Cán bộ coi thi kiểm tra hồ sơ thí sinh thi lớp 10 tại HĐT Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM sáng 1-6 - Ảnh: Như Hùng |
Như vậy, trong kỳ thi này sẽ có hơn 10.000 thí sinh rơi khỏi lớp 10 công lập, mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT đã tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm trước.
Giảm dần số học sinh vào công lập
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết nếu tính trên tổng số học sinh tốt nghiệp THCS thì năm nay TP sẽ tuyển 77% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, giảm 3% so với năm học trước.
Đây là chủ trương của TP: bắt đầu từ năm nay, mỗi năm TP sẽ giảm dần số học sinh vào lớp 10 công lập. Ví dụ: năm 2018 còn 74%, năm 2019 còn 71%...
Thay vào đó, các trường sẽ đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS. Số học sinh không vào lớp 10 công lập vẫn còn rất nhiều hình thức học tập khác phù hợp với năng lực của các em như trường nghề, trường THPT tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, chia sẻ: “Trên thực tế, có những học sinh học văn hóa rất kém, nhưng khi chuyển sang học nghề thì lại học rất tốt và rất thành công trong công việc sau này. Phụ huynh đừng nghĩ rằng vào lớp 10 công lập là con đường duy nhất của học sinh sau khi học hết lớp 9”.
Ông cũng cho biết những năm gần đây, TP.HCM đã có một số học sinh chủ động chọn học trường nghề, chứ không dự tuyển vào lớp 10. Nhiều em trong số đó đã tốt nghiệp và có việc làm ngay, thu nhập ổn định.
Đổi mới cho phù hợp
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay đề thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ tiếp tục đổi mới, theo hướng kiểm tra năng lực, vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của thí sinh. Nội dung các câu hỏi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên lớp 9 môn ngữ văn, toán và tiếng Anh trên địa bàn TP cũng khẳng định họ đã đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với định hướng trên.
Cô Trần Thị Tuyết Hạnh, giáo viên môn văn Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Trong quá trình giảng dạy và ôn thi, chúng tôi cũng hướng học sinh đến việc học kiến thức trong sách giáo khoa, kết hợp với hiểu biết xã hội. Chúng tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu hiện thực xã hội kết hợp với kiến thức của bản thân, các em tự tư duy và trả lời câu hỏi theo suy nghĩ của mình. Với xu hướng ra đề như hiện nay, nếu học sinh ít hiểu biết về cuộc sống xung quanh mình thì khó có thể đạt điểm cao”.
Trong khi đó, ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP - cũng khẳng định: “Ngay ở câu đọc - hiểu, hệ thống câu hỏi cũng đặt ra theo các cấp độ tư duy từ dễ đến khó: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ở câu nghị luận xã hội: nội dung đề thi sẽ là những đề tài bàn luận đa dạng, phong phú về các vấn đề gần gũi với lứa tuổi học sinh, các vấn đề thời sự...”.
Với môn toán, ông Thành cho biết năm nay sẽ có hai câu hỏi ra theo hướng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Các câu hỏi còn lại cũng yêu cầu thí sinh phải suy luận và phải hiểu bài mới làm được.
Hà Nội: tỉ lệ chọi cao nhất là “1 chọi 3” Còn hơn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra. Năm học 2017-2018, Hà Nội vẫn xét tuyển vào lớp 10 theo phương thức thi kết hợp với xét tuyển. Chỉ có gần 51.000 chỉ tiêu cho các trường THPT khối công lập, trong khi có trên 76.000 học sinh đã tốt nghiệp THCS đăng ký dự tuyển. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh dự tuyển vào lớp 10 năm nay có hai nguyện vọng dự tuyển vào các trường công lập, trong cùng một khu vực tuyển sinh. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Tỉ lệ chọi cao nhất năm nay thuộc về Trường THPT Chu Văn An, với tỉ lệ 3:1. Một số trường từ tốp 2 vươn lên tốp đầu trong khoảng 3-4 năm nay như THPT Yên Hòa có tỉ lệ chọi 2,9:1, Nhân Chính 2,7:1. Các trường nằm trong tốp đầu của hơn chục năm qua như Thăng Long, Kim Liên, Trần Phú - Hoàn Kiếm tỉ lệ chọi chỉ ở mức 1,2:1 - 1,7:1. Các trường trong tốp giữa và tốp đầu của Hà Nội đều có trên dưới 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Một số trường THPT khu vực ngoại thành có số đăng ký dự thi thấp hơn chỉ tiêu. Những trường này thường sẽ được Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép tuyển sinh bổ sung nguyện vọng 3, nếu sau hai đợt xét tuyển vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 9-6, với hai môn ngữ văn và toán. Học sinh dự tuyển vào các trường THPT công lập khối không chuyên sẽ chỉ thi hai môn này (nhân hệ số 2) kết hợp với kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bốn năm THCS được quy ra điểm (tối đa là 20 điểm/4 năm học), cộng với điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có). Cụ thể, thí sinh có hạnh kiểm tốt và học lực giỏi được cộng 5 điểm, hạnh kiểm khá và học lực giỏi (hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá) được cộng 4,5 điểm, hạnh kiểm khá và học lực khá được cộng 4 điểm, hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi (hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình) được cộng 3,5 điểm, hạnh kiểm khá và học lực trung bình (hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá) được cộng 3 điểm. Trường hợp còn lại được cộng 2,5 điểm. Điểm cộng thêm là tổng của điểm ưu tiên và điểm khuyến khích, tối đa không quá 6 điểm. Riêng đối với học sinh dự tuyển vào khối trường chuyên sẽ thi vào ngày 9, 10 và 11-6. Ngoài các nguyện vọng vào khối không chuyên như tất cả học sinh khác, những học sinh này có thêm hai nguyện vọng vào trường chuyên... Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. Tuy nhiên, so với các năm trước, đề thi năm nay sẽ được lưu ý tăng thêm tỉ lệ các câu hỏi có tính vận dụng. |
Bình Phước: 10.823 thí sinh dự thi tuyển vào lớp 10 Sáng 1-6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 - 2018 đã diễn ra ở tỉnh Bình Phước. Năm nay, toàn tỉnh có 10.823 thí sinh dự thi, trong đó tuyển 10.565 thí sinh vào 33 trường công lập, diễn ra trong ba ngày: 1, 2 và 3-6. Năm nay Trường THPT chuyên Quang Trung - ngôi trường đứng đầu tỉnh Bình Phước, nằm trong tốp các trường THPT trên cả nước có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao - với 764 thí sinh, để xét tuyển lấy 285 học sinh vào 7 lớp chuyên. Cũng theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, do tỉnh này chưa có trường THPT dân lập, nên số học sinh không đủ tiêu chuẩn vào các trường công lập nếu có nguyện vọng học tiếp lên cấp III, sẽ được xét vào trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã; nếu không học ở trung tâm giáo dục thường xuyên thì đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường nghề gồm: Cao đẳng Công nghiệp cao su Bình Phước, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Phước (thị xã Đồng Xoài) và Trường trung cấp nghề Tôn Đức Thắng (huyện Chơn Thành). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận