Thành, Lực (quê Hà Nam) làm bốc xếp được hai ngày hết tiền ăn, khi xin ứng tiền lương trước thì bị chửi thậm tệ nên đã bỏ về ngày 7-8 - Ảnh: H.Lộc cắt từ clip |
Sau loạt bài điều tra “Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê” (Tuổi Trẻ từ ngày 14 đến 16-7-2014), cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều nhóm “buôn người” và lập chương trình hỗ trợ người lao động tại các bến xe nhưng tình trạng này vẫn còn.
Trưa 2-8, sau nhiều ngày làm bốc xếp nặng nhọc, đói khát, không lương... trong Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), hai lao động Nguyễn Thanh Tùng (20 tuổi, quê Khánh Hòa) và Nguyễn Tiến Đạt (25 tuổi, quê Cần Thơ) đã đến báo Tuổi Trẻ cầu cứu.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Cả Tùng và Đạt đều rơi vào bẫy bởi lời rao tuyển trên mạng của người đàn ông tên Hoàng: “Công nhân bốc xếp lương 370.000 đồng/ngày, bao cơm ăn hai bữa, phòng trọ”.
Để đi làm bốc xếp, hai lao động này phải đóng tiền thế chân cho một công ty môi giới ở cầu vượt An Sương (Q.12, TP.HCM) 300.000 đồng/người và bị tịch thu điện thoại. Lúc bỏ về, hai anh chỉ đủ tiền mua một chai nước chia nhau uống cầm hơi...
"Em xin ứng tiền ăn để làm tiếp nhưng chủ cai không cho nên phải nhịn đói hơn một ngày nay. Giờ muốn về cũng không có tiền mà về nữa"
Nạn nhân Trần Hoàng Vũ |
Từ thông tin trên, trưa 6-8 chúng tôi liên lạc với ông Hoàng qua điện thoại để tìm việc làm.
Ông Hoàng phán: “Xác định đi làm thì lo thủ tục gồm CMND gốc photo hai bản, hai tấm hình 3x4 làm thẻ ra vô cổng và mang theo 320.000 đồng để lo đồ bảo hộ... Làm việc 14 ngày công ty sẽ hoàn lại số tiền 320.000 đồng, nếu tự túc xe máy đi lại công ty sẽ lo từ 500.000-700.000 đồng tiền xăng. Lương 370.000 đồng/ngày, bao ăn ở”.
Hẹn chúng tôi tại bến xe An Sương, ông Hoàng không ra mặt mà giao một thanh niên quê Thanh Hóa chở chúng tôi về “trụ sở” Công ty TNHH DV-TM vận chuyển hàng hóa Hoàng Tuấn (gọi tắt là Công ty Hoàng Tuấn), sát chân cầu vượt An Sương.
Tại đây, khác với quảng cáo của ông Hoàng, bà Vũ Hương, một nhân viên của công ty, bảo: “Những ngày đầu lương tính theo sản lượng của tổ đội, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu”. Chúng tôi thắc mắc về khoản bao ăn uống, bà Hương nói: “Không bao ăn, chỉ bao ở thôi, chắc em nghe lộn đó”.
Bà Hương hối thúc chúng tôi đóng mỗi người 320.000 đồng tiền thế chân và nói nếu lao động làm việc được 10 ngày công ty sẽ hoàn số tiền này. Thu xong tiền, bà Hương trả lại giấy tờ rồi chỉ dẫn chúng tôi tự đi xe buýt số 33 xuống Khu công nghiệp Sóng Thần gặp ông Đoàn để được bố trí công việc...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhân viên đang làm việc tại Công ty Hoàng Tuấn đều từng làm việc tại Công ty TNHH DV-TM vận chuyển hàng hóa Thuận Phát (gọi tắt là Công ty Thuận Phát, Tuổi Trẻ đã phản ánh trong loạt bài “Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê”).
Hiện Công ty Hoàng Tuấn đặt trụ sở cách trụ sở của Công ty Thuận Phát đã “biến mất” khoảng 100m và không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu, cung ứng lao động. Để lừa người lao động, công ty này đăng tin tuyển lao động rầm rộ trên các trang mạng kèm theo điều kiện hấp dẫn.
Bóc lột
Chiều 6-8, theo chỉ dẫn của bà Vũ Hương, chúng tôi lên xe buýt xuống cầu vượt Sóng Thần (Bình Dương). Đợi khoảng 10 phút, một người tên Kha (40 tuổi, tên gọi khác là Nam, quê Đồng Tháp) chở chúng tôi vào thả tại dãy phòng trọ xập xệ trong Tổng kho Sacombank (Khu công nghiệp Sóng Thần) giao cho ông Đoàn.
Ông Đoàn hỏi giấy giới thiệu rồi nói: “Trả tiền xe ôm đi rồi qua phòng bên nghỉ, mai 7g đi làm”. Bước vào căn phòng rộng khoảng 30m², chúng tôi choáng váng khi có đến trên 50 lao động được gom về từ các tỉnh thành khắp cả nước.
Trong phòng không có quạt nên nóng hầm hập. Buổi tối, lao động được chở về tập trung đứng phía ngoài và ngồi trong nhà lên tới 80-90 người.
Theo điều tra của chúng tôi, điểm tập kết lao động trong Tổng kho Sacombank do một người tên Tý quản lý. Để quản lý nguồn lao động, ông Tý phân ra từng tổ cho đám tay chân gồm các đối tượng Đoàn, Bảo, Sang, Quốc (còn gọi là Não) phụ trách... Mỗi tổ từ 10-20 lao động.
Hầu hết lao động đến đây làm việc đều cho biết họ thông qua các trang mạng rồi liên hệ tới Công ty Hoàng Tuấn nói trên và Công ty Thành Công (quốc lộ 1, Dĩ An, Bình Dương). Tại đây, họ đều bị thu tiền thế chân từ 300.000-320.000 đồng/người, ngoài ra còn bị đòi một số khoản tiền xe ôm, nhà trọ, tạm vắng...
Anh Giang (34 tuổi, quê Trà Vinh) mới vào làm bốc xếp được hai ngày cho biết theo thỏa thuận ban đầu thì người lao động chỉ khuân vác hàng 25kg, nhưng thực tế phải khuân vác tới 50kg.
“Mỗi ngày phải khuân vác gần cả trăm tấn hàng nhưng chỉ được cho ăn buổi trưa. Làm mới hai ngày mà tôi đã thấy kiệt sức” - anh Giang bức xúc.
Tại đây, chúng tôi gặp em Trần Hoàng Vũ (18 tuổi, quê Nam Định). Vũ một thân một mình vào TP.HCM xin việc theo thông tin đăng tuyển trên mạng nhưng vừa đặt chân tới bến xe An Sương, em đã bị đám tay chân của ông Hoàng vét sạch tiền rồi đưa vào làm bốc xếp. Làm việc được một ngày, Vũ kiệt sức...
Lương 120.000 đồng/tuần18g ngày 7-8, sau một tuần làm bốc xếp, nhóm lao động khoảng 20 người đến văn phòng bốc xếp để nhận tiền lương theo hợp đồng. Khi được phát mỗi người 120.000 đồng, cả nhóm lao động như không tin nổi vào mắt mình. Cầm tiền trên tay, một lao động ngơ ngác hồi lâu rồi hoảng hốt hỏi: “Ủa, lương em chỉ được từng này thôi sao?”. Người cai lao động trả lời lạnh lùng: “Ừ, rứa thôi”. Nhóm công nhân ai nấy ứa nước mắt, ngồi bệt xuống giữa sân nhẩm tính: “Làm cả tuần, một ngày bốc hàng trăm tấn hàng mà trả được trăm mấy ngàn thôi sao? Đúng là bóc lột sức lao động, lừa đảo”. Một thanh niên tên Phúc (quê Kiên Giang) cầm xấp tiền lẻ mếu máo: “Em làm bốn ngày mà chỉ nhận được 70.000 đồng. Mỗi lần đi bốc hàng, bọn em phải tự chạy xe máy từ 20-30km, bốc mỗi ngày hơn cả trăm tấn vậy mà giờ họ trả cho em chỉ 17.000 đồng/ngày. Thế này thì không đủ tiền xăng, nói gì đến ăn uống sinh hoạt hả trời”. Cả nhóm lao động vào hỏi sao trả lương họ thấp như vậy thì người cai lao động bảo: “Tao không biết, có khiếu nại gì thì gặp ông Đoàn”... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận