02/05/2015 10:14 GMT+7

​Kathmandu một tuần sau thảm họa

VIỆT PHƯƠNG (từ Kathmandu)
VIỆT PHƯƠNG (từ Kathmandu)

TT - Bảy ngày sau trận động đất khủng khiếp tàn phá Nepal, thủ đô Kathmandu đang dần lấy lại sức sống thường nhật, trong khi ở các tỉnh việc cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận.

Ông Tara Khadhka bên đống củi hỏa thiêu thi thể con trai Suman tại đền Pasupatinath - Ảnh: Việt Phương

Hôm qua (1-5), đường phố Kathmandu đông đúc hơn hôm trước đó. Rất nhiều hàng quán đã mở cửa trở lại, phố xá đông đúc giữa những đống đổ nát còn chưa được dọn dẹp.

Giới chức ở Kathmandu nói việc cung cấp các món hàng thiết yếu như rau quả, sữa, xăng dầu đã dần trở lại bình thường bất chấp các tin đồn nói thủ đô sẽ thiếu thốn lương thực và nhiên liệu. Chính quyền trấn an người dân không nên lo lắng. Đến hôm qua các dư chấn vẫn còn nhưng nhẹ.

Tại Kathmandu, báo chí địa phương cho hay cảnh sát đã bắt hai người phao tin đồn về một trận động đất lớn nữa sắp xảy ra ở thung lũng Kathmandu gây hoang mang dư luận. Hai người này phao tin đồn trong tình trạng say rượu và không tỉnh táo do hút cần sa.

Quả thật, hôm 30-4 nhà hàng Việt Nam Saigon Phở đã phải đóng cửa sớm lúc 18g30 sau khi nhân viên nhận được tin đồn nói sẽ có một trận động đất mạnh lúc 19g. Tuy nhiên trong đêm 30-4 rạng sáng 1-5 chỉ có hai dư chấn nhẹ.

Tại nhà hàng Phở 99, nơi nhiều người Việt và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi (Ấn Độ) đang trú lại và ngủ bên ngoài mái hiên, sau khi có dư chấn, mọi người bật dậy nhưng lại nằm xuống ngủ tiếp vì dư chấn nhẹ và ngắn. Mặt khác, mọi người cũng đã quen với những dư chấn nhẹ và tin rằng không còn trận nào quá lớn.

Cứu người, không cứu được mình

Tại ngôi đền Pasupatinath ở ngoại vi Kathmandu, nơi người dân Kathmandu thường đến để hỏa thiêu thi thể người thân, cảnh tượng không còn đông đúc như những ngày trước đó. Những ngày đầu mới xảy ra thảm họa, nơi đây quá tải vì có quá nhiều thi thể cần được hỏa thiêu ngay.

Phần tro sau khi hỏa thiêu được rải xuống con sông ngay đó như một tập tục người dân nơi đây vẫn làm. Tại ngôi đền khung cảnh lặng lẽ, không có tiếng than khóc của ai.

Ngồi trầm buồn một góc nhìn ra chỗ hỏa thiêu, ông Tara Bahadur Khadhkakeer (43 tuổi) kể với phóng viên Tuổi Trẻ về con trai cả xấu số của mình. Con trai ông, anh Suman, năm nay 21 tuổi, đã thiệt mạng trong trận động đất vừa qua.

Nhà ông Tara ở Gorkha, khu vực rất gần tâm chấn của trận động đất hôm 24-4. Căn nhà bị phá hủy hoàn toàn. Vợ chồng ông và sáu đứa con vẫn an toàn nhưng Suman thì không.

Suman rời quê nhà ở Gorkha để lên Kathmandu học cử nhân. Hôm động đất xảy ra, Suman đang ở trong nhà trọ cùng hai người bạn nữa. Trong cơn giận dữ của thiên nhiên, Suman nói hai người bạn của mình nhanh chóng chui vào gầm bàn trú.

Bản thân anh chưa kịp tìm chỗ trú đã bị đống đổ nát đè lên và tử vong. Thi thể Suman được đưa vào một bệnh viện. “Nó nghĩ cho sự an toàn của bạn nó trước, còn nó lại chẳng cứu được mình” - ông Tara giọng buồn kể lại với Tuổi Trẻ.

Thế rồi sau trận động đất, ông tìm cách liên lạc với con mình. Điện thoại của Suman vẫn đổ chuông nhưng không ai nhấc máy. Ông quyết lên thủ đô tìm con. Mọi chuyện không đến với ông dễ dàng. Ông tìm khắp các bệnh viện và sáu ngày sau mới tìm được thi thể con.

Ông nói khuôn mặt Suman bị biến dạng hoàn toàn không thể nhận ra. Nhờ vài giấy tờ tùy thân trong người chàng trai, ông mới nhận ra được cậu con trai cả của mình.

Đồ cứu trợ khó vào Nepal

Trong tình hình hiện nay, nhiều khu vực khác ở Nepal vẫn chưa được cứu hộ và cứu trợ, một phần do đường sá bị hư hại và khó tiếp cận như Sindhupalchowk, Nuwakot, Rasuwa. Truyền thông địa phương cho hay chính quyền vẫn chưa liên lạc với những người dân ở vùng bị ảnh hưởng và cũng chưa có thông báo chính thức gì về những vùng như thế này.

Tình cảnh ở những ngôi làng này rất tồi tệ khi nhà cửa bị sập gần hết, người dân thì thiếu lương thực và không có nơi để chữa trị các vết thương sau thảm họa. Với tình trạng đội cứu hộ chưa đến được và nhiều thi thể vẫn chưa được hỏa thiêu, dịch bệnh tại các vùng này là điều đang gây quan ngại.

Trong khi đó, truyền thông địa phương nói nhiều chuyến hàng cứu trợ bị cản lại ở biên giới do hải quan không cho vào. Tại cửa khẩu Birgunj-Raxaul, các nhân viên hải quan đã cản rất nhiều chuyến hàng cứu trợ từ Ấn Độ vào Nepal và yêu cầu phải đóng thuế hải quan.

Có trường hợp lều trại do một tổ chức phi chính phủ quyên góp đã phải quay về lại Ấn Độ sau khi bị từ chối cho vào Nepal. Thay vào đó, số lều này được đem đến giúp đỡ những nạn nhân ở bang Bihar (Ấn Độ), cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất ở Nepal.

Chính quyền địa phương khẳng định hàng hóa quyên góp nhập vào Nepal vẫn phải tuân thủ các quy định.

Giới chức hải quan địa phương tại đây nói theo quy trình Bộ Nội vụ phải gửi yêu cầu cho Bộ Tài chính để xin giấy phép nhập hàng cứu trợ, sau đó Bộ Tài chính đưa yêu cầu xuống Cục Hải quan và lệnh được truyền xuống các quan chức hải quan thì hàng hóa cứu trợ mới thông được mà không cần đóng thuế.

Nhiều người cho rằng các thủ tục này quá cứng nhắc trong tình cảnh cần cứu trợ nạn nhân của động đất. Giới chức hải quan nói họ cũng đành bó tay bởi không thể làm gì khi không có chỉ đạo từ cấp cao hơn.

 

VIỆT PHƯƠNG (từ Kathmandu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên