05/11/2013 20:30 GMT+7

10 năm tù tội, 10 năm kêu oan

MINH QUANG - XUÂN LONG
MINH QUANG - XUÂN LONG

TTO - Hơn 10 năm ông Nguyễn Thanh Chấn ở trong trại giam cũng là chừng ấy thời gian bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông, làm đơn kêu oan từ trung ương đến địa phương.

Tiếp tục làm rõ những sai sót trong vụ án ông ChấnThôn Me chào đón người tù chung thân được tự do trở vềNgười tù chung thân được trả tự do

7vLe8RnM.jpgPhóng to
Căn nhà của bà Phạm Thị Vì được họ hàng, người thân giúp đỡ xây dựng - Ảnh: M.Quang

Hành trình kêu oan ấy còn có cả những người dưng đối với gia đình ông Chấn. Họ không chỉ bỏ thời gian, công sức, mà còn mang cả sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền kêu oan cho phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn… Rồi khi tất cả mọi người tuyệt vọng thì một cơ hội bất ngờ đã đến trong hành trình kêu oan cho ông Chấn.

Thế chấp nhà cửa đi kêu oan cho em

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về hành trình đi kêu oan cho người em đồng hao Nguyễn Thanh Chấn, giọng ông Thân Ngọc Hoạt nhiều lúc nghẹn lại. Ông Hoạt bảo trong những ngày đi kêu oan, có những chuyện bản thân ông muốn quên đi. Có những ngày đi gửi đơn mà đêm về nằm khóc.

Có những lần chuyển đơn về mà không dám kể với ai, kể sợ các em lại mất niềm tin. Những ngày đầu, ông Hoạt thường xuyên đưa bà Chiến đi gửi đơn nhưng hầu như các cấp ở Bắc Giang đều không xem xét. “Gần 10 năm, Chiến nó suy sụp hoàn toàn, suy nghĩ nhiều nên mắc bệnh thần kinh, chúng tôi phải đưa đi viện tâm thần điều trị”, ông Hoạt kể.

“Mười năm kể từ ngày em tôi bị bắt, gần như cả gia đình gửi gắm niềm tin vào tôi. Thấy các em hiền lành, thấy các cháu mình tội nghiệp, mình bấm bụng giúp gì được là làm. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ được đến mức bảo vợ Chấn viết đơn kêu oan cho chồng. Thâm tâm tôi nghĩ Chấn không phạm tội, vậy nên nói vợ nó làm đơn gửi khắp nơi kêu oan cho chồng. Nó viết đơn và cùng chúng tôi đi gửi, gửi đơn về rồi lại khóc ròng, đơn cứ đi mà hồi âm không có kết quả gì”, ông Hoạt kể.

kX8b8Clw.jpgPhóng to
Ông Thân Ngọc Hoạt kể lại quãng thời gian 10 năm đi kêu oan cho em đồng hao - Ảnh: M.Quang

“Tôi nhớ lần thứ hai hay lần ba lên thăm Chấn. Anh em ngồi tâm sự với nhau, tôi động viên Chấn cứ nói thật. Ai ngờ Chấn quỳ sụp trước mặt tôi. Nước mắt chảy tràn, Chấn nghẹn giọng nói anh cũng tin em làm việc tồi tệ đó à. Sau đó nó im lặng cả buổi như giận tôi”, ông Hoạt kể tiếp.

Về nhà ông Hoạt đem chuyện kể cho bà Thân Thị Hải, là chị gái mình. “Nghĩ trong đầu kể ra cho nhẹ lòng vì mình đã hỏi cái điều chạm vào nỗi đau của Chấn. Ai ngờ chị tôi ra sức khích lệ, thậm chí còn góp cả tiền và động viên tôi theo đuổi kêu oan đến cùng cho Chấn. Vậy là suốt hành trình mười năm đi kêu oan cho em, người sát cánh bên tôi, cùng tôi ngược xuôi mọi nơi, có chỗ đến người ta chỉ biết người đi kêu oan là ông Hoạt, bà Hải, ít ai biết bà Hải là chị ruột tôi”, ông Hoạt hé lộ.

Chúng tôi gặp bà Hải tại trại giam Vĩnh Quang khi bà lặn lội hơn 100km từ Bắc Giang qua Vĩnh Phúc, cùng gia đình đón ông Chấn trở về. Bà Hải bộc bạch: “Tôi không phải họ hàng ruột thịt với ông Chấn, cũng không phải người sống liền lưng liền vách. Lâu nay thấy cô chú ấy hiền lành, chồng tù tội, vợ bệnh tật triền miên. Ai nỡ lòng nào quay lưng với cảnh ngộ như thế”.

Chia sẻ thêm, ông Hoạt cũng bộc bạch giờ gia đình ông Chấn đoàn tụ rồi, đó mới là điều quý giá nhất. “Quan trọng là gia đình nó có vợ có chồng, các cháu được gần bố. Còn đi kêu oan suốt mười năm ngược xuôi từ tỉnh đến trung ương thì sao không tốn kém. Tiền của gia đình tôi cho em sao tính được. Hết tiền của gia đình thì bấm bụng mang sổ đỏ đi vay. Có hai sổ vay ngân hàng được 60 triệu đồng. Không vay thì đâu có tiền theo tiếp việc của em nó" - ông Hoạt cho hay.

Hi vọng nhóm lên từ câu chuyện bâng quơ

Khi những lá đơn kêu oan gửi khắp các ngành, các cấp không còn được hồi âm, niềm hi vọng đã dần trôi qua, giữa năm 2012 họ hàng nội ngoại gia đình ông Chấn, bà Chiến góp tiền, mỗi người vài chục triệu đồng để xây cho bà Phạm Thị Vì, vợ liệt sĩ, mẹ ông Chấn, một căn nhà để sống nốt phần đời còn lại. Căn nhà 1 tầng cho đến nay chưa hoàn thiện hầu như chỉ có bóng dáng bà mẹ già và người con dâu đang rơi vào trạng thái thần kinh bị ức chế sinh sống. Thế rồi giữa những lúc tưởng như tuyệt vọng ấy, niềm hi vọng của gia đình được nhen nhóm lên từ một câu chuyện bâng quơ khi có dấu hiệu cho thấy có thể tìm được thủ phạm thật sự của vụ giết chị Nguyễn Thị H. vào tối 15-8-2003.

Đó là thời điểm cuối năm 2012, trong gia đình vợ chồng ông Lý Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Lành xảy ra cảnh cơm không lành canh chẳng ngọt. Giận chồng, giận cả con riêng của chồng là Lý Nguyễn Chung, bà Lành và ông Chúc đã nhiều lần to tiếng về câu chuyện của Chung khiến hàng xóm xung quanh nghe được. Sau đó, trong một lần về nhà, bà Lành đã kể lại những gì mình biết với bố đẻ là ông Nguyễn Văn Hiền (75 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên).

Dằn vặt bởi câu chuyện này, vào một ngày cuối tháng 12-2012, ông Nguyễn Văn Hiền đã nói với bà Nguyễn Thị Chiến rằng anh Chấn oan quá. Rồi những câu chuyện lúc có lúc không của ông Hiền phần nào đã lộ ra ông Hiền biết ai là người đã sát hại chị H.. Đến khoảng tháng 5-2013, một lần nữa ông Hiền lại nói bóng gió về câu chuyện này. Thông tin này được mọi người trong gia đình bà Chiến bàn bạc, đặt vấn đề đó chỉ là lời nói của ông Hiền cũng như những lời đồn của hàng xóm quanh nhà ông Chúc. Sự việc cụ thể phải có được bằng chứng để chứng minh ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội.

Nhằm thu thập được bằng chứng, ông Thân Ngọc Hoạt đã tìm mua một chiếc máy ghi âm, tìm cách ghi lại những lời nói, câu chuyện liên quan đến việc Lý Nguyễn Chung là người đã sát hại chị H. vào 10 năm trước. Theo ông Nguyễn Hữu Thiêm, hàng xóm nhà ông Lý Văn Chúc, hồi còn bé Lý Nguyễn Chung còn trẻ con nhưng rất nghịch ngợm và có những hành động thiếu suy nghĩ. Do là trẻ con nên những lời đe dọa hàng xóm của Chung như việc dọa đốt nhà cũng không ai để ý.

Chỉ cho đến sau này, khi những chuyện cãi nhau trong gia đình ông Chúc trở nên to tiếng thì những người hàng xóm như ông Nguyễn Hữu Thiêm, Nguyễn Văn Bình mới nghe được lời ông Chúc nói về việc Lý Nguyễn Chung giết người. Những bằng chứng này đã được ông Thân Ngọc Hoạt ghi lại toàn bộ, sau đó cùng gia đình viết đơn gửi đến Cục Điều tra, Viện KSND tối cao để tố cáo và kêu oan cho ông Chấn.

8rNe0ZEA.jpgPhóng to
Bị can Lý Nguyễn Chung - Ảnh: Bùi Quang

Cùng thời gian này, những thông tin về việc ông Chấn không phải hung thủ thật sự được làng xóm kể cho nhau nghe đã đến tai ông Lý Văn Chúc. Biết rằng câu chuyện trong gia đình chỉ có bà Lành nói ra, ông Chúc đã đe dọa vợ nếu kể với ai nữa thì sẽ giết chết. Chính vì vậy sau khi cơ quan điều tra vào cuộc đã bắt khẩn cấp Lý Văn Chúc về hành vi đe dọa giết người.

Ngày 5-7-2013, sau khi nhận được đơn của gia đình, Cục Điều tra đã tổ chức xác minh với nhiều đầu mối, làm việc với bà Nguyễn Thị Lành, ông Nguyễn Hữu Thiêm, Nguyễn Văn Bình và Lý Thị Nghiến (chị gái Chung) đã xác định được Chung chính là nghi can sát hại chị Nguyễn Thị H. vào tối 15-8-2003 nhằm cướp tài sản. Cho đến lúc đó, một vụ án mới bắt đầu được mở ra và hành trình minh oan cho phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn mới thật sự có bước ngoặt mới.

MINH QUANG - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên