29/09/2016 16:44 GMT+7

10 năm chịu đựng lô cốt, Sài Gòn vẫn ngập vì hệ thống lạc hậu?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Hơn 100km cống đã được được đầu tư gần 10 năm để thu gom nước thải và chống ngập nước ở ba dự án lớn của TP đã “chịu thua” sau trận mưa kỷ lục ngày 26-9. Vì sao?

Một cậu bé bơi trong dòng nước ngập trong cơn mưa chiều 27-9 trước nhà trên đường Lương Định Của, quận 2, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG
Một cậu bé bơi trong dòng nước ngập trong cơn mưa chiều 27-9 trước nhà trên đường Lương Định Của, quận 2, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG

Suốt 10 năm từ 2003 đến năm 2013, người dân TP.HCM đã chịu đựng rất nhiều khó khăn do 3 dự án chống ngập nước cùng lúc triển khai thi công đào đường đặt cống thoát nước gần trăm tuyến đường TP.

Cao điểm nhất là năm 2011 có đến 256 lô cốt (hàng rào chắn) mọc trên đường khiến người dân gập nhiều trở ngại đi lại làm ăn, học hành, đường đầy bụi, kẹt xe, ngập nước.

Thế nhưng, với những cơn mưa mới đây nhiều tuyến đường ngập nước cho thấy các dự án lớn đầu tư hệ thống cống thoát nước hầu như bị tê liệt.

Cống thoát nước lớn “tê liệt”

Có thể nói, qui mô đào đường lắp đặt hệ thống cống thoát nước lớn nhất là ở dự án “Vệ sinh môi trường TP - Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” với khoảng hơn 50 km cống các loại trên địa bàn các quận 3, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình.

Trong đó có nhiều cống hộp có đường kính 2,5 x 2,5m. Tương tự, dự án “Cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 1” đã lắp đặt khoảng 30km cống các loại trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 10, 11.

Còn ở dự án “Nâng cấp đô thị TP.HCM”  lắp đặt khoảng 25 km cống thoát nước trên địa bàn các quận  6, 11, Tân Phú, Tân Bình…

Thế nhưng,  cơn mưa ngày 26-9, nhiều tuyến đường đã lắp đặt cống hộp thoát nước  như đường Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện (Q.Phú Nhuận, Tân Bình), Âu Cơ (Tân Bình, Tân Phú), Thoại Ngọc Hầu, Bàu Cát (Tân Bình), Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận)… đều chìm trong biển nước.

Hàng vạn người dân điêu đứng, hàng vạn xe gắn máy chết máy phải đưa lên vỉa hè nhờ thợ sửa xe. Điều này cho thấy cả ba dự án thoát nước có tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD chưa đạt hiệu quả chống ngập như mong đợi.

 Qui hoạch lỗi thời

Trả lời chúng tôi về việc vì sao  một số  tuyến cống thoát nước trên các tuyến đường TP.HCM thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP  đã không phát hiệu quả trong những cơn mưa mới đây, ông Vương Hải Long - giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM cho biết dự án được thiết kế theo qui hoạch thoát nước của quyết định 752/QĐ/TTg-CP ngày 19-6-2001 của Chính phủ đã phê duyệt cách đây hàng chục năm.

Bởi vì các thông số kỹ thuật về mực nước triều cường và chỉ số về vũ lượng mưa trong quyết định này thấp hơn so với thực tế hiện nay.  

Cụ thể là dự án được thiết kế chịu đựng của hệ thống cống cấp 2 chỉ tiếp nhận lượng mưa là 85 mm- 95 mm, trong khi thực tế cơn mưa ngày 26-9 có vũ lượng lên đến 200mm.

Như vậy, các công thoát nước đã không thể tải nổi lượng nước quá lớn. Do đó hệ thống thoát nước đã được xây dựng tính toán thời gian ngập nước, rút nước theo vũ lượng mưa cũ đã không còn phù hợp với lượng mưa rất lớn trong thời gian qua - ông Long nói.

Dự án được thiết kế chịu đựng của hệ thống cống cấp 2 chỉ tiếp nhận lượng mưa là 85 mm- 95 mm, trong khi thực tế cơn mưa ngày 26-9 có vũ lượng lên đến 200mm. 
Ông Vương Hải Long - giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM

Tương tự, ông Vương Hoàng Thanh nguyên phó giám đốc Ban quản lý đại lộ Đông Tây và nguyên phó giám đốc Ban quản lý đầu tư công trình Nâng cấp đô thị TP HCM thừa nhận các dự án đã được đầu tư theo qui hoạch 752/QĐ /TTg-CP đã lỗi thời. Bởi vì qui hoạch này chỉ tính đỉnh triều cao 1,45m và vũ lượng mưa dưới 100mm trong tần suất 50 năm.

Thế nhưng, trong những năm gần đây đỉnh triều cường đã trên 1,5 m và có lúc hơn 1,6m và vũ lượng mưa có lúc đạt trên 200mm. Như vậy các công trình đã được đầu tư theo qui hoạch cũ đã không lường trước sự biến đổi khí hậu.

Theo ông Thanh, các dự án trên có mục tiêu  thu gom nước thải vừa giải quyết chống ngập nước. Thế nhưng, do dự án thực hiện theo qui hoạch cũ lạc hậu hên không đạt hiệu quả. Vì vậy, cần mở rộng hệ thống cống thoát nước để chịu đựng những trận mưa lớn.

Ngay khi hoàn thành Dự án Vệ sinh môi trường TP vào tháng 8-2012, nhiều người hy vọng trạm bơm nước “khủng” trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) được đầu tư 18 triệu USD sẽ chống ngập nước cho TP.

Bởi vì đây là trạm bơm có qui mô lớn nhất TP  với 12 máy bơm nước có công suất 64.000 m3/giờ vừa thu gom nước thải, nước mưa bơm ra sông Sài Gòn.

Thế nhưng ông Nguyễn Hữu Long Giao - giám đốc trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết đã huy động toàn bộ máy bơm chạy hết công suất vẫn không chống ngập xuể.

Cụ thể ngày 26-9 đã bơm 1,01 triệu m3 nước, ngày 27-9 đã bơm 1,27 triệu m3 nước và ngày 28-9 đã bơm 1,19 triệu m3 nước

Mới đây tại cuộc hội thảo về các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dân, một số chuyên gia, nhà khoa học cho ra qui hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 752/QĐ-TTg-CP ngày 19-6-2001 trong đó đưa ra các chỉ số không còn phù hợp với diễn biến thay đổi khí hậu trong những năm gần đây. 

Ông Lê Thành Công - giám đốc Công ty tư vấn thiết kế DC cho rằng các thông số kỹ thuật trong quyết định 752 đã lạc hậu.

Vì vậy, các dự án xây dựng hệ thống thoát nước dựa trên những thông số kỹ thuật cũ nên các dự án sẽ không đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa nhanh chóng điều chỉnh bổ sung quy hoạch để các dự án tiếp theo không mắc phải sai lầm.

Trong cuộc họp mới đây ngày 28-9, Sở Giao thông vận tải TP thừa nhận hiện nay việc triển khai quy hoạch hồ điều tiết phân tán, quy hoạch chi tiết 5 lưu vực chống ngập nước ở TP.HCM còn chậm và công tác báo cáo số liệu thống kê ngập của các quận huyện chưa đầy đủ.

 

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên