Phóng to |
Đứa cháu gọi tôi bằng bà đến chơi và hỏi: “Con đố bà biết vì sao cả lớp gọi con là người hạnh phúc nhất?”, tôi trả lời: “Vì con có ba mẹ hiểu biết, thương yêu và hướng dẫn con nhiều thứ...”. Bé nói ngay: “Bà sai rồi, vì con có bạn trai...”.
“Con hạnh phúc vì có bạn trai!”
Nếu cách đây 10 năm phụ huynh lo lắng vì lớp 10 chúng đã “yêu như điên” thì bây giờ lớp 4, lớp 5 trẻ đã thích có bạn khác giới và một số ngộ nhận là yêu. Một thực trạng rất đáng báo động. |
Cô bé kể tiếp: “Bạn ấy tên M.K. ngồi cạnh con. Tụi con có chung một cuốn sổ, ngày nào cũng viết thư cho nhau bằng tiếng Anh...”. Tôi trố mắt nhìn cô cháu gái mới 9 tuổi, cháu lại tiếp tục: “Khi con kể chuyện, các anh chị con phát ghen vì con có bạn trai”.
Tôi bắt đầu chú ý: “Vậy con biết gì về gia đình bạn ấy?”. Như một người lớn, cô bé tâm sự: “Bạn ấy đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Nhà bạn đang xây một căn ở khu dân cư sang trọng...”. Tôi tá hỏa, nhưng vẫn chưa tin bọn trẻ vắt mũi chưa sạch này đã yêu sớm như vậy.
Tuần sau cháu lại đến, vẻ mặt ủ ê, buồn bã và kể: “Thầy chủ nhiệm đã đổi chỗ ngồi. Bây giờ bạn M.K. ngồi cạnh kẻ thù của con”! Tôi ráng trấn tĩnh hỏi lại: “Sao lại gọi bạn mình là kẻ thù?”, cháu buồn buồn trả lời: “Vì con nhỏ đó cũng thích bạn trai của con”. Cháu hỏi liệu tôi có thể đến trường can thiệp để cháu được ngồi cạnh bạn trai nữa không.
Tôi không trả lời mà chuyển sang câu hỏi khác: “Từ lúc con có bạn trai, con học giỏi hay học kém đi?”. Cháu cười tươi rói: “Con học kém đi nhưng con vui hơn”. Trời đất, chả lẽ 9 tuổi mà mấy cô cậu này đã qua mặt các anh chị để trở thành người lớn nhanh cấp kỳ như vậy?
Một phụ huynh gọi điện thoại xin nói chuyện. Bà mẹ trẻ nói nhanh: “Có vấn đề liên quan đến con gái”. Tôi hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi?”. Chị bảo: “Cháu 10 tuổi, đã dậy thì và đang yêu”. Chị kể đã bị sốc rất nặng vì phát hiện cô con gái cưng đang hẹn hò bí mật với một anh chàng 14 tuổi. Tối qua nghe chuông điện thoại, chị và cháu cùng bốc máy thì cháu bảo “điện thoại của con”.
Chị không bỏ máy mà cùng nghe. Cháu không biết nên nói chuyện thoải mái. Hai cô cậu tâm tình, từ ngữ y như người lớn đang yêu. Bên kia “Anh nhớ em nhiều lắm”, bên này “Em cũng vậy, học hổng có vô, lúc nào cũng nhớ anh...”. Sau 30 phút trò chuyện chúng mi gió nhau, chúc ngủ ngon, có nhiều mộng đẹp, chàng trai còn “Tạm biệt em, tình yêu của anh!”.
Hai vợ chồng chị mất ngủ cả đêm, sáng chở con đến trường mà không nói được câu nào. Hèn gì nó học sút hẳn, hóa ra lý do là tại “cái thằng” nào đó bày trò yêu đương con mình. Cũng may chị chưa nổi nóng. Tôi bày cho chị cách tâm sự, gợi mở để cô bé kể chuyện “yêu” và cách khuyên nhủ con. Sau hai tuần cô bé mới kể chuyện nhưng vẫn khẳng định đó là tình yêu. Chị tức tối nói với tôi: “Nó biến thành một người khác, không còn là con của em nữa rồi”.
Vì sao trẻ yêu sớm?
Có nhiều lý do. Thứ nhất là trẻ dậy thì sớm. Có cô bé dậy thì lúc 9 tuổi, 10 tuổi, hormone sinh dục tác động đến tâm lý khiến cô bé mộng mơ, để ý bọn con trai, đỏ mặt khi gặp người khác phái...
Thứ hai, phương tiện truyền thông của ta giờ đây đa dạng. Phim ảnh có nhiều pha yêu đương, hôn hít, cha mẹ cho trẻ xem thoải mái. Nhiều trẻ còn được chiều đến mức cùng xem những phim chiếu về khuya, những chuyện tình ướt át với các pha “nóng” tác động đến tâm lý còn non nớt của trẻ. Những chi tiết trên màn ảnh được trẻ nhập tâm, chúng không phân biệt được giữa chuyện của người lớn và trẻ nhỏ, trí tò mò của trẻ bị kích thích. Vì thế, nếu chúng thích một bạn trai, hay được một anh lớn hơn tán tỉnh thì sự ngộ nhận là yêu rất dễ xảy ra.
Thứ ba, sự cô đơn của trẻ. Các bậc cha mẹ mải mê kiếm tiền và nghĩ rằng cho con ăn, mặc, đến trường là đủ. Trẻ cần tâm sự, cần được trả lời những thắc mắc của lứa tuổi nhưng cha mẹ luôn bận rộn. Những trẻ không được hướng dẫn, học hỏi sẽ mất phương hướng. Chúng phải dựa vào bạn bè. Bạn bè cùng lứa làm sao hướng dẫn, giải thích.
Vì vậy khi có một chàng trai, cô gái kết thân để tâm sự, để giải tỏa trẻ sẽ nương náu tâm hồn vào đó. Khi đã có bạn khác giới thì nhiều trẻ coi là mình đã lớn, là có thể tự khẳng định mình. Có trẻ chờ ba mẹ ngủ rồi vào những trang web “đen” để xem phim cho thỏa những tò mò về tình dục. Tiếp đến là “ứng dụng” những gì nhìn thấy cùng với bạn mình. Hiện tượng nạo hút thai hoặc buộc phải cho sinh non ở trẻ vị thành niên đang khiến các nhà sản phụ khoa rất sốt ruột.
Làm sao bây giờ?
Nhiều bậc cha mẹ kêu trời hoặc gọi chuyện yêu sớm ở trẻ là “hư hỏng”. Nhà tâm lý học E. Maslow nói: “Nhu cầu bản năng là một quy luật. Nó như dòng sông chảy, ta không thể ngăn chặn mà chỉ nên uốn dòng chảy theo một hướng khác êm đềm hơn”. Có lúc tôi cảm thấy chúng ta không theo kịp lớp trẻ bởi tuổi dậy thì và tình yêu, tình dục đến với chúng rất sớm.
Bà Carol Balhetchet - giám đốc Trung tâm Phát triển thanh thiếu niên Singapore có 12 năm nghiên cứu sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ vị thành niên - đã dùng hai chữ “sửng sốt”. Tôi cũng muốn các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ cùng xã hội “sửng sốt” để uốn dòng chảy theo hướng có lợi cho sự phát triển của trẻ. Thay vì né tránh, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và “chạy” nhanh mới bắt kịp lớp trẻ hiện nay.
Vì thế giáo dục giới tính cần được bắt đầu sớm để trẻ phân biệt giữa cảm xúc, rung động với tình yêu còn là một khoảng cách. Cũng cần chỉ cho các bé gái cách tự bảo vệ trước những cám dỗ kẻo bị lợi dụng. Bằng không chúng ta sẽ không có cách gì kiểm soát nổi tình trạng yêu quá sớm cũng như tỉ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận