Những gia đình nhập cư không giấy tờ được thả khỏi khu vực tạm giữ ở McAllen, bang Texas, Mỹ ngày 22-6 - Ảnh: REUTERS
Theo trang tin BuzzFeed, một liên minh các tổng chưởng lý theo đảng Dân chủ của 17 bang và đặc khu Columbia đã đệ đơn kiện chính sách nhập cư của chính quyền tổng thống Donald Trump vào ngày 26-6.
17 bang này gồm: Washington, California, Maryland, Oregon, New Mexico, New Jersey, Iowa, Illinois, Minnesota, Rode Island, New York, Vermont, North Carolina, Delaware, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia.
Đơn kiện, được nộp lên tòa án liên bang ở Seattle, không chỉ phản đối chính sách chia tách các gia đình nhập cư trái phép tại biên giới Mỹ - Mexico, mà còn phản ứng về cách hành xử của chính quyền với các di dân đang muốn tìm một cơ chế nhập cư tại Mỹ.
Theo các nguyên đơn, sắc lệnh chấm dứt việc chia tách các gia đình nhập cư trái phép của Tổng thống Donald Trump tuần trước trên thực tế không có hiệu quả thực tiễn.
"Sắc lệnh hành pháp liên bang mới không giúp đoàn tụ được hàng ngàn gia đình đã bị ly tán vì chính sách của chính phủ liên bang, và nó cũng không ngăn được việc các gia đình bị ly tán trong tương lai", bà Lisa Madigan, tổng chưởng lý bang Illinois, nêu quan điểm trong đơn kiện.
Phía nguyên đơn cũng cáo buộc chính sách này của ông Trump đã vi phạm hiến pháp vì nó "có động cơ từ sự thù địch và mong muốn gây tổn hại" cho những người nhập cư đến từ khu vực châu Mỹ Latin.
Đây là đơn kiện mới nhất trong một loạt các vụ kiện phản ứng với chính sách chia tách gia đình người nhập cư trái phép của chính quyền tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên có vẻ như đây là vụ kiện đầu tiên mà nguyên đơn trực tiếp không phải đại diện cho một phụ huynh là người nhập cư hay một đối tượng trẻ em đang mong muốn được đoàn tụ cùng người thân.
Các quan chức bang liên quan vụ kiện này cho rằng họ cũng bị tổn hại trong chính sách nhập cư không khoan nhượng của chính quyền liên bang, do đó họ có quyền được khởi kiện để bảo vệ các cư dân của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận