28/03/2016 12:24 GMT+7

Chắn lối vào doanh nghiệp: Tranh chấp cũng cần chuẩn mực

SƠN LÂM - ÁI NHÂN - 
VŨ VIẾT TUÂN - A.H. thực hiện
SƠN LÂM - ÁI NHÂN - 
VŨ VIẾT TUÂN - A.H. thực hiện

TTO - Vụ Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức cắt nước, rào chắn lối vào Công ty Tango Candy (100% vốn Nhật Bản) xảy ra trong tuần qua đang là vấn đề nóng, được dư luận rất quan tâm.

Ông Tango Hirosuke cùng các công nhân của mình đứng trước cổng công ty khi bị đổ đất, rào chắn - Ảnh: Nguyễn Hữu
Ông Tango Hirosuke cùng các công nhân của mình đứng trước cổng công ty khi bị đổ đất, rào chắn - Ảnh: Nguyễn Hữu

Chưa bàn về nội dung tranh chấp, nhưng các chuyên gia đều khẳng định việc làm của KCN Tân Đức là thiếu chuẩn mực về mọi mặt.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Long An, đây là việc làm chưa hề có tiền lệ ở tỉnh này. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đều cho rằng kiểu ứng xử của KCN Tân Đức đối với doanh nghiệp Tango Candy không phải là đơn lẻ, trong xã hội ngày càng xuất hiện những biện pháp giải quyết tranh chấp một cách tùy tiện tương tự.

* PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Ứng xử lệch chuẩn

Tôi có chút cảm xúc xấu hổ bởi những hành vi lệch chuẩn xã hội. Xét trên bình diện ứng xử, việc cắt nước, dùng barie, cột điện, bãi đất chắn trước cửa ra vào và lối thoát hiểm của Công ty Tango Candy là kiểu hành vi lệch chuẩn xã hội rất nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy hiện nay đang xuất hiện nhiều kiểu ứng xử rất thiếu văn hóa khi có tranh chấp dân sự như đe dọa tinh thần, ném mắm tôm, tặng quà khủng bố, bêu xấu trên mạng hay “tặng” quan tài, căng băngrôn diễu hành... Đây đều là những kiểu ứng xử lệch chuẩn.

Trở lại vấn đề cụ thể trong vụ tranh chấp giữa Công ty Tango Candy và KCN Tân Đức, tôi cho rằng không chỉ phải dựa trên hành lang pháp lý để giải quyết mà còn cần tuân thủ chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Chưa bàn về việc tại sao dẫn đến tranh chấp, nhưng khi chưa thương lượng thành công, đừng vội có những hành vi ứng xử nặng tính dân dã bản năng.

Mở rộng ra vấn đề, trong tranh chấp có nhiều người ứng xử rất nhỏ nhen, cốt để được hả dạ, tức là đạt được mục tiêu về cảm xúc mà quên chú ý đến việc làm tổn thương người khác, thậm chí là vi phạm pháp luật. Chính việc này đẩy họ đi đến chỗ thiếu tôn trọng bản thân mình, gây thiệt hại lớn không chỉ về vật chất, thương hiệu mà cả về nhân cách...

Tôi nghĩ tranh chấp đã xảy ra, khó có thể tuân thủ tuyệt đối những chuẩn mực ứng xử nhưng hãy lưu ý pháp luật là tôn chỉ rất quan trọng cần được đảm bảo.

Pháp luật với những quy định của nó đủ sức bao quát hành vi của con người cũng như sự ứng xử của mỗi người trong cuộc sống. Trong khi chờ đợi pháp luật xử lý, không nên nôn nóng để xảy ra những hành vi quá tệ hại và lệch chuẩn xã hội. Chúng ta cần hiểu mình, hiểu người và tuân thủ những giá trị làm người, những chuẩn mực sống.

* Ông Nguyễn An Chất (nhà nghiên cứu tâm lý):

Hành vi tự xử ngày càng phổ biến

Việc khủng bố tinh thần khi có tranh chấp hay như việc làm của KCN Tân Đức, tôi gọi đó là những hành vi tự xử. Nghĩa là tự họ xử lý sự việc theo cách của họ, không tuân theo pháp luật. Nếu tự xử một lần chưa đạt được mục đích thì họ lại nghĩ ra cách tự xử khác, đến khi nào đạt được mục đích mới thôi.

Nguyên nhân đầu tiên là do nhiều người dân vẫn mang tư duy nông nghiệp lạc hậu. Tư duy này vẫn còn rất sâu đậm trong xã hội. Có người làm giám đốc nhưng vẫn mang tư tưởng như thế. Đó là tư duy manh mún lạc hậu chứ không phải cách ứng xử của người hiện đại. Họ làm theo cách tùy tiện, bản năng chứ không phải làm theo cách của một con người hiểu biết.

Giả sử cứ sống tùy tiện, tự xử với nhau như vậy thì trật tự xã hội không còn nữa. Cũng cần nói thêm là trật tự xã hội ở ta đang giảm sút, nhiều trường hợp tự xử lại đạt được kết quả theo ý muốn của người tự xử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các hành vi tự xử gia tăng.

Một nguyên nhân nữa là của chính quyền, người quản lý không can thiệp tích cực trong những vụ việc như vậy. Ví như trong vụ việc Long An, khi ông giám đốc công ty Tango Candy trình báo chính quyền thì lẽ ra chính quyền phải yêu cầu đơn vị lập rào chắn, đổ đất lấp lối đi phải tháo dỡ, dọn những cái đó và phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ những thiệt hại của công ty Nhật.

Nếu cứ để những hành vi tự xử tương tự như vậy trở thành phổ biến thì pháp luật ngày càng bị vô hiệu hóa, hành vi tự xử tăng lên thì việc thi hành pháp luật càng bị mờ nhạt đi, người dân ngày càng thiếu tin tưởng vào những người thi hành pháp luật.

Muốn tránh được tình trạng tự xử, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao tri thức của mình về văn hóa, lối sống để có những hành vi ứng xử vừa có tâm và có tầm.

Cơ quan quản lý phải thực thi pháp luật một cách nghiêm chỉnh, nhanh chóng, kịp thời, để cho mọi người thấy nếu có sự việc xảy ra thì sẽ có sự phân xử kịp thời, qua đó người dân sẽ yên tâm rằng chắc chắn họ được pháp luật và những người thực thi pháp luật bảo vệ vô tư, khách quan, đứng về lẽ phải.

Cổng trước của Công ty TNHH Tango Candy bị đổ đất, dựng rào chắn từ ngày 18-3 - Ảnh: Sơn Lâm
Cổng trước của Công ty TNHH Tango Candy bị đổ đất, dựng rào chắn từ ngày 18-3 - Ảnh: Sơn Lâm

Hành xử không chuyên nghiệp

* Ông Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM):

Trong kinh doanh khó tránh việc xảy ra tranh chấp giữa doanh nghiệp với nhau. Ở nước ngoài phát triển rất mạnh việc hòa giải tranh chấp, trong hợp đồng luôn ghi là khi xảy ra tranh chấp thì hai bên tự thương lượng, giải quyết trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau. Chỉ những trường hợp bất khả kháng mới đưa nhau ra tòa.

Trong khi đó, ở nước ta nhiều doanh nghiệp không chỉ thích kéo nhau ra tòa khi xảy ra tranh chấp mà còn có những hành động “khủng bố” đối phương bằng bạo lực. Theo tôi, cách hành xử như vậy không chuyên nghiệp, thậm chí là rất dở, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài.

* Ông Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế):

Người kinh doanh không chỉ tuân thủ đúng pháp luật mà hành xử còn phải có văn hóa. Khi có tranh chấp xảy ra thì biện pháp sử dụng đầu tiên là phải thỏa thuận, đàm phán. Các biện pháp trên không có tác dụng thì có thể kiện tụng để nhờ pháp luật phân xử.

Trong lúc chờ đợi, hai bên nên kiềm chế, tôn trọng pháp luật, tránh hành động quá khích, ăn miếng trả miếng. Cơ quan quản lý cũng cần có tiếng nói, có sự giám sát.

Chính quyền cần can thiệp kịp thời

TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM):

Pháp luật đã có quy định các tranh chấp của cá nhân, tổ chức đều phải giải quyết hợp pháp bằng cơ quan tòa án, trọng tài thương mại.

Cách giải quyết tranh chấp như KCN Tân Đức hoặc những cách khác thường thấy trong xã hội đều vi phạm pháp luật. Tùy mức độ mà người vi phạm có thể phải bồi thường, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về phía chính quyền, tôi cho rằng khi một hoặc cả hai bên tranh chấp đang có hành vi quá khích, có thể xung đột, xô xát, vi phạm pháp luật thì chính quyền địa phương cần phải can thiệp kịp thời.

Trong vụ KCN Tân Đức nói riêng, sự can thiệp của chính quyền là rất cần thiết, bởi nó có ảnh hưởng đến niềm tin, uy tín, quan hệ quốc gia, quan hệ giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.

* TS Nguyễn Thanh Nguyên (nguyên phó chủ tịch phụ trách kinh tế UBND tỉnh Long An):

Thật đáng tiếc khi Tân Đức có những hành xử như thời gian qua, nếu tỉnh táo suy xét thì sẽ tốt cho các bên, nhất là nhà đầu tư hạ tầng. Ta thấy rõ thiệt hại của nhà đầu tư thứ cấp, tức Công ty Tango Candy.

Còn đối với nhà đầu tư hạ tầng, việc này sẽ làm chùn chân các nhà đầu tư thứ cấp có ý định tiếp tục đầu tư vào KCN. Về môi trường đầu tư của tỉnh cũng bị tác động lây lan.

Theo tôi, đây là vụ việc tranh chấp dân sự, trách nhiệm của UBND tỉnh là nên gặp các bên, xem xét sự khác biệt rồi cùng ngồi lại để phân tích thiệt hơn, tìm tiếng nói chung, làm giảm tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

 

* Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):

Hành động của KCN Tân Đức không những làm xấu đi tình hình giữa các bên, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư và còn nhiều khả năng khiến họ phải bồi thường thiệt hại cho công ty Tango Candy.

Nếu vụ việc không được sớm giải quyết, thiệt hại sẽ ngày càng lớn và các doanh nghiệp sẽ e dè, không tiếp tục hoặc không có ý định đầu tư vào Long An.

* Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc):

 

Việc KCN Tân Đức dựng rào chắn, đào cắt ống nước và đổ đá chắn ngang lối vào Tango Candy là hành vi tùy tiện và vi phạm pháp luật, phản cảm đối với các nhà đầu tư.

Tango Candy có quyền yêu cầu tòa án buộc Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức bồi thường về các thiệt hại mà hành vi của Tân Đức gây nên. Dù Tân Đức có dựng rào chắn ở vị trí nào, nhưng căn cứ vào việc cản trở ôtô, xe chữa cháy cũng có thể đủ cơ sở để xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

SƠN LÂM - ÁI NHÂN - 
VŨ VIẾT TUÂN - A.H. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên