"Đầu nậu" tên là Đinh Trần Ngọc Huy, gửi email tới các giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, công khai mời chào đăng bài trên các tạp chí Scopus, ISI với nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông Huy tự khoe là có mối quan hệ tốt với các tạp chí Scopus, ISI và nhắn "nếu thầy cô muốn hợp tác xuất bản Scopus, ISI, nhà xuất bản uy tín Cambridge vui lòng liên hệ. Ưu tiên người lẹ tay lẹ chân".
Dịch vụ trọn gói
Trong vai một thạc sĩ ngành xã hội học cần đăng bài trên tạp chí quốc tế, chúng tôi đã liên hệ qua email với ông Huy qua địa chỉ dtnhuy...@gmail.com, đặt vấn đề mình chưa có đề tài cũng như chưa quen cách viết để được đăng bài trên các tạp chí quốc tế.
Rất nhanh chóng, ông Huy cho biết hiện ông có bài viết "Solutions to improve English teaching quality for students with international relation and economic majors" (tạm dịch: "Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên các ngành quan hệ quốc tế và các chuyên ngành kinh tế").
Ông Huy hỏi chúng tôi muốn tham gia không. Tiếp đó, ông đưa ra giá 12 triệu cho một bài trên tạp chí Scopus (nhiều tác giả, chúng tôi đứng tên đầu tiên). Ngoài ra còn có nhiều lựa chọn khác như xuất bản một bài trên tạp chí Scopus chưa xếp hạng từ 5 - 6 triệu đồng, tạp chí khoa học trong nước cũng có giá 5 - 6 triệu đồng. "Em chọn tạp chí nào thì báo anh nhé" - ông Huy nhắn.
Về thời gian xuất bản, ông Huy cho biết mất khoảng 20 ngày. "Em viết 1 tới 2 trang A4 (bài báo dự kiến có 15 trang) theo chủ đề đã gợi ý và gửi cho anh. Sau khi có thư chấp nhận từ tạp chí, anh sẽ gửi cho em để thanh toán xuất bản" - ông Huy nói về thủ tục xuất bản bài báo.
"Em viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh? Tiếng Anh của em không tốt. Nếu chỉ đứng tên một mình thì sao?" - chúng tôi hỏi. Ông Huy cho biết chúng tôi chỉ cần viết 1 - 2 trang bằng tiếng Việt, "mọi thứ còn lại anh lo cho em. Anh viết xong bài rồi"! Ngoài ra, nếu đứng tên một mình, chi phí sẽ cao hơn 5 triệu đồng.
Cũng từ email ông Huy gửi, chúng tôi vào trang dinhtran...com và thấy có rất nhiều người hỏi về việc đăng bài trên các tạp chí Scopus, ISI. Trả lời câu hỏi dịch vụ hỗ trợ gồm những gì, ông Huy cho biết sẽ định hướng đề tài, hướng dẫn trình bày và phân tích định tính - định lượng, hỗ trợ dịch thuật, tư vấn chỉnh sửa xem lại bài viết, xuất bản ISI/Scopus, tạp chí quốc tế ISSN và trong nước về tâm lý - giáo dục, quản lý giáo dục, thể thao, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin, tài chính marketing, nông nghiệp, kiến trúc, lịch sử, quan hệ quốc tế, xuất bản sách ISBN trong và ngoài nước...
Ông Huy tự giới thiệu là làm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản lý nhưng tôi thấy có hai bài thuộc lĩnh vực Hán Nôm. Một bài về văn tế Hán Nôm, một bài về Nho giáo, đều là các bài đăng chung với cả nhóm đến 4 - 5 người. Nghiên cứu liên ngành đỉnh cao thật.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Nhiều khả năng là tạp chí "săn mồi"
Theo nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu từng đăng bài trên các tạp chí khoa học uy tín, thời gian trung bình để một bài báo được xuất bản từ sáu tháng đến một năm, thậm chí nhiều hơn. Do đó, việc chỉ mất 20 ngày để xuất bản một bài báo là bất khả thi, trừ khi đó là tạp chí kém chất lượng, "săn mồi".
Ông Hoàng Đức Bình, Trường ĐH Thái Bình Dương, cho biết khi theo học tiến sĩ tại Viện Công nghệ châu Á (AIT), ông buộc phải đăng một bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế dựa trên danh sách tạp chí được trường chấp nhận hoặc phê duyệt, không phải tạp chí nào cũng được chấp nhận. Tính từ khi nộp bài đến khi được xuất bản trên tạp chí khoa học ĐH Manchester (Anh), ông mất tám tháng.
Lý giải về việc mất nhiều thời gian, ông Bình cho biết sau khi nộp bài, hai tháng sau ông nhận được thư chấp nhận xuất bản nhưng các thành viên ban bình duyệt yêu cầu ông phải sửa một số nội dung. Sau khi sửa và gửi lại, một nhà khoa học trong ban bình duyệt tiếp tục yêu cầu ông chỉnh sửa, gửi lại sau đó bài mới được xuất bản.
"Có người sáu tháng bài báo đã được xuất bản nhưng cũng có người mất hơn một năm. Do đó, việc chỉ mất 20 ngày và phải trả phí là bất thường, không giống cách thực hiện của hầu hết các tạp chí uy tín" - ông Bình nói.
Trưởng phòng quản lý khoa học một trường đại học cho biết đúng là hiện có một số tạp chí thu phí để công khai bài báo của tác giả. Tuy nhiên, với các tạp chí uy tín, mọi quy trình từ nhận bài đến bình duyệt, chỉnh sửa... đều tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt chứ không phải thu tiền để đăng bài một cách dễ dàng. Cần tách bạch hai vấn đề này, tránh lập lờ. "Phần lớn các tạp chí thu phí đăng bài là những tạp chí kém chất lượng, uy tín thấp" - ông này nói thêm.
Đã cảnh báo
Email mời chào của Đinh Trần Ngọc Huy gửi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học mời chào đăng bài trên “các tạp chí khoa học quốc tế” - Ảnh chụp màn hình
Năm 2021, Tạp chí Khoa học Trường ĐH Đà Lạt phát đi cảnh báo về việc ông Huy sử dụng email dtnhuy...@gmail.com mạo danh tạp chí này gửi email cho nhiều giảng viên, nhà khoa học mời chào đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Thông báo nêu rõ ông Huy không phải là nhân sự của tạp chí, không phải là thành viên hội đồng biên tập và không có mối quan hệ nào với Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt. Đáng chú ý, trước đó ông Huy gửi bài cho tạp chí này nhưng bị từ chối đăng do bài không tuân thủ quy định về hình thức trình bày của tạp chí.
Một số thông tin cho biết ông Huy đang là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Chúng tôi đã liên hệ và được một người có thẩm quyền xác nhận ông Huy không phải là cán bộ, giảng viên của trường. Có thể ông Huy là nghiên cứu sinh tại trường nhưng đây là thông tin cá nhân học viên, không được cung cấp ra ngoài.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Huy để trao đổi các vấn đề liên quan. Ông Huy không xác nhận đang làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ông cho biết mình tốt nghiệp đại học tại trường này, sau đó học thạc sĩ tại ĐH Quốc tế Nhật Bản.
Chúng tôi đặt vấn đề vì sao đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế phải trả phí? Đây có phải là tiền đề để bài báo được đăng không? Ông có phải là người môi giới, nhận tiền đăng bài trên các tạp chí kém uy tín như vậy làm méo mó việc nghiên cứu khoa học? Người tham gia viết bài chung sẽ viết bài hay chỉ đóng tiền và ông lo mọi chuyện?
Ông Huy trả lời rằng một tạp chí để vô được danh sách Scopus và ISI phải tốn nhiều chi phí và thời gian, cộng thêm phải trả phí phản biện, nên buộc phải thu phí từ người đăng bài. Phí do mỗi tạp chí quy định, thấp hoặc cao khác nhau.
Ông Huy khẳng định mình là người hướng dẫn viết bài và hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ xuất bản vì đã có nhiều kinh nghiệm. "Tôi hướng dẫn cách viết vì tôi xuất bản 300 - 400 bài nên đủ kinh nghiệm" - ông Huy nhấn mạnh.
Chúng tôi đặt vấn đề vì sao chuyên ngành kinh tế tài chính nhưng lại lấn sân công bố cả bài báo khoa học về Hán Nôm, ông Huy cho biết nghiên cứu khoa học là đam mê và ông chuyên hướng dẫn cách viết bài báo nên không hạn chế đề tài tham gia!
Coi chừng tiền mất, tật mang
Theo ông Hoàng Đức Bình, việc trả tiền đăng bài trên các tạp chí kém chất lượng không chỉ gây hậu quả xấu cho bộ mặt khoa học nước nhà mà bản thân tác giả cũng phải chịu nhiều hệ lụy, nhất là nghiên cứu sinh.
"Để tốt nghiệp tiến sĩ phải có bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế theo quy định. Bài báo này không chỉ là kết quả nghiên cứu mà còn là cơ sở để hoàn thành luận án. Nếu bài báo đăng trên tạp chí "săn mồi", kém chất lượng, không được trường chấp nhận, tiền mất tật mang. Bài báo đã xuất bản dù là trên tạp chí nào cũng không thể rút lại. Tác giả không thể sử dụng nội dung này để đăng lại trên một tạp chí khác vì sẽ vi phạm. Như vậy họ phải làm lại từ đầu" - ông Bình lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận