1,5 tỉ USD giao dịch trong phiên thị trường chứng khoán "đỏ lửa"
Khởi động phiên giao dịch đầu tuần này 11-9, thị trường chứng khoán phủ rợp sắc xanh tăng trưởng, kéo dài toàn bộ buổi sáng. Nhưng đến chiều tình hình bị đảo ngược, lực bán chiếm áp đảo lực mua khiến sắc đỏ bao phủ toàn thị trường, càng về cuối phiên áp lực càng lớn.
Dòng tiền bị nhà đầu tư rút ra, tháo chạy khỏi hàng loạt cổ phiếu lớn như VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank), HPG (Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan), TCB (Techcombank), NVL (Novaland), BID (BIDV), VRE (Vincom Retail), CTG (Vietinbank)...
Dù không thể đảo chiều được xu hướng, nhưng việc một số mã như SAB (Sabeco), OCB, VPB (VPBank), PLX (Petrolimex), PVT (Vận tải Dầu khí), VCI (Chứng khoán Vietcap), LPB (LPBank)... vẫn góp sức kìm hãm phần nào đà giảm của thị trường chung.
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, toàn bộ các ngành đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh rơi vào nhóm hóa chất, ngân hàng, dịch vụ tài chính, tài nguyên, công nghệ, viễn thông, dầu khí, dịch vụ bán lẻ, du lịch - giải trí, ô tô - linh kiện phụ tùng, dịch vụ bán lẻ...
Trải qua giằng co, chỉ số VN-Index chính thức bị sụt giảm 17,85 điểm (-1,44%) lùi về mốc 1.223,63 điểm. Thanh khoản sàn chứng khoán TP.HCM đạt mốc cao, với hơn 32.130 tỉ đồng.
Cả sàn HNX và UPCoM cũng bị giảm lần lượt 4,87 điểm (-1,9%) xuống vùng 251,33 điểm và 1,01 điểm (-1,07%) xuống 93,71 điểm.
Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch mua - bán cổ phiếu trên toàn thị trường đạt hơn 36.040 tỉ đồng, tương đương 1,5 tỉ USD, lọt vào danh sách các phiên có thanh khoản hàng đầu.
Ngược đà mua ròng của phiên trước, hôm nay nhà đầu tư ngoại bán ròng xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.
Ưu tiên bảo vệ thành quả trước đó, tìm cơ hội giải ngân ở nhịp điều chỉnh
Ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích - Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng danh mục ở mức cân bằng, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin).
Đồng thời theo dõi sát thị trường, nếu thấy chỉ số VN-Index điều chỉnh quanh vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm thì có thể tận dụng cơ hội gia tăng tỉ trọng trong danh mục cổ phiếu. Trường hợp chỉ số này tăng lên quanh vùng 1.280 điểm sẽ cân nhắc chốt lời một phần và chờ đợi phiên điều chỉnh để mua lại.
Về chiến lược đầu tư trong tháng này, phía Chứng khoán DSC lưu ý việc thị trường có thể bị áp lực bởi lực cung cổ phiếu đang chực chờ, cùng với biến động tăng - giảm lớn. Vì vậy khi giao dịch cần ưu tiên ở tỉ trọng phòng thủ, bảo vệ thành quả giao dịch trước đó, cũng như tìm cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh.
Đối với tình hình kinh tế, mặc dù khả năng xảy ra thấp nhưng vẫn còn tồn tại rủi ro về việc chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt trở lại. Ở kịch bản cơ sở, phía công ty chứng khoán dự phóng tỉ giá VND/USD sẽ trượt giá từ từ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tuy nhiên ở kịch bản xấu hơn, nếu tỉ giá tăng sốc như giai đoạn cuối năm ngoái, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ để ổn định tỉ giá.
Điểm sáng là việc Chính phủ tích cực giao thương, hợp tác với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, Mỹ... sẽ giúp tình hình xuất khẩu của Việt Nam được hồi phục tốt hơn trong nửa cuối năm nay và năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận