Chăm sóc bệnh nhân cúm tại bệnh viện ở California (Mỹ) vào tháng 11-1918 - Ảnh: Wikimedia Commons
Để dễ hình dung, 50 - 100 triệu người thiệt mạng năm 1918 tương đương với 5% dân số thế giới khi đó. Tổng cộng có khoảng 500 triệu người bị nhiễm virus cúm.
Đáng chú ý, dịch cúm 1918 chủ yếu lấy đi sinh mạng những người trưởng thành trẻ tuổi, thay vì nhóm dễ tổn thương là trẻ em và người già. Một số người gọi đó là trận đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Trong một thế kỷ qua, sử gia và các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu trận đại dịch và đưa ra nhiều giả thiết về nguồn gốc, sự lây lan và hệ quả của nó. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ngộ nhận trong công chúng về sự kiện này.
Sau đây là những bài học kinh nghiệm cho một tương lai nào đó, có thể xa hoặc rất gần.
1. Trận dịch bắt nguồn từ Tây Ban Nha.
Tên gọi khác của trận cúm năm 1918 là "cúm Tây Ban Nha", nhưng sự thật không phải vì nó bắt nguồn từ Tây Ban Nha.
Nguyên nhân là do Chiến tranh thế giới thứ Nhất, vốn đang cao trào vào thời điểm đó. Các nước lớn tham chiến tránh không để kẻ thù hả hê, do đó tin tức về dịch cúm bị che giấu ở Đức, Áo, Pháp, Anh và Mỹ.
Ngược lại, quốc gia trung lập Tây Ban Nha không cần phải giữ bí mật, quá nhiều tin tức đăng tải từ đây khiến công chúng bị ấn tượng rằng đây là ổ dịch đầu tiên.
Thực tế, đến tận ngày nay người ta vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch cúm năm 1918. Người thì cho đó là Đông Á, người thì nói châu Âu, và thậm chí là Kansas (Mỹ).
2. Thủ phạm gây cúm là một loại "siêu virus".
Dịch cúm năm 1918 lây lan cực nhanh, giết chết 25 triệu người chỉ trong 6 tháng đầu tiên. Tốc độ này khiến không ít người liên tưởng ngày tận thế của nhân loại, họ cho rằng đó hẳn là một chủng virus cúm có độc lực rất cao.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây phát hiện chủng virus năm 1918 dù nguy hiểm hơn nhưng không khác mấy so với các chủng gây ra dịch những năm khác.
Tỉ lệ tử vong cao có thể xuất phát từ mật độ người tập trung đông ở các doanh trại quân đội và môi trường đô thị, cộng với công tác vệ sinh và dinh dưỡng nghèo nàn thời chiến tranh.
Nhiều cái chết thật ra là do vi khuẩn bệnh phổi phát triển trong cơ thể ốm yếu của người bị cúm.
3. Đợt thứ hai của trận dịch là nguy hiểm nhất.
Thật ra số người chết vì cúm trong nửa đầu năm 1918 tương đối thấp. Chỉ khi đến đợt thứ hai vào mùa lạnh, từ tháng 10 đến tháng 12, tỉ lệ tử vong mới lên cao nhất. Đợt thứ ba xảy ra vào mùa xuân năm 1919, nguy hiểm hơn đợt đầu nhưng đỡ nguy kịch hơn đợt thứ hai.
Ngày nay, các nhà khoa học tin rằng số người chết cao trong đợt bùng phát thứ hai của dịch cúm là do các điều kiện thuận lợi cho sự lây lan. Những người bị nhẹ thường ở nhà, nhưng các ca nặng thường tập trung ở bệnh viện, làm tăng khả năng lây lan của chủng virus độc.
Kiểu chữa trị tập trung đông bệnh nhân cúm như tại Canada cũng khiến sự lây lan nhanh hơn - Ảnh: VALAIS
4. Virus giết chết hầu hết bệnh nhân.
Thực tế, phần lớn người mắc cúm năm 1918 đã sống sót. Tỉ lệ tử vong tại Mỹ không vượt quá 20%.
Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong thay đổi ở các sắc tộc khác nhau. Tại Mỹ, số ca tử vong trong nhóm thổ dân da đỏ đặc biệt cao, trong một số trường hợp thậm chí cả một cộng đồng cư dân biến mất do cúm.
Đương nhiên, dù không phải là phần lớn nhưng tỉ lệ tử vong 20% đã vượt quá bệnh cúm thông thường, vốn chỉ khiến ít hơn 1% bệnh nhân qua đời.
5. Không có thuốc chữa bệnh.
Con người chưa có liệu pháp chống virus cúm nào vào năm 1918. Ngày nay điều này vẫn còn đúng. Bệnh nhân cúm thường chỉ nhận được chăm sóc y tế để chống chọi với bệnh, thay vì "chữa" theo đúng nghĩa.
Một giả thiết cho rằng nhiều cái chết năm 1918 thật ra là ngộ độc thuốc aspirin. Các bác sĩ thời đó khuyến nghị liều aspirin lớn nhất lên đến 30 gram/ngày, trong khi bây giờ mức an toàn là 4 gram. Quá liều aspirin có thể dẫn đến nhiều triệu chứng tương tự cúm, bao gồm chảy máu.
Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do cúm ở một số nơi khác cũng cao tương tự Mỹ dù không có sẵn thuốc aspirin, vì vậy cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục.
Bệnh nhân cúm nằm dãy dài ở bệnh viện quân y tại thủ đô Washington - Ảnh: osu.edu
6. Tin tức lan truyền.
Các quan chức y tế và chính phủ có nhiều lý do để che giấu bớt sự trầm trọng của dịch cúm năm 1918, một phần họ không muốn kẻ thù lợi dụng trong lúc đang chiến tranh, một phần họ muốn giữ yên trật tự công cộng, tránh sự hoảng loạn.
Tuy nhiên, vào lúc cao trào, Mỹ phải thành lập các khu cách ly ở nhiều thành phố. Một số dịch vụ thiết yếu như cảnh sát và cứu hỏa cũng bị hạn chế.
7. Dịch cúm thay đổi cục diện Thế chiến thứ Nhất.
Ít có khả năng dịch cúm năm 1918 thay đổi kết quả cuộc chiến do binh sĩ hai bên đều bị ảnh hưởng như nhau.
Tuy nhiên, ít ai nghi ngờ về việc cuộc chiến đã ảnh hưởng đến trận đại dịch. Việc tập trung hàng triệu binh sĩ tạo điều kiện lý tượng cho các chủng cúm độc hại phát triển và lây lan ra toàn thế giới.
8. Tiêm chủng giúp chấm dứt trận dịch.
Liệu pháp tiêm chủng phòng ngừa cúm như chúng ta biết ngày nay chưa xuất hiện vào năm 1918, do đó không đóng vai trò nào trong việc chấm dứt trận dịch.
Việc phơi nhiễm với các chủng cúm trước đó có thể mang lại một chút bảo vệ tự nhiên cho bệnh nhân. Ví dụ, những binh sĩ nào phục vụ lâu trong quân ngũ có tỉ lệ tử vong thấp hơn những người mới.
Thêm vào đó, tốc độ biến đổi nhanh của virus theo thời gian tạo ra các chủng ít độc lực hơn. Điều này được dự báo bởi các mô hình chọn lọc tự nhiên. Bởi vì các chủng virus độc giết chết vật chủ quá nhanh, chúng không thể lây lan dễ dàng như các chủng ít nguy hiểm hơn.
9. Chưa xác định được gen của virus cúm năm 1918.
Năm 2005, các nhà nghiên cứu thông báo đã xác định thành công chuỗi gen của virus cúm năm 1918. Họ tìm ra nó trên thi thể của một bệnh nhân cúm được chôn ở vùng băng giá Alaska. Mẫu virus cũng được tìm thấy ở các binh sĩ Mỹ từng mắc bệnh vào thời đó.
Hai năm sau, các con khỉ bị nhiễm virus bắt đầu biểu hiện các triệu chứng giống với dịch cúm năm 1918. Chúng tử vong vì hệ miễn dịch phản ứng thái quá với virus, một hiện tượng gọi là "bão cytokine". Các nhà khoa học giờ đây tin rằng tỉ lệ tử vong cao ở người trẻ tuổi mắc cúm năm 1918 cũng xuất phát từ cùng nguyên nhân.
10. Dịch cúm năm 1918 ít để lại bài học cho năm 2018.
Các trận đại dịch cúm có khuynh hướng xảy ra cứ vài thập niên một lần. Giới chuyên gia tin rằng trận dịch tiếp theo không phải là "nếu" mà là "khi nào".
Ngày nay, ít người còn sống nhớ được đại dịch cúm năm 1918, nhưng nó để lại cho chúng ta nhiều bài học, từ việc giữ vệ sinh thân thể, tiêm chủng cho đến nghiên cứu các loại thuốc chống virus. Các bác sĩ có thể kê toa kháng sinh, vốn chưa có vào năm 1918, để giúp bệnh nhân chống chọi với nhiễm trùng cơ hội.
Trong một tương lai nhìn thấy trước, dịch cúm sẽ tiếp tục là "bạn đồng hành" của con người. Chỉ hi vọng là chúng ta đã thuộc những bài học trước đó để tránh một thảm họa mang tính toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận