09/04/2006 05:23 GMT+7

Mẹ, con & cung đàn yêu thương

ĐINH NHA TRANG
ĐINH NHA TRANG

TT - Khúc độc tấu đàn bầu Ru con của chàng nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Tùng đã khiến không khí buổi hòa nhạc chào mừng Hội nghị APEC diễn ra ở khách sạn Melia (Hà Nội) lặng đi vì xúc động.

yUtJUzi3.jpgPhóng to
Cung đàn yêu thương của hai mẹ con bạn Thanh Tùng - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đằng sau những thành công của chàng trai khiếm thị tài hoa ấy có sự hi sinh lặng thầm của người mẹ...

Tùng làm quen với bộ đàn bầu từ năm 6 tuổi. Thuở nhỏ, cậu rất thích nghe các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói VN. “Cảm nhận đầu tiên của mình về đàn bầu là âm thanh của nó rất gần với lời ru của mẹ. Tiếng đàn dìu dặt, trầm bổng, ấm áp như giọng ầu ơ mẹ vẫn ru mình vào giấc ngủ say. Mẹ bảo đó là âm thanh đàn bầu. Lúc đầu nghe thấy hay, rồi thích, cuối cùng là cả một đam mê...” - Tùng tâm sự.

Lần đầu Tùng biểu diễn trước đám đông là lúc 7 tuổi. Người mẹ nhớ lại: “Dõi theo những bước chân ngập ngừng của con bước lên sân khấu, tôi hồi hộp muốn nghẹt thở”. Và trái tim người mẹ như vỡ òa khi nghe xướng tên con trai mình đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi văn nghệ thiếu nhi năm đó.

Trước đó, khi lần đầu làm quen với đàn bầu là thời gian khó khăn nhất của Tùng. Việc nhận biết được vị trí các nốt nhạc trên từng khoảng cách dây đàn là điều không dễ với người khiếm thị. Để chơi chính xác các thanh âm, biết được điểm vang của đàn... Tùng đã phải cố gắng bằng đôi tay, đôi tai và cả đam mê của mình. Khi học ghi âm, Tùng nghe rồi viết bản nhạc ra chữ nổi, sau đó nhờ bạn bè chép lại bằng chữ thường để thầy chấm. Khi học xướng âm, Tùng lại phải nhờ bạn bè đọc bản nhạc cho nghe trước, sau đó mới mò mẫm thực hành...

Cuối năm vừa qua, Tùng có đợt lưu diễn hai tháng tại Pháp, Bỉ, Úc... về nỗi đau chất độc da cam. Từng biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn trong và ngoài nước, Tùng đã đưa tiếng đàn bầu dân tộc mình vượt ra biên giới VN đến với bạn bè quốc tế. “Nghĩ về lời ru của mẹ, sự hi sinh lặng thầm của người, mình có động lực để cố gắng nhiều hơn” - Tùng nói.

Nhiễm chất độc da cam từ bố - người lính từng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm xưa, Tùng bị mù cả hai mắt từ nhỏ. Chị gái Nguyễn Thị Thúy thì vừa bại não, vừa mù, câm, điếc bẩm sinh. 30 năm, người mẹ ấy tận tụy chăm sóc chồng và hai đứa con tật nguyền với tất cả yêu thương. Tình yêu và sự hi sinh của mẹ đã khiến Tùng có thêm nghị lực vượt lên khó khăn để thực hiện ước mơ của mình. Sau năm năm sơ cấp, bốn năm trung cấp và bốn năm ĐH, Tùng tốt nghiệp khoa âm nhạc truyền thống và hiện đang tiếp tục hoàn thành chương trình khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội.

“Cuộc đời có lẽ như một dòng sông, lúc hiền hòa, khi dữ dội. Riêng tình mẹ qua bao thử thách vẫn tròn đầy, viên mãn như vầng trăng. Mình viết bản nhạc Sông trăng dành tặng mẹ - người suốt đời dìu dắt chị em mình vượt qua những nỗi đau” - Tùng nói về tác phẩm Sông trăng viết cho đàn bầu, đàn thập lục và dàn nhạc dân tộc đã giúp anh đoạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng tác nhạc dành cho SV 2005.

Tùng tiễn chúng tôi ra về với bản nhạc Bài ca không quên bằng tiếng đàn bầu. “Có một bài ca không bao giờ quên... Là lời mẹ ru con đêm đêm...”. Khúc đàn bầu nghe da diết, yêu thương như tiếng lòng người con trai khuyết tật dành tặng mẹ.

Vừa qua mẹ Tùng - chị Phạm Thị Đức Hòa - nhận được giải thưởng Kova (giải thưởng từ Nga nhằm tôn vinh những nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp; riêng ở VN, giải thưởng còn dành tặng những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội). Bà bảo: “Tôi cũng như mọi người phụ nữ VN khác thôi, được chăm sóc chồng con là một hạnh phúc”.

ĐINH NHA TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên