11/11/2016 08:29 GMT+7

15 triệu đồng/năm sao có tiến sĩ giỏi?

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - Tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 10-11, ngoài kinh phí khó khăn, các đại biểu còn cho rằng đào tạo số lượng nhiều, tiêu chuẩn thấp... cũng là hạn chế khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ tại VN không cao.

Các tân tiến sĩ trong ngày nhận bằng tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - một trong những cơ sở đào tạo sau đại học được xem là có chất lượng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Các tân tiến sĩ trong ngày nhận bằng tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - một trong những cơ sở đào tạo sau đại học được xem là có chất lượng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” do Bộ GD-ĐT phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 10-11, câu chuyện khoảng cách quá xa về kinh phí đào tạo tiến sĩ giữa VN với các nước đã được đặt ra như là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới nhiều bất cập về chất lượng.

Trước câu hỏi nếu Bộ GD-ĐT có động thái quyết liệt hơn trong việc điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ, trong đó có những điểm siết chặt hơn, những yêu cầu cao hơn nhằm nâng chất lượng tiến sĩ thì các cơ sở đào tạo có gặp khó khăn không, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - cho rằng việc nâng chất lượng, tạo uy tín là mong muốn của tất cả các cơ sở đào tạo, nhưng với hiện trạng hiện nay thì chắc chắn các cơ sở đào tạo sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Bởi để đáp ứng yêu cầu, cần phải được đầu tư và có lộ trình mới làm được.

GS Nguyễn Đình Đức - Ảnh: NAM TRẦN
GS Nguyễn Đình Đức - Ảnh: NAM TRẦN

“Có những ngành có điều kiện đào tạo tốt, mời được GS nước ngoài hướng dẫn thì thay vào việc đưa người ra nước ngoài đào tạo bằng ngân sách nhà nước, nên giảm bớt chỉ tiêu đào tạo nước ngoài, chia sẻ kinh phí cho các nhóm ngành đào tạo trong nước

GS Nguyễn Đình Đức

“Có thực mới vực được đạo”

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho biết tại ĐH này hiện quy định mức kinh phí 18 triệu đồng/năm với một nghiên cứu sinh, đây là mức đã nhỉnh hơn so với mức quy định chung của nhiều cơ sở đào tạo khác là 15 triệu đồng.

Phát biểu thẳng thắn tại tọa đàm, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - cho rằng mức 18 triệu đồng vẫn quá rẻ, không nước nào có thể làm được với mức kinh phí này.

Và sẽ thật ảo tưởng nếu đòi hỏi việc đào tạo tiến sĩ ở VN bằng mức kinh phí này lại có thể cho sản phẩm ngang bằng các nước tiên tiến như Mỹ vốn có mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn USD/nghiên cứu sinh/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, kinh phí đào tạo trung bình dành cho một nghiên cứu sinh trên thế giới là 15.000 USD/năm, thậm chí có nước mức đầu tư này còn lên đến 50.000 - 60.000 USD/năm.

“Có thực mới vực được đạo”, điều này có thể thấy rất rõ khi nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ thiếu phòng thí nghiệm, thiếu nguồn tài liệu nghiên cứu, không có môi trường và kinh phí cho các nghiên cứu sinh tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học.

Việc đưa nghiên cứu sinh ra nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế, cọ xát với môi trường học thuật quốc tế và khu vực thì càng khó khăn hơn.

Các khách mời tại cuộc tọa đàm cho rằng trong bối cảnh ngân sách chi cho đào tạo tiến sĩ eo hẹp, nếu các cơ sở đào tạo, thầy hướng dẫn có được mối quan hệ rộng, năng động trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học để hỗ trợ nghiên cứu sinh của mình thì sẽ rất tốt.

Nhưng việc này cũng không phải vấn đề phổ biến. Chưa kể ở nhiều cơ sở đào tạo, tình trạng thiếu người hướng dẫn nghiên cứu sinh, hoặc một người hướng dẫn phải “gánh” quá nhiều nghiên cứu sinh thì chính các thầy cũng không thể bước qua được những rào cản để có thể quay lại hỗ trợ học trò của mình.

GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ ngay trong nước, từ quá trình đào tạo tiến sĩ đã tạo ra được những nhóm nghiên cứu mạnh, có nhiều bài báo công bố quốc tế.

Những trường hợp này lẽ ra cần có cơ chế ưu tiên đầu tư kinh phí xứng đáng, chứ không thể duy trì mức kinh phí quá ngặt nghèo như hiện nay.

GS Đức đề xuất có thể lấy từ nguồn kinh phí các đề án có sẵn như đề án 911 đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ngoài để chia sẻ với những đơn vị cơ sở đào tạo ra được những tiến sĩ xuất sắc ngay môi trường trong nước.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết cùng với việc xem xét điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất về việc nâng kinh phí đào tạo tiến sĩ, hi vọng sẽ giúp các cơ sở đào tạo giải quyết được khó khăn để khắc phục dần các bất cập, đáp ứng yêu cầu mới.

Các khách mời tham gia tọa đàm (từ trái qua): PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, GS.TSKH Trần Văn Nhung và Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Ảnh: NAM TRẦN
Các khách mời tham gia tọa đàm (từ trái qua): PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, GS.TSKH Trần Văn Nhung và Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Ảnh: NAM TRẦN

“Nếu trước đây ngoại ngữ để xem xét ở đầu ra thì bây giờ sẽ thay đổi, nâng chuẩn ngoại ngữ đầu vào đủ để nghiên cứu sinh có thể sử dụng ngoại ngữ để nghiên cứu, trao đổi học thuật phục vụ việc hoàn thành luận án

Thứ trưởng Bùi Văn Ga


Giảm quy mô, nâng đầu vào, siết đầu ra

Phân tích nhiều khó khăn khách quan dẫn tới bất cập trong đào tạo tiến sĩ, GS Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng từ năm 1976 VN đã đào tạo phó tiến sĩ và 6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước. So với hiện tại, thời kỳ đó còn khó khăn thiếu thốn hơn nhiều, nhưng chất lượng tiến sĩ vẫn ổn.

Nhiều tiến sĩ được đào tạo trong nước giai đoạn trước hiện là những chuyên gia đầu ngành giỏi, đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực.

Bởi vậy, ngoài những khó khăn về kinh phí, điều kiện đào tạo, cũng cần phải xem xét nhiều vấn đề khác.

“Quy mô đào tạo quá lớn là một vấn đề tôi muốn nói” - GS Nguyễn Đình Đức bày tỏ. Theo GS Đức, có hiện tượng số lượng đào tạo tiến sĩ quá lớn khi so với điều kiện cụ thể của từng cơ sở đào tạo cũng như so với yêu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực khác nhau.

“Ngay ĐHQG Hà Nội, trong gần 1.000 nghiên cứu sinh thì có 648 thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đây cũng là vấn đề đáng phải suy nghĩ” - GS Đức nói.

Cùng với việc xem xét về quy mô, các GS, PGS có mặt tại tọa đàm đều thống nhất cho rằng cần cụ thể hóa tiêu chuẩn tiến sĩ. “Nếu điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ, tôi cho rằng nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng cần phải có tối thiểu 2 công bố quốc tế” - GS Đức nói.

Về điều này, GS Trần Văn Nhung đề nghị tiêu chuẩn tiến sĩ cần đòi hỏi những tiêu chuẩn cụ thể hơn. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới hai bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI.

Riêng khoa học xã hội và nhân văn với những đặc thù riêng có thể yêu cầu ít bài báo quốc tế hơn, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch.

PGS Vũ Thị Lan Anh đề nghị phải nâng chuẩn đầu vào và đầu ra trong đào tạo tiến sĩ. Đây cũng là điều các GS khác có mặt tại tọa đàm bày tỏ sự đồng tình: “Để nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ, yếu tố thứ nhất là điều kiện tuyển sinh, trong đó có tố chất nghiên cứu khoa học và trình độ ngoại ngữ.

Việc xem có tố chất hay không căn cứ vào các công trình khoa học của nghiên cứu sinh. Ngoại ngữ là rất cần thiết, vì vững ngoại ngữ thì nghiên cứu sinh mới có điều kiện tham khảo, đọc tài liệu nước ngoài, tham gia môi trường học thuật thế giới”.

Không tuyển theo đợt mà tuyển theo đề tài nghiên cứu

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng bộ đang lắng nghe các ý kiến đóng góp và mong muốn xây dựng, hoàn thiện điều kiện cụ thể đối với các cơ sở đào tạo khi tiếp nhận nghiên cứu sinh.

Chẳng hạn, có thể tuyển nghiên cứu sinh thì không tuyển theo đợt như hiện nay nữa mà tuyển khi trường có đề tài nghiên cứu, có tiền.

Các trường có thể đăng tải thông báo tuyển nghiên cứu sinh cho các đề tài cụ thể với điều kiện làm việc, mức đãi ngộ cụ thể để các nghiên cứu sinh có thể nộp hồ sơ. Như vậy, thầy sẽ tìm được nghiên cứu sinh giỏi để làm.

“Hiện nay, nhiều nơi không có đề tài, kinh phí cũng hạn chế, nhưng “đến hẹn lại lên”, hằng năm vẫn đều đặn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh. Trường tuyển rồi giao cho các thầy.

Quy định hiện hành cũng chỉ quy định số lượng nghiên cứu sinh mà các PGS, GS được hướng dẫn chứ không quy định điều kiện nhận nghiên cứu sinh cụ thể như thế nào. Chính vì thế, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay mới nảy sinh nhiều bất cập” - ông Ga chia sẻ.

* GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT):

Phải có thời gian tập trung tại cơ sở đào tạo

Đào tạo tiến sĩ tại VN có xu hướng dễ dãi hơn các nước khác. Dù đào tạo tiến sĩ được quy định là loại hình đào tạo chính quy, nhưng thực chất đào tạo bậc này được thực hiện giống như của hệ tại chức.

Theo quan sát của tôi, hàng chục năm qua, phần lớn cơ sở đào tạo thả nổi, không đòi hỏi nghiên cứu sinh phải gắn chặt với cơ sở đào tạo.

Ví dụ nhiều nghiên cứu sinh cả năm trời chẳng mấy khi có mặt tại cơ sở đào tạo, thi thoảng xuất hiện báo cáo chuyên đề là xong.

Điều này dẫn đến việc không ít nghiên cứu sinh gần như hoạt động độc lập, không gắn với hoạt động khoa học, không có mối liên hệ chặt chẽ với đội ngũ khoa học của nhà trường.

Do đó, hàm lượng khoa học trong nhiều luận án tiến sĩ còn hạn chế, không được tận dụng, phát huy trên cơ sở nguồn lực sẵn có của cơ sở đào tạo.

Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải dành toàn bộ thời gian quy định để học tập và nghiên cứu, trong đó phải có quy định thời gian tối thiểu đủ dài (ít nhất một năm) buộc nghiên cứu sinh tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, cũng phải có tiêu chuẩn về công bố khoa học trên các tạp chí thực sự uy tín.

* GS.TSKH Nguyễn Hoa Thịnh (chủ tịch Hội Cơ học VN):

Đào tạo tiến sĩ phải tối thiểu 3 năm

Hiện nay, nếu nhìn mặt bằng chung có thể thấy chất lượng nghiên cứu sinh tại VN chưa được tốt lắm. Việc trước đây cho phép đào tạo tiến sĩ có thể hoàn thành tối thiểu trong hai năm (với nghiên cứu sinh có trình độ đầu vào thạc sĩ) là chưa phù hợp.

Ngay cả ở nước ngoài, đào tạo tiến sĩ cũng đòi hỏi thời gian tối thiểu ba năm, đó là chưa kể thời gian học ngoại ngữ đạt trình độ nhất định để có thể sử dụng trong học tập, nghiên cứu mà nhiều người còn rất chật vật mới hoàn thành...

Theo tôi, thời gian đào tạo bậc tiến sĩ ít nhất phải ba năm, chứ không thể đưa ra mức tối thiểu hai năm đào tạo là thạc sĩ thành tiến sĩ được.

Bởi lẽ thời gian hai năm không đủ để nâng cao trình độ của nghiên cứu sinh so với đầu vào. Nghiên cứu sinh phải dành thời gian hoàn thành chuyên đề, rồi thực hiện, bảo vệ luận án mà “gói” tất cả trong hai năm thì khó đảm bảo chất lượng.

NGỌC HÀ ghi

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên