16/03/2015 20:40 GMT+7

​10 điểm lưu ý trong tuyển sinh quân sự 2015

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Ngày 16-3, Ban Tuyển sinh  quân sự Bộ Quốc phòng đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin chính thức về tuyển sinh quân sự 2015.

Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh- Cục trưởng Cục Nhà trường phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh quân sự năm 2015 - Ảnh: V. Hùng
Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh - Cục trưởng Cục Nhà trường - phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh quân sự năm 2015 - Ảnh: V. Hùng

Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh- Cục trưởng Cục Nhà trường- Bộ Quốc phòng đã chủ trì cuộc gặp mặt này. TTO ghi lại 10 điểm lưu ý giúp thí sinh có cái nhìn toàn cảnh về tuyển sinh vào các trường quân đội.

1. Sơ tuyển ra sao ?

Năm 2015, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào hệ quân sự trường ĐH, CĐ quân đội sẽ phải  làm hai bộ hồ sơ riêng biệt, gồm: hồ sơ  đăng ký sơ tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng in, phát hành thống nhất trong toàn quốc và hồ sơ đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT phát hành.

Trong bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển, ngoài các thủ tục mẫu quy định, thí sinh phải nộp bản photocopy học bạ trung học phổ thông có công chứng hợp lệ đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014 về trước.

Đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2015, học bạ có đủ kết quả học tập của 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) và có xác nhận của Ban Giám hiệu nhà trường -nơi thí sinh đang học lớp 12, ký tên đóng dấu.

Để đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội mua hồ sơ và đăng ký sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện. Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương.

Thí sinh đăng ký sơ tuyển từ ngày 5-3 đến trước ngày 30-4 và  đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia theo quy định của Bộ GD-ĐT trước ngày 30-4.

Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội có thể thực hiện đăng ký sơ tuyển trước hoặc sau khi đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ thực hiện sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn mới được đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia.

2. Hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ quân sự gồm những gì ?

Các trường Quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng, dự Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại cụm thi do các trường đại học chủ trì, các môn thi phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các trường Quân đội mà thí sinh đăng ký.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1: Phiếu đăng ký xét tuyển, Bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1, một phong bì đã dán tem ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh, các giấy tờ liên quan về trường đã sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đã sơ tuyển đúng thời gian quy định.

3. Chỉ xét tuyển thí sinh đã qua sơ tuyển Bộ Quốc phòng quy định mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường quân đội.

Các trường quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào hệ đại học, cao đẳng quân sự những thí sinh đã qua sơ tuyển đủ tiêu chuẩn, dự Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại cụm thi do các trường đại học chủ trì, nộp hồ sơ xét tuyển về đúng trường đăng ký sơ tuyển .

Trường hợp thí sinh không gửi đủ hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 về trường đã nộp hồ sơ sơ tuyển theo đúng thời gian quy định của Bộ GD-ĐT thì sẽ mất quyền xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã sơ tuyển.

Trường hợp thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường không nộp hồ sơ sơ tuyển thì không được xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường đó.

Trường hợp thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào các trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự các trường trong quân đội.

Trong xét tuyển các nguyện vọng bổ sung, các trường ĐH quân sự chỉ tuyển những thí sinh đã qua sơ tuyển vào các trường quân đội, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng (chú ý về tiêu chuẩn sức khỏe các trường khác nhau).

Không trúng tuyển nguyện vọng 1, đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy định của Bộ Quốc phòng, phù hợp với tiêu chuẩn và quy định vào trường xét nguyện vọng bổ sung.

Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.

4. Sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển Căn cứ vào tổng điểm thi của thí sinh, gồm tổng điểm thi 3 môn đăng ký xét tuyển (các trường có quy định môn thi chính, môn thi chính nhân hệ số 2) và điểm ưu tiên, các trường quân đội xét tuyển theo đúng ngành đăng ký của thí sinh; thực hiện xét tuyển từ thí sinh có tổng điểm thi cao nhất trở xuống đến đủ chỉ tiêu.

Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu, nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, thực hiện xét tuyển theo các tiêu chí phụ.

Quy định về tiêu chí phụ trong xét tuyển các trường hợp đặc biệt được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau :

- Tiêu chí 1: Đối với trường có môn thi chính nhân hệ số 2, thì thí sinh có điểm môn thi chính nhân hệ số 2 cao hơn sẽ trúng tuyển.

Đối với Học viện Quân y, nếu xét tuyển tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh học, thì thí sinh có điểm thi môn Sinh học cao hơn sẽ trúng tuyển; nếu xét tuyển theo tổ hợp các môn: Toán, Lý, Hóa thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.

Trường Sĩ quan Phòng hóa xét tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa thì thí sinh có điểm thi môn Hóa cao hơn sẽ trúng tuyển.

Đối với các trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển.

Đối với các trường còn lại có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, Tiếng Anh và Toán, Văn, Sử thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.

- Tiêu chí 2: Sau khi xét tiêu chí 1, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 như nhau, thì xét đến tiêu chí 2, như sau: Thí sinh có tổng cộng điểm tổng kết môn học của 3 môn xét tuyển trong 5 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 của năm học lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) cao hơn sẽ trúng tuyển.

- Tiêu chí 3: Sau khi xét tiêu chí 2, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 và tiêu chí 2 như nhau thì xét đến tiêu chí 3, như sau:

Thí sinh có tổng cộng điểm tổng kết môn học của 3 môn xét tuyển học kỳ 1 năm lớp 12 cao hơn sẽ trúng tuyển;

d) Khi xét đến tiêu chí 3 vẫn chưa đủ chỉ tiêu, thì Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường quyết định tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Đại diện ban Tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng – tư vấn cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội ngày 15-3 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đại diện ban Tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng – tư vấn cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội ngày 15-3 - Ảnh: Nguyễn Khánh

5. Tuyển sinh CĐ quân sự: xét từ nguyện vọng 1 Đây là điểm đổi mới trong tuyển sinh CĐ quân sự 2015. Theo đó, năm 2014, hệ CĐ quân sẽ xét tuyển từ nguồn thí sinh dự thi vào hệ ĐH quân sự khối A các trường quân đội không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Tuy nhiên, năm 2015, Trường Sĩ quan Không quân tuyển 90 chỉ tiêu vào đào tạo cao đẳng quân sự theo cách. Việc xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung vào đào tạo cao đẳng quân sự ngành Kỹ thuật Hàng không được thực hiện như tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ ĐH, được đăng ký ngay từ nguyện vọng 1.

6. Tuyển sinh ĐH, CĐ, và trung cấp dân sự: tương tự trường ngoài quân đội Các trường tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp hệ dân sự, tổ chức xét tuyển từ kết quả Kỳ thi THPT quốc gia theo Quy chế của Bộ GD-ĐT.

Các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, tổng hợp đề xuất điểm tuyển vào trường, báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

7. Tuyển sinh ngành Quân sự cơ sở: tương tự tuyển sinh ĐH, CĐ quân sự Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ngành Quân sự cơ sở: Việc sơ tuyển, đẳng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia và tiếp nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 và các nguyện vọng bổ sung cơ bản thực hiện như tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy.

8. Thống nhất chính sách ưu tiên đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT Năm 2015, Bộ Quốc phòng quy định thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh thực hiện theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Hộ khẩu thường trú phía Nam, học THPT các tỉnh phía Bắc: vẫn xét theo điểm chuẩn phía Bắc Trường hợp thí sinh đang cư trú tại các tỉnh phía Bắc, nhưng đã chuyển hộ khẩu thường trú về các tỉnh phía Nam, có bố mẹ đẻ (bố mẹ nuôi theo đúng quy định của pháp luật về nuôi con nuôi) có hộ khẩu thường trú và đang cư trú tại các tỉnh phía Bắc, bản thân thí sinh học và thi tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) tại các trường thuộc các tỉnh phía Bắc (cả thanh niên ngoài Quân đội và quân nhân đang tại ngũ) sẽ không được đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Những thí sinh này được đăng ký xét tuyển vào các trường còn lại, nhưng sẽ hưởng điểm chuẩn cho thí sinh thuộc các tỉnh phía Bắc.

10. Tỉ lệ tuyển sinh tại Học viện Biên phòng theo vùng tuyển sinh và tại Trường Sĩ quan Không quân theo ngành đào tạo Năm 2015, Học viện Biên phòng tuyển 55% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra), thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế): 04%, Quân khu 5: 11%, Quân khu 7: 14%, Quân khu 9: 16%.

Riêng Trường Sĩ quan Không quân điểm tuyển 85 chỉ tiêu đào tạo đại học, trong đó có 65 chỉ tiêu vào đào tạo phi công quân sự và 20 chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dù với phương thức xét tuyển theo hai miền Nam - Bắc, từ thí sinh có điểm cao nhất đến đủ chỉ tiêu, tuyển đủ ngành phi công quân sự sau đó tuyển đến ngành sĩ quan dù.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên