18/07/2016 11:54 GMT+7

Từ Trường Sa nhìn lên Hoàng Sa

TIẾN SĨ LÊ HỒNG HIỆP 
(viện nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore)
TIẾN SĨ LÊ HỒNG HIỆP 
(viện nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore)

TTO - Phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một cột mốc lịch sử trong tiến trình tranh chấp Biển Đông. 

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Là một trong những bên tranh chấp chính, Việt Nam dự kiến sẽ có tuyên bố riêng về phán quyết ngày 12-7, giúp làm sáng tỏ cách hiểu của Việt Nam đối với phán quyết, đồng thời cung cấp các manh mối về việc Việt Nam có thể sẽ xử lý tranh chấp như thế nào trong tương lai.

Nhìn đến Hoàng Sa

Hai điểm trong phán quyết của tòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ nhất, tòa tuyên bố yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc dựa trên đường chín đoạn là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Thứ hai, tòa xác định không thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa đủ tiêu chuẩn của một hòn đảo theo điều 121 (3) của UNCLOS. Như vậy, các thực thể này tối đa chỉ được hưởng một vùng lãnh hải 12 hải lý mà không được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có thể mở rộng đến 200 hải lý.

Những phán quyết này đã thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Từ giờ trở đi sẽ không còn vùng chồng lấn giữa đường chín đoạn của Trung Quốc với EEZ của Việt Nam, cũng như giữa EEZ giả định của một số thực thể nhất định trong quần đảo Trường Sa và EEZ của Việt Nam tính từ đất liền.

Phán quyết của tòa cũng đặt ra một tiền lệ pháp lý quan trọng giúp Việt Nam xử lý tranh chấp với Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Do các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng tương tự các thực thể ở Trường Sa về quy mô và tính chất, chúng nhiều khả năng cũng không có EEZ.

Ngoài ra, phán quyết của tòa cho rằng quần đảo Trường Sa không thể được hưởng các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất cũng có thể áp dụng được đối với quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc thiết lập xung quanh quần đảo này hồi năm 1996 sẽ không còn giá trị.

Trong các sự cố trên biển giữa hai nước trước đây, trong đó có việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí thuộc EEZ của Việt Nam hồi năm 2012 và triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trong EEZ của Việt Nam hồi năm 2014, Trung Quốc đã biện minh bằng cách viện dẫn tới các quyền của mình trong phạm vi đường chín đoạn hay vùng EEZ giả định của hai quần đảo.

Với hai phán quyết trên, Việt Nam hiện có một cơ sở pháp lý vững chắc để ngăn chặn sự xâm phạm của Trung Quốc vào EEZ của mình trong tương lai.

*** Error ***
Người Philippines mừng rỡ với phán quyết của Tòa trọng tài có lợi cho Philippines. Đây là những người dân từng đi ra bãi cạn Scarborough để khẳng định chủ quyền của thực thể đang bị tranh chấp này - Ảnh: Reuters

Philippines có lợi nhờ đi kiện

Phán quyết có thể tạo ra một số tác động tiêu cực đối với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ví dụ, do tòa tuyên bố rằng không thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa được hưởng EEZ, quyền tiếp cận của ngư dân Việt Nam đối với ngư trường quan trọng này có thể bị giảm xuống đáng kể.

Cụ thể, họ có thể bị ảnh hưởng về quyền đánh cá trong các vùng nước bên trong EEZ của Philippines và ngoài vùng lãnh hải của các thực thể đủ tiêu chuẩn thuộc quần đảo Trường Sa.

Như vậy, phán quyết của tòa vừa tăng cường sức mạnh đàm phán của Việt Nam đối với Trung Quốc, vừa làm suy yếu vị thế thương lượng của ta trước Philippines. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vẫn sẽ ủng hộ phán quyết vì các lợi ích mà phán quyết mang lại nhìn chung vượt xa các thiệt hại có thể có.

Hơn nữa, Việt Nam vẫn có thể đàm phán với Philippines về quyền đánh cá của mình cũng như việc chiếm đóng các thực thể lúc chìm lúc nổi nêu trên.

Dẫu sao, do Việt Nam và Philippines là các “đồng minh trên thực tế” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông nên phán quyết nhiều khả năng sẽ không gây tác động tiêu cực tới quan hệ song phương, ít nhất trong ngắn hạn.

Lá bài mặc cả

Về quan hệ Việt - Trung, các tiền lệ được thiết lập bởi phán quyết của tòa sẽ giúp chúng ta nhiều khả năng giành phần thắng nếu tiến hành một vụ kiện tương tự về quần đảo Hoàng Sa.

Tuy nhiên, Việt Nam không nên khởi động tiến trình này ngay vì làm như vậy sẽ gây ra sự thù địch dữ dội từ phía Trung Quốc và gây bất ổn quan hệ song phương, điều Việt Nam chưa sẵn sàng đối phó.

Thay vào đó, chúng ta nên để mở lựa chọn pháp lý này và sử dụng nó như là một đòn bẩy mặc cả trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc.

TIẾN SĨ LÊ HỒNG HIỆP 
(viện nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên