Người tị nạn lội bộ ở Hungary trên đường tìm đến Áo - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, số người Mỹ trên ký đơn kiến nghị trên trang MoveOn.org để kêu gọi chính quyền Washington dỡ bỏ hạn chế tiếp nhận người tị nạn Syria trong thời điểm châu Âu đang gặp nhiều khó khăn với cuộc khủng hoảng tị nạn.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính 4 triệu người Syria đã bỏ nhà cửa kể từ khi chiến tranh Syria bùng nổ hồi năm 2011. Đến nay Mỹ mới chỉ tiếp nhận 1.500 người tị nạn Syria.
Trước những chỉ trích của dư luận quốc tế, mới đây người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố “đang xem xét” đưa ra phản ứng với khủng hoảng tị nạn.
Hi Lạp cầu cứu
Trong khi đó, tại châu Âu chính quyền Hi Lạp cầu viện sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu (EU) do sức ép từ khủng hoảng tị nạn ngày càng lớn. Bộ trưởng Di trú Yannis Mouzalas cho biết hiện có tới 15.000 - 18.000 người tị nạn đã đến đảo Lesbos, trong khi đảo này chỉ đủ sức tiếp nhận 4.000 - 5.000 người.
“Tình hình đang hết sức căng thẳng” - ông Mouzalas than thở. Ủy ban Giải cứu quốc tế (IRC) cảnh báo các cuộc biểu tình phản đối ở Lesbos đang đe dọa sự an toàn của người tị nạn. “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo” - chuyên gia Kirk Day thuộc IRC lo ngại.
Ông cho biết nhiều người tị nạn bị mắc kẹt ở đảo Lesbos từ nhiều tuần qua, phải ngủ trên đường phố.
Với nền kinh tế đang lao đao, Hi Lạp càng gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với làn sóng người tị nạn. Athens đề nghị EU hỗ trợ thuốc men, quần áo, thiết bị… cho người tị nạn.
Nước này cũng đề nghị châu Âu chi thêm 9,6 triệu euro từ quỹ khẩn cấp để giúp thực hiện chiến dịch tiếp nhận người tị nạn ở các đảo Lesbos, Samos, Kos và vùng Evros ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện chính quyền Hi Lạp đang có kế hoạch di dời 12.000 người tị nạn từ Lesbos tới thủ đô Athens.
Trước đó EU đã cam kết sẽ chi 33 triệu euro để giúp Hi Lạp đối phó với khủng hoảng tị nạn. Nhiều chính trị gia cánh hữu đã kêu gọi chính quyền Athens đóng cửa biên giới để ngăn dòng người tị nạn. Ước tính hơn 230.000 người tị nạn đã đến Hi Lạp kể từ đầu năm 2015.
Khủng hoảng lan tới Đan Mạch
AFP cho biết hiện khủng hoảng tị nạn bắt đầu lan tới Đan Mạch. Từ cuối tuần qua, 800 - 1.000 người tị nạn đi vào quốc gia này từ Đức và tìm cách đến Thụy Điển.
Cảnh sát ở miền nam Đan Mạch đã phải đóng cửa một đường cao tốc do 150 người tị nạn đi bộ tới biên giới Thụy Điển. Sau đó nhiều người đồng ý đến đồn cảnh sát đăng ký quy chế tị nạn tại Đan Mạch.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới không phải là giải pháp. Ông chỉ trích các nước EU không tuân thủ quy định về tị nạn. “Chúng tôi không thể chấp nhận việc hỗ trợ đưa người tị nạn vào Thụy Điển nếu phía nhà chức trách Thụy Điển không đồng ý” - ông Rasmussen nói.
Tại biên giới Hi Lạp - Macedonia và Hungary - Serbia, tình hình đang căng thẳng. Người tị nạn đụng độ với lực lượng an ninh vì quá mệt mỏi sau nhiều ngày chờ đợi vất vả. Câu hỏi chung của nhiều người tị nạn là: “Tại sao họ đối xử với chúng tôi như vậy?”.
Trước đó cả Đức và Áo đều cho biết đã bắt đầu hụt hơi vì dòng người tị nạn đổ vào hai quốc gia này quá đông. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các nước EU cần phải tiếp nhận người tị nạn để chia sẻ gánh nặng với Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận