Doanh nhiệp nước ngoài bỏ trốn đã để lại hậu quả khiến người lao động và đối tác phải gánh chịu. Trong ảnh: trụ sở Công ty Bách Hợp chỉ còn lại số tài sản không đáng giá và khoản nợ lương sau khi chủ bỏ trốn - Ảnh: Đình Dân |
Tình trạng trên đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Thế nhưng, câu chuyện pháp lý xử lý sau khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỏ trốn vẫn đầy lúng túng.
Công nhân tiếp tục bơ vơ
Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa, khoảng 100 công nhân đứng bơ vơ giữa nhà xưởng của Công ty may mặc Bách Hợp (đường Kinh Dương Vương, Q.6, TP.HCM).
Ban giám đốc công ty này đã đột ngột biến mất cả tháng trời, chủ nhân của công ty là ông Harald Biebl (quốc tịch Áo) cũng bặt vô âm tín.
“Công ty bỏ trốn để lại khoản nợ lương một tháng của tôi và vợ. Vợ tôi mới sinh được nửa tháng cũng không được hưởng bảo hiểm xã hội hay chế độ thai sản” - anh H, một công nhân, giọng bức xúc.
Không chỉ vợ anh H, mà 19 nữ công nhân khác tại công ty này đang nghỉ sinh cũng không được hưởng các chế độ thai sản và bảo hiểm xã hội do chủ công ty đã bỏ trốn.
Theo Liên đoàn lao động Q.6, chủ Công ty Bách Hợp bỏ trốn để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội 586 triệu đồng và lương tháng 7-2014 của công nhân, khoảng hơn 310 triệu đồng.
Hiện cơ quan chức năng tạm giữ 103 sổ bảo hiểm xã hội của lao động trong công ty này và phong tỏa trụ sở công ty để tìm hướng xử lý cho người lao động. Thế nhưng điều đáng nói tài sản công ty này để lại không còn đáng giá.
Cách đó không xa, tại trụ sở Công ty TNHH Kiên Tường (Q.Bình Tân) chủ đầu tư cũng bỏ trốn khiến hàng trăm công nhân hoảng loạn.
Các công nhân ở đây cho biết họ bị chủ đầu tư nợ hai tháng lương và tiền bảo hiểm xã hội hơn 1,8 tỉ đồng.
Công ty TNHH Kiên Tường do bà Lâm Thị Hạnh làm giám đốc, là người đại diện theo pháp luật, bà Hạnh ủy quyền cho ông Nguyễn Tự Trị (thường gọi là Oliver, quốc tịch Đức) điều hành.
Ngày 7-8, ông Trị thông báo không có đơn hàng nên công ty tạm ngừng hoạt động. Về tiền lương của công nhân, ông Trị thông báo sẽ trả vào ngày 15-8. Thế nhưng ngày 15-8, vợ chồng giám đốc lặn mất tăm.
Cả trăm công nhân chỉ còn biết đứng nhìn cơ quan chức năng Q.Bình Tân niêm phong nhà xưởng của công ty, rồi bỏ ra về.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM năm 2013, trên địa bàn TP có năm chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn.
Tại Đồng Nai, theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, từ đầu năm đến nay 60 dự án FDI ngưng hoạt động với tổng vốn đăng ký là 181,84 triệu USD, trong đó có một dự án “vắng chủ” không liên lạc được.
Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 22 dự án do ngừng hoạt động quá 12 tháng không có lý do, 22 dự án này vắng chủ đã lâu, không liên lạc được.
Luật chưa chặt...
Một lãnh đạo Phòng Lao động - thương binh và xã hội Q.12 cho biết hiện vấn đề xử lý sau khi chủ nước ngoài bỏ trốn rất lúng túng.
“Chúng tôi phải mất rất nhiều thủ tục và thời gian để tiến hành niêm phong tài sản của doanh nghiệp bỏ trốn. Như trên địa bàn chúng tôi còn có cả ngàn mét vuông nhà xưởng của một công ty bị “giam” từ cuối năm 2012 đến giờ chưa được gỡ niêm phong, dù tài sản của doanh nghiệp bỏ lại không mấy giá trị” - vị này cho hay.
Thực tế việc xử lý về mặt pháp lý sau khi doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn đều rất khó khăn, đặc biệt khi thi hành phần dân sự. Ông Nguyễn Văn Lực, cục trưởng Cục Thi hành án TP.HCM, cho biết tỉ lệ thi hành án dân sự liên quan đến người nước ngoài tỉ lệ thành công rất thấp.
“Chúng ta kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nhưng rất nhiều vấn đề pháp lý chưa chặt chẽ nên khi xảy ra việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã gây thiệt thòi cho người lao động, doanh nghiệp làm ăn chung, thậm chí cả Nhà nước khi không thu nổi thuế. Mà một bản án của Việt Nam đưa ra đôi khi chỉ có giá trị ở Việt Nam, nên rất khó thi hành tại nước khác” - ông Lực phân tích.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng tình trạng doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” trong thời điểm này rất phổ biến, xảy ra ở cả doanh nghiệp trong nước chứ không riêng doanh nghiệp nước ngoài.
“Giải pháp tốt nhất hiện nay theo tôi là phải kỹ lưỡng trong khâu đầu vào, khi cấp phép phải đảm bảo có được những doanh nghiệp hoạt động tốt. Mặt khác phải có sự minh bạch để người lao động và những người liên quan có thể nắm bắt được sức khỏe của doanh nghiệp còn để họ bỏ đi rồi thì chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng” - ông Du nói.
Bà Lê Thị Lệ Duyên (chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Q.3): Không dễ dàng... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đến VN làm ăn họ thuê nhà xưởng, thuê công nhân và được nhận mọi ưu đãi của Chính phủ nhưng khi xảy ra tranh chấp họ thường tìm hiểu rất kỹ luật pháp VN nên để thắng kiện được họ là không dễ dàng gì. Và giả sử thắng rồi, khi đương sự yêu cầu thi hành phần dân sự thì chúng tôi không thể thi hành bởi họ không có tài sản, nhà xưởng đi thuê, đồ dùng cũng đi thuê, thậm chí nhiều trường hợp đã bỏ về nước. Nếu đương sự tìm được địa chỉ công ty ở nước ngoài cũng còn phải xem xét xem VN và quốc gia đó có ký hiệp định tương trợ tư pháp hay không, nếu có, chúng tôi làm thủ tục chuyển việc thi hành án sang nước đó, nhưng việc phản hồi lại thì dường như không có. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận