28/07/2014 12:53 GMT+7

11 năm đùn đẩy trách nhiệm 1.457 cổ vật quý

HỮU KHÁ - TẤN VŨ
HỮU KHÁ - TẤN VŨ

TT - Do Công an tỉnh Quảng Nam và Viện KSND tỉnh Quảng Nam không đồng nhất quan điểm, nên số phận của 1.457 cổ vật quý đang tiếp tục nằm lăn lóc trong kho.

Thu giữ cổ vật quý hiếm của tàu đắm dưới biển Trục vớt nhiều cổ vật có giá trị tại Quảng NgãiĐòi lại “tượng voi cổ vật” giao cho bạn giữ

LpCw4Cql.jpgPhóng to
Trong vòng 11 năm, ông Nguyễn Mười đã gửi cả ngàn lá đơn đòi lại số cổ vật quý giá của mình - Ảnh: Tiến Long

Việc xử lý số cổ vật này kéo dài 11 năm, đang rơi vào bế tắc khi các cơ quan tố tụng lẫn chính quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Ông Nguyễn Mười (58 tuổi, trú tại quận 1, TP.HCM) nói ông theo đuổi vụ việc suốt hơn 10 năm qua. Gia đình ông bán hết tài sản để làm lộ phí đi kiện, gửi cả ngàn lá đơn đòi lại số cổ vật quý giá của mình, nhưng đến nay mọi việc vẫn vô vọng, các cơ quan tố tụng “đá” trách nhiệm cho nhau.

Bị thu giữ hay tự giao nộp?

Người sưu tầm cổ vật có tiếng

Lãnh đạo Bảo tàng Quảng Nam cho biết có tiếp nhận số cổ vật do công an gửi và đang bỏ trong kho. Trả lời câu hỏi về tình trạng số cổ vật hiện nay ra sao, vị này nói: “Không biết”.

Trong khi đó, ông Hà Phước Mai, giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết ông Mười là người sưu tầm cổ vật có tiếng ở Đà Nẵng. Trước khi ông Mười bị bắt độ nửa tháng, Bảo tàng Đà Nẵng có gửi giấy mời ông Mười tham gia triển lãm cổ vật. Tại thời điểm trước khi ông Mười bị bắt, lãnh đạo TP Đà Nẵng và Bộ Văn hóa - thông tin nhiều lần đến nhà ông Mười để tham quan cổ vật. Lúc đó ông Mười có ý định mở bảo tàng tư nhân và đang lên kế hoạch xin TP cấp đất để xây dựng bảo tàng thì bị bắt giữ.

Theo ông Mai, việc tạm giữ số cổ vật của ông Mười quá lâu như vậy nếu không được bảo quản tốt sẽ bị hư hỏng. “Ông Mười nói với tôi rằng nếu được trả lại cổ vật sẽ hiến tặng một phần cho Bảo tàng Đà Nẵng quản lý để trưng bày cho công chúng” - ông Mai nói.

Ngày 15-8-2003, khi ông Nguyễn Mười đang vận chuyển 33 cổ vật của ngư dân trên biển thì bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ tại địa bàn TP Đà Nẵng. Sau đó, theo cơ quan công an, ông Mười tiếp tục giao nộp thêm 27 thùng cactông chứa cổ vật khác đang để tại nhà ở TP Đà Nẵng.

Sự việc không dừng lại, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Mười về tội danh “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”. Ít lâu sau, Công an Quảng Nam chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Quảng Nam đề nghị truy tố ông Mười theo tội danh trên. Tuy nhiên, ngày 16-8-2004, Viện KSND tỉnh Quảng Nam ra quyết định đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Mười. Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông Mười không nhất thiết cần phải xử lý hình sự mà chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính là thỏa đáng.

Quá trình điều tra cho thấy ông Mười khai nhận toàn bộ số cổ vật mà cơ quan công an thu giữ tại nhà là do ông Mười mua, thu gom, cất giữ hơn 10 năm trước với mục đích sưu tầm để mở bảo tàng tư nhân, không có mục đích mua bán cổ vật kiếm lời. Cho nên quyết định đình chỉ vụ án của Viện KSND tỉnh Quảng Nam chỉ đề nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước 33 cổ vật bị bắt quả tang trên biển, đồng thời trả lại cho ông Mười toàn bộ số cổ vật trong 27 thùng cactông gồm 1.457 cổ vật công an thu giữ tại nhà ông Mười. Không đồng tình với quan điểm của Viện KSND, Công an tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác định số cổ vật trong 27 thùng cactông là tài sản quốc gia, không thể trả lại cho ông Mười.

Tỉnh Quảng Nam đã phải tổ chức hàng chục cuộc họp để xử lý vụ việc. Viện KSND tỉnh liên tiếp có văn bản đề nghị trả lại tài sản là 27 thùng cactông có chứa cổ vật cho ông Mười. Mãi đến ngày 27-11-2008, Viện KSND tỉnh Quảng Nam ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định năm 2004. Trong đó, giữ nguyên phần nội dung tịch thu sung công quỹ nhà nước các vật chứng là 33 cổ vật bắt quả tang. Riêng toàn bộ số cổ vật đựng trong 27 thùng cactông thu giữ tại nhà ông Nguyễn Mười thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (không nói rõ tỉnh Quảng Nam hay TP Đà Nẵng). Viện KSND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam chuyển cho UBND cấp tỉnh có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2009, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu sung công quỹ nhà nước 1.457 cổ vật của ông Mười. Ông Mười không đồng tình với quyết định này, khởi kiện chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra tòa. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó đối với ông Mười.

Vụ việc lùm xùm cho đến năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam mới có quyết định thành lập hội đồng định giá, xác định giá trị bằng tiền đối với số cổ vật nói trên. Kết quả giám định đối với 1.457 cổ vật là hơn 1,6 tỉ đồng. UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cổ vật có giá trị lớn, không thuộc thẩm quyền xử lý hành chính của UBND tỉnh mà phải được xử lý bằng pháp luật hình sự, xử lý hành chính không đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực hàng cấm. UBND tỉnh Quảng Nam chuyển vụ việc đến Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam.

Cơ quan an ninh điều tra đề nghị Viện KSND tỉnh Quảng Nam hủy quyết định đình chỉ vụ án, phục hồi điều tra nhưng Viện KSND tỉnh Quảng Nam trả lời rằng không có căn cứ để phục hồi điều tra, việc đình chỉ vụ án là đúng quy định pháp luật. Đến ngày 27-6-2011, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xử lý, qua nhiều cuộc họp liên ngành nhưng cũng không có phương hướng xử lý dứt điểm số cổ vật. Đến ngày 8-6-2012, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn trả lời xác định không có căn cứ xác định hành vi của ông Nguyễn Mười vi phạm hành chính, không thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ vì việc bắt và thu giữ cổ vật là tại TP Đà Nẵng.

Bế tắc?

Theo Viện KSND tỉnh Quảng Nam, hồ sơ và vật chứng vụ Nguyễn Mười trước đây và cho đến nay đang được Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam quản lý. Do vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 1.457 cổ vật còn lại thuộc thẩm quyền của cơ quan này.

Ngày 25-7, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Dũng, viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc xử lý 27 thùng cactông với 1.457 cổ vật của ông Nguyễn Mười đến nay không còn trách nhiệm của viện kiểm sát. Khi đình chỉ vụ án, viện kiểm sát không có quyền xử phạt hành chính, nên bàn giao toàn bộ cho cơ quan điều tra để chuyển cho cơ quan UBND cấp tỉnh xử phạt theo thẩm quyền.

Trong khi đó, thượng tá Dương Tấn Bộ, phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết vướng mắc trong suốt quá trình giải quyết vụ án là do không đồng quan điểm về cách đánh giá, xác định tội phạm cũng như hành vi vi phạm hành chính giữa các cơ quan chức năng đối với hành vi của ông Nguyễn Mười.

Trái ngược với quan điểm của ông Dũng, ông Bộ cho biết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi cơ quan điều tra có kết luận, chuyển hồ sơ vụ án sang viện kiểm sát đề nghị truy tố, kể từ thời gian trên mọi xử lý về vụ án thuộc thẩm quyền của Viện KSND tỉnh Quảng Nam. “Sau khi ra quyết định đình chỉ vụ án, việc xử lý vật chứng thuộc thẩm quyền của viện kiểm sát, kể cả việc chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đề nghị xử lý vi phạm hành chính cũng thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát. Như vậy, việc xử lý vật chứng từ khi đình chỉ cho đến hiện nay đều thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát nhưng phía viện kiểm sát không thực hiện đúng luật, không làm đầy đủ trách nhiệm mà đùn đẩy sang cơ quan điều tra, liên tục ra các văn bản yêu cầu cơ quan an ninh điều tra trả cổ vật cho ông Mười, trong khi đó công việc này của chính viện kiểm sát” - ông Bộ nói.

Ông Bộ cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam tốn nhiều công sức, thời gian, giấy mực để báo cáo về vụ việc với cấp trên nhưng đến nay vẫn không có trả lời chính thức.

HỮU KHÁ - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên