tuổi, một cụ 90, hai cụ 80 tuổi cũng đang ở nhờ tại đây.
Mỗi ngày hai vợ chồng đều nấu cơm và một nồi cháo lớn cho mọi người ăn, trong đó có nhiều cụ già và trẻ con.
Không kìm được nước mắt, bà Bùi Thị Hoàng (53 tuổi, thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ) cho biết lũ lụt đã cuốn trôi hết tài sản, trâu, bò của gia đình. Nhưng may mắn những ngày chạy lũ, vợ chồng bà được gia đình ông Cường cưu mang.
"Lũ lên nhanh quá, không biết chạy đi đâu. May nhờ vợ chồng anh Cường đón vào cho ở nhờ, nấu cháo, mì tôm cho ăn không thì chết đói", bà Hoàng xúc động nói.
Bà Lê Thị Nhinh xúc động khi kể được gia đình ông Cường cưu mang bà trong mấy ngày lũ lụt - Ảnh: DANH TRỌNG
Nhà chật, không đủ giường chiếu nên mọi người phải trải chiếu nằm giữa nền nhà cùng nhau vượt qua lũ dữ. Vợ chồng ông Cường cũng xuống nền nhà nằm, nhường giường cho các cụ già.
"Mấy hôm nay may có vợ chồng Cường nó cho ở tạm. Nước ngập, mất điện không đi xát được gạo, hai vợ chồng phải chạy vạy đến những nhà người thân ở vùng không ngập vay gạo mang về nấu cho hàng xóm ăn chống đói", bà Lê Thị Nhinh (70 tuổi, thôn Trung Thành) xúc động chia sẻ.
Gia đình ông Cường thuộc diện khó khăn, người con trai lớn bị tai nạn chấn thương sọ não hằng tháng vẫn phải đưa ra bệnh viện ở Hà Nội kiểm tra sức khỏe. Nhưng mấy ngày nay, thấy người dân chạy lũ, vì tình làng nghĩa xóm ông bà vẫn đưa họ vào nhà cho tá túc.
"Thiên tai hoạn nạn, gia đình tôi cũng khó khăn nhưng bà con chạy lũ không mang theo được tài sản gì, nhà tôi may mắn hơn vì ở vị trí cao hơn, lũ không ngập nên sẵn sàng giúp đỡ. Khó khăn chung, trong nhà có chi mời bà con ăn nấy cho qua hoạn nạn", ông Cường chia sẻ.
Bà Thanh cho hay mấy ngày lũ lụt nhà cửa hàng xóm ngập hết, trâu bò, lợn gà cũng không còn. Mấy hôm nay, ngày nào bà cũng dậy sớm, tất bật nấu cháo, cơm cho bà con chạy lũ ăn chống đói. Thậm chí còn nấu nước sôi, đưa cơm cho những người đang bị mắc kẹt trong nhà chưa ra ngoài được.
"Cưu mang được ai thì cưu mang, tôi nấu cơm cho họ ăn để ấm cái bụng cho đỡ lạnh vì trời lạnh để còn sức sau này nước rút còn về dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống", bà Thanh bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận