BTS biểu diễn "Permission to Dance" tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2021 - Video: United Nations
Hôm nay (13-6), BTS kỷ niệm 10 năm ra mắt. Nhân kỷ niệm một thập kỷ của nhóm nhạc được coi là "quốc bảo văn hóa" này, Hàn Quốc phủ kín nhiều địa điểm quan trọng nhất tại Seoul bằng sắc tím (màu biểu tượng của BTS) để chào mừng.
Nhóm nhạc từng được Bộ Giáo dục Hàn Quốc công nhận là "bảo vật sống quốc gia" - danh hiệu dành cho những con người nắm giữ tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng, dựa trên Luật Bảo vệ tài sản văn hóa của Hàn Quốc.
Trên trường quốc tế, BTS được truyền thông và giới nghiên cứu đánh giá là thay đổi cách thế giới nhìn về Hàn Quốc.
"Mọi người từng nghĩ chúng tôi là vô vọng"
Vào năm 2013, công ty của BTS, Big Hit Entertainment (sau này trực thuộc HYBE), gần như sắp phá sản khi họ ra mắt nhóm nhạc 7 thành viên này.
Theo Weverse Magazine, họ tập nhảy ở căn phòng nhỏ hẹp và cũ kỹ dưới tầng hầm của trụ sở công ty, với tấm gương mờ và xước.
Suga (BTS) muốn trở lại Việt Nam
Hôm 11-6, livestream sau một đêm diễn solo, rapper Suga nhận câu hỏi từ fan: "Bạn còn nhớ Việt Nam không?". Suga trả lời: "Việt Nam à, đương nhiên mình muốn tới Việt Nam chứ".
Nhóm BTS từng đến Việt Nam vào năm 2015 trong chương trình Gala Vietnam Top Hits cùng các nghệ sĩ K-pop như MAMAMOO, Basick.
Khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2018, trưởng nhóm RM từng nói: "Một số người có thể không tin nhưng hầu hết mọi người từng nghĩ chúng tôi là vô vọng".
RM không quá lời. BTS từng bị hoài nghi, khinh thường và cả căm ghét vì là nhóm nhạc "vô danh" đến từ một công ty giải trí nhỏ.
Trong MV ca khúc We are Bulletproof: the Eternal Song (2022) có hình vẽ các thành viên mặc áo có chữ "For Sale", vì họ từng mặc đồ giảm giá trong những MV và hoạt động ban đầu.
BTS từng bị cắt sóng, bớt thời lượng khi lên truyền hình, bị các MC phớt lờ. Là những rapper tài năng xuất thân từ giới underground nhưng RM, Suga và J-Hope từng bị nhiều rapper khác miệt thị vì cho họ là "rapper thần tượng", bị chế giễu khả năng.
Khi BTS bắt đầu giành những giải thưởng âm nhạc lớn đầu tiên, họ bị fan của các đối thủ căm ghét, hạ bệ vì cho là không xứng đáng.
Nhưng từ studio nhỏ bé của những ngày đầu, giấc mơ âm nhạc của 7 chàng trai không ngừng lớn lên. Phạm vi phủ sóng của âm nhạc BTS ngày một rộng lớn hơn, khán giả từ vài nghìn người trở thành trăm nghìn người. Họ đi từ những khán phòng nhỏ đến các sân vận động lớn nhất thế giới, và các màn biểu diễn của họ ngày một tuyệt vời hơn.
Nhóm nhạc có cái tên "Chống đạn thiếu niên đoàn" (Bangtan Sonyeondan), bởi họ nhận sứ mệnh "chống lại những khuôn mẫu không lành mạnh và kỳ vọng phi thực tế thường nhắm vào giới trẻ như những viên đạn" (theo Time).
Từ năm 2017, họ bổ sung ý nghĩa "Beyond the Scene" cho cái tên BTS, nhằm khuyến khích bản thân họ và giới trẻ luôn hướng đến những hoài bão lớn hơn nữa.
Còn cái tên "chống đạn" vẫn còn đó. Nhóm vẫn giữ vững tinh thần chống lại những khuôn mẫu, định kiến và giúp người trẻ cất lên tiếng nói giữa một thế giới đầy thử thách.
Và suốt 10 năm sự nghiệp, với thông điệp chủ đạo "Love yourself" (Hãy yêu chính mình), BTS vẫn luôn là tiếng nói của thế hệ trẻ, không chỉ ở Hàn Quốc, mà còn từ nhiều quốc gia, dân tộc, sắc tộc, màu da...
BTS thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc
Kể cả khi đã thành công và có vị thế không thể phủ nhận trong giới âm nhạc - giải trí quốc tế, BTS vẫn là đối tượng của sự đố kỵ, hạ thấp.
Năm 2020, khi BTS phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với thông điệp truyền hy vọng cho tất cả mọi người trên thế giới, họ bị ngôi sao truyền hình Anh Anne Hegerty mỉa mai là "nhóm nhạc nam Hàn Quốc nhỏ bé và chẳng có gì là quan trọng". Phát ngôn này lập tức bị chỉ trích vì thiếu hiểu biết.
Năm 2022, khi nhóm gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng, người dẫn chương trình truyền hình Mỹ Tucker Carlson mỉa mai: "Chúng ta có một nhóm nhạc pop Hàn Quốc thảo luận về tội ác thù ghét người châu Á ở Mỹ. OK. Hay lắm!".
Bình luận này hạ thấp vị thế của BTS khi họ không chỉ là "một nhóm nhạc pop Hàn Quốc" mà còn là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời là những người hợp tác với Liên Hiệp Quốc và các quốc gia để có những hoạt động xã hội, hoạt động ngoại giao quốc tế nổi bật suốt những năm qua.
Nhưng, so với những thử thách đầy cay đắng mà BTS đã vượt qua để có 10 năm bên nhau đầy thành tựu, sự hạ thấp này chỉ như hạt cát so với những lời ca ngợi và công nhận của truyền thông thế giới.
Không chỉ là bảo vật sống quốc gia của Hàn Quốc, BTS còn có vị thế không thể thay thế trong bức tranh văn hóa toàn cầu.
Trang Mydaily từng ghi nhận hình ảnh Hàn Quốc trước và sau khi BTS trở nên nổi tiếng, khoảng năm 2015, có sự thay đổi đáng kể trong mắt bạn bè quốc tế. Với khá đông người nước ngoài, đặc biệt là ở phương Tây, khi nhắc đến Hàn Quốc thì từ đầu tiên họ nghĩ đến chính là "BTS".
"Hàn Quốc ư? Đất nước của BTS?" - một số người dân trên đường nói khi được hỏi về Hàn Quốc.
Thứ âm nhạc vượt qua quốc tịch và chủng tộc
Trong bài báo hôm 13-6, Korea Herald nhìn nhận giá trị âm nhạc của BTS thông qua ca từ - một điểm mạnh của nhóm.
Korea Herald dẫn lời Lee Kyung Ja, cựu đại diện của Hiệp hội Nhà văn Hàn Quốc: "Ca từ của BTS truyền tải những cảm xúc phổ quát như nỗi buồn và ước vọng của những con người bình thường, khiến họ đồng cảm và phấn khích vượt ra ngoài quốc tịch và chủng tộc".
Take Two, ca khúc đánh dấu 10 năm mà nhóm dành tặng người hâm mộ, nói về lòng biết ơn với những ai đã sát cánh bên họ trong suốt hành trình dài một thập kỷ, kèm lời hứa tiếp tục cùng nhau tiến về phía trước, cho đến ngày chạm tới bầu trời.
"Khi một người vô tình kể câu chuyện của mình một cách trung thực, họ sẽ rất xúc động. Thông điệp âm nhạc của BTS dựa trên câu chuyện của chính họ, không giống như những gì các ca sĩ K-pop khác vẫn làm, và họ đã chạm đến trái tim của người hâm mộ" - Kim Jin Woo, trưởng nhóm nghiên cứu của Circle Chart, nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận