02/10/2016 08:00 GMT+7

TP.HCM triển khai thủ tục nhà đất trực tuyến: Một cửa qua mạng

DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)
DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)

TTO - Người dân chỉ cần một thiết bị nối mạng thì có thể nộp hồ sơ thực hiện 20 thủ tục hành chính tại Q.Bình Tân (TP.HCM).

Người dân tìm hiểu cách nộp hồ sơ qua mạng tại UBND Q.Bình Tân sáng 1-10 -Ảnh: HỮU KHOA
Người dân tìm hiểu cách nộp hồ sơ qua mạng tại UBND Q.Bình Tân sáng 1-10 - Ảnh: HỮU KHOA

“Quá trình giải quyết hồ sơ hành chính không còn là “hộp đen” mà các bước đi đều rõ ràng để người dân và cấp trên dễ giám sát

Ông Lê Văn Thinh (chủ tịch UBND Q.Bình Tân)

Ngày 1-10, Q.Bình Tân đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 với 20 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực xây dựng, thành lập và phát triển doanh nghiệp và lao động tiền lương.

Đây là một trong những quận đầu tiên tại TP.HCM triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3: nhận hồ sơ hành chính qua mạng, giải quyết hồ sơ và phản hồi trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp có thể chọn cách làm hồ sơ qua mạng hoặc nộp trực tiếp tại UBND quận như lâu nay vẫn làm.

Chỉ cần dùng điện thoại

Người làm thủ tục có thể sử dụng máy vi tính hoặc điện thoại di động có nối mạng để nộp hồ sơ qua trang thông tin điện tử của UBND quận hoặc trang thông tin dịch vụ hành chính công của UBND TP.HCM. Nếu hồ sơ cần điều chỉnh, bổ sung sẽ được hệ thống hướng dẫn bằng thư điện tử hoặc tin nhắn đến điện thoại di động.

Kết quả giải quyết hồ sơ cũng được hệ thống thông báo đến người làm thủ tục bằng cách này. Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24 giờ trong 7 ngày của tuần và chỉ đến trụ sở cơ quan hành chính một lần để nhận kết quả hoặc đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện.

Cũng trên những trang thông tin này, người làm thủ tục có thể tự kiểm tra tiến độ xử lý hồ sơ của mình, biết được thủ tục mình yêu cầu đang được phòng ban nào giải quyết, thời gian có đúng như thủ tục được công khai hay không.

Đại diện đơn vị tư vấn (Công ty TNHH một thành viên SOS) lưu ý đối với hồ sơ xin giấy phép xây dựng, trước khi nộp hồ sơ, người dân nên xin cấp chứng chỉ quy hoạch (cũng bằng dịch vụ trực tuyến), chủ nhà yêu cầu đơn vị vẽ bản vẽ cung cấp file bản vẽ cấp giấy phép để nộp qua mạng.

Đối với giấy chủ quyền nhà, giấy chứng minh nhân dân và những hồ sơ khác kèm theo hồ sơ, người dân có thể scan hoặc chỉ đơn giản là dùng máy ảnh, điện thoại chụp lại là có thể gửi làm hồ sơ được.

Sắp tới, UBND Q.Bình Tân sẽ đặt những kiôt có màn hình cảm ứng tại trụ sở số 521 Kinh Dương Vương để người dân làm quen với việc nộp hồ sơ qua mạng, tra cứu thông tin về giải quyết hồ sơ hành chính, có nhân viên hướng dẫn những người chưa biết.

Tại buổi triển khai 20 thủ tục thực hiện trực tuyến cấp độ 3, chủ tịch UBND Q.Bình Tân Lê Văn Thinh chỉ đạo các phòng ban lên kế hoạch, lộ trình để triển khai trực tuyến hơn 270 thủ tục hành chính còn lại của quận. Ông Thinh cũng đặt hàng cho đơn vị tư vấn nâng cấp phần mềm nộp hồ sơ qua mạng để có thể kiểm soát đến từng cán bộ, công chức xử lý hồ sơ (hiện chỉ mới kiểm soát đến phòng, ban, bộ phận).

Qua đó có thể biết được cán bộ nào làm tốt để kịp thời khen thưởng, có đánh giá thi đua, quy hoạch và bổ nhiệm được người tài. Cán bộ nào làm dở sẽ có hướng bồi dưỡng, luân chuyển, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật.

Khỏe cho dân, giảm tải cho cán bộ

Sáng 1-10, bà Huỳnh Thị Thu Hà (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) là một trong những người đầu tiên được cán bộ văn phòng UBND Q.Bình Tân hướng dẫn cách nộp hồ sơ cấp phép xây dựng trực tuyến. Sau hai lần chọn điền thông tin nhầm chỗ, cuối cùng bà Hà cũng thao tác thành thạo trên phần mềm nhận hồ sơ cấp phép xây dựng.

Bà Hà vui vẻ nhận xét: nộp được hồ sơ qua mạng tiện quá, dân không phải đi lại nhiều, xếp hàng chờ đợi lâu mà còn giảm tải cho cán bộ nhận hồ sơ nữa. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người chọn cách nộp hồ sơ qua mạng để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại...

Triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 là một trong những chương trình cải cách thủ tục hành chính mà UBND TP.HCM quyết tâm thực hiện và đã chỉ đạo UBND các quận huyện thực hiện từ nhiều tháng trước. Trong tháng 8-2016, UBND Q.8 cũng đã triển khai thủ tục cấp giấy phép xây dựng qua mạng.

Qua một tháng thực hiện, quận đã nhận được 52 hồ sơ cấp giấy phép xây dựng qua mạng (trong tổng số 273 hồ sơ xin cấp phép xây dựng) và đã giải quyết được 19 hồ sơ. UBND Q.8 cho biết trong tháng 10 sẽ công bố và triển khai tiếp nhận hồ sơ qua mạng 10 loại thủ tục trong các lĩnh vực thành lập và phát triển doanh nghiệp, y tế, hộ tịch và lao động.

Ông Lê Thanh Hùng, một người dân đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng một căn nhà trên đường Bến Phú Định (P.16, Q.8), cho biết ông chỉ mất chừng 10 phút cho việc nộp hồ sơ. Ngay sau khi ông hoàn thành thao tác nộp hồ sơ trên mạng thì nhận được tin nhắn từ hệ thống hướng dẫn chụp lại bản vẽ cấp giấy phép và giấy chủ quyền nhà cho rõ hơn, chụp hai mặt thay vì chụp một mặt...

Làm theo hướng dẫn xong thì có tin báo hồ sơ đã đạt và trả hẹn ông nhận kết quả trong vòng 10 ngày làm việc. “Khoảng đầu tuần tới tôi có giấy phép xây dựng rồi. Quá nhanh, quá tiện so với nộp hồ sơ trực tiếp” - ông Hùng hồ hởi nhận xét.

Ông Nguyễn Trung Thông (nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):

Không thể bắt dân “gánh” giấy tờ chạy đi chạy lại

Giữa thời đại công nghệ thông tin phát triển, rất nhiều người dân dùng điện thoại thông minh, nhà nào cũng có ít nhất một máy vi tính, vài thiết bị nối mạng thì không thể bắt dân “gánh” giấy tờ chạy đi chạy lại làm thủ tục được.

Người dân nộp, cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính qua mạng là cách giải quyết thủ tục hành chính tốt nhất, không chỉ giảm phiền hà cho dân mà còn hạn chế được tiêu cực khi hạn chế tối đa việc cán bộ tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp.

Việc nộp và giải quyết hồ sơ qua mạng còn giúp hệ thống giám sát, kiểm tra hoạt động hiệu quả hơn: người dân có thể giám sát nhà nước, cấp trên giám sát nhân viên, công chức giám sát lẫn nhau và giám sát việc ban hành quyết định của người có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cách làm này còn giúp giảm việc, giảm tải cho công chức.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến:

Năm 2020, 100% các thủ tục đều trực tuyến

Xây dựng đô thị thông minh có hai mục tiêu là phải xây dựng thành công chính quyền đô thị và áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề quản lý, quy hoạch, vấn đề cung cấp dịch vụ tiện ích, nâng cao đời sống người dân.

Ví dụ sử dụng công nghệ để chống ngập, quản lý giao thông, y tế, giáo dục... Sử dụng cách quản lý thủ công như hiện nay vừa kém hiệu quả, kém khả năng dự báo, xử lý tình huống.

Trong năm 2016, các sở ngành ở TP.HCM phải thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho 44 thủ tục. Cấp quận huyện đến phường xã cũng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến với 10 thủ tục.

Hiện nay, qua đánh giá cho thấy các dịch vụ công trực tuyến đã khá quen thuộc với doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, xác nhận lao động, đóng thuế điện tử, hải quan... Tuy nhiên các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến đời sống người dân vẫn còn mới so với nhiều người dân, tỉ lệ người dân sử dụng còn thấp.

Vì thế TP.HCM đang tập trung thực hiện với các thủ tục thuộc lĩnh vực rất nhạy cảm như cấp phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền nhà đất. Hiện đã có các quận như Q.1, 8, Bình Tân làm rất tốt các dịch vụ công trực tuyến cấp phép kinh doanh, cấp giấy chủ quyền, trích lục khai sinh khai tử... thuận lợi cho người dân. Từ những quận huyện làm tốt này, TP.HCM đã triển khai ra 24 quận huyện.

Trong tháng 10, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt dịch vụ công trực tuyến cấp phép xây dựng ở cấp TP. Doanh nghiệp chỉ cần đến một cửa là Sở Xây dựng để nộp hồ sơ, sau đó những sở ngành khác có liên quan như Sở Quy hoạch - kiến trúc, Sở Tài nguyên - môi trường, Phòng cháy chữa cháy... sẽ cùng phối hợp giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp đều thực hiện trực tuyến, không còn tình trạng cầm công văn chạy qua lại, lên xuống giữa sở ngành, quận huyện nữa.

Hiện nay, người dân chưa quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thậm chí chưa quen với điện thoại thông minh, nhà không có máy tính... Để giải quyết, UBND TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện triển khai đặt màn hình, kết nối Internet, bố trí cán bộ hướng dẫn ở những điểm như ấp văn hóa, khu phố, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng... để người dân làm quen với dịch vụ điện tử. Từ đó, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử thì cần phải có công dân điện tử.

ÁI NHÂN ghi

DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên