26/07/2016 12:54 GMT+7

“Thời oanh liệt” của ông Lê Văn Cuông

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ông Lê Văn Cuông (đại biểu Quốc hội các khóa 11, 12) coi chín năm làm “nghị sĩ” của mình là thời oanh liệt.

*** Error ***
 ​Ông Lê Văn Cuông, thời ở nghị trường - Ảnh: Lê Kiên

Ông từng bị một chủ tịch UBND tỉnh gọi điện mắng: “Tại sao đại biểu tỉnh Thanh Hóa lại chất vấn việc ở Hà Giang?”, rồi bị một hiệu trưởng trường đại học ký văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đòi kỷ luật.

Tôi gặp lại ông Cuông tại dinh cơ vườn đồi ở một góc TP Thanh Hóa. So với khi nhận sổ hưu vào năm năm trước ông dường như không già đi và bầu nhiệt huyết thì vẫn như năm nào.

Không ngại đụng chạm

“Tôi cầm tinh con hổ, tôi không ngại đụng chạm ai và tôi cũng không sợ người nào. Tôi chỉ nghĩ rằng đã được dân bầu làm đại biểu thì phải nói được tiếng nói của dân, ở đâu có bất công thì người đại biểu phải tìm đến để lên tiếng đòi lại công bằng” - ông tâm sự.

Nhắc đến ông Lê Văn Cuông, cử tri và bạn đọc hẳn chưa quên hình ảnh một đại biểu luôn say sưa, máu lửa, gay gắt ở nghị trường. Ông từng đeo bám nhiều kỳ họp để chất vấn Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Nội vụ về nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội, chạy để được khen... Khi Vinashin “sụp đổ”, ông đã cùng với các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để điều tra...

Nhưng kỷ niệm được nhiều người nhớ nhất, bản thân ông Cuông cũng không thể quên, đó là lần ông bị ông Nguyễn Trường Tô - chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - gọi điện “to tiếng”, sau khi ông chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009) về việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang năm lần phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng.

Nhắc lại chuyện này, ông Cuông kể rằng vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI ông đã đến thăm tỉnh Hà Giang, miền đất địa đầu Tổ quốc, tham quan và học hỏi kinh nghiệm làm ăn của đồng bào dân tộc nơi đây để về trao đổi với đồng bào vùng cao của tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, ông được tận mắt và nghe kể về tình trạng “đại công trường” và “nợ như chúa chổm” trong đầu tư xây dựng cơ bản của lãnh đạo tỉnh.

Sau đó, ông đọc báo và biết được câu chuyện cụ thể về một trong số “nạn nhân” của tỉnh Hà Giang, đó là Công ty Sông Lô. “Công ty khiếu nại, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, Thủ tướng đã năm lần có ý kiến, nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Giang phớt lờ. Tôi nghĩ rằng số phận một công ty liên quan đến số phận hàng ngàn công nhân, nên mình cần phải lên tiếng” - ông Cuông nói.

Bất ngờ nhất là sau phiên chất vấn Thủ tướng về tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, ông Cuông nhận được điện thoại từ một số máy lạ, người gọi xưng tên Nguyễn Trường Tô: “Tại sao anh lại đưa chuyện Hà Giang lên Quốc hội, anh là đại biểu Thanh Hóa cơ mà?”.

Ông Tô cũng “dọa” là sẽ đề nghị Tỉnh ủy Thanh Hóa kỷ luật ông Cuông. “Tôi nói rằng tôi chỉ thực hiện trách nhiệm của mình, còn ông ấy cứ làm việc của ông ấy. Ngày hôm sau, ông Tô lại gọi, tôi giải thích là tôi có thẩm quyền và trách nhiệm chất vấn vụ việc này rồi tôi tắt máy” - ông Cuông kể.

Sau này gặp lại ông Vũ Duy Hảo (nguyên giám đốc Công ty Sông Lô) tôi mới biết là ông Hảo chưa từng biết và gặp ông Cuông trước khi ông Cuông chất vấn đòi quyền lợi chính đáng cho công ty, khi báo chí nêu sự việc ông Hảo mới đọc được và “rưng rưng nước mắt”.

Lòng dân là điểm tựa

Một chuyện khác: ông đeo bám nhiều kỳ họp để làm rõ oan sai trong vụ kỷ luật một ông phó hiệu trưởng Trường dự bị đại học Sầm Sơn, cuối cùng chất vấn và đề nghị Thủ tướng thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ.

Hiệu trưởng trường này ra văn bản đề nghị ông xuống trường làm việc, ông cho văn phòng gửi công văn từ chối, sau đó ông hiệu trưởng ký văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kỷ luật đại biểu Cuông.

Đó là vụ việc ông Cuông đeo bám nhiều kỳ họp, chất vấn bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nhiều lần. “Có người hỏi tôi là ông không nản à? Tôi không nản, bởi đây là vụ việc liên quan đến thân phận con người. Một lãnh đạo nhà trường bị oan, bị đì xuống làm bảo vệ, ngày ngày gác cổng. Tôi tìm hiểu sự việc và hứa là sẽ đòi bằng được sự công bằng” - ông nhớ lại.

Khi tôi đặt câu hỏi là ký ức nghị trường của ông đầy ắp những lần va chạm, ông không thấy mệt mỏi sao, thì ông trả lời: “Nghị trường không phải là nơi đến để làm hài lòng nhau. Nhiều người nêu câu hỏi rằng khi phát biểu làm hài lòng dân nhưng mất lòng quan thì chọn phương án nào? Tôi trước sau như một, luôn lấy lòng dân làm điểm tựa”.

Ông nghị Cuông rộng cửa với dân là thế, bởi vì theo quan niệm của ông thì “có nhiều việc dân đến cơ quan hành chính không giải quyết được, có những việc dân oan ức gõ cửa công quyền không mở, cuối cùng người ta mới tìm đến đại biểu Quốc hội, mình làm người đại diện cho dân mà né tránh thì họ biết kêu ai”. Nổi tiếng với những chất vấn thẳng thắn, gai góc, thậm chí là căng thẳng, đeo bám vấn đề không biết mệt mỏi, nên không ít bộ trưởng, trưởng ngành “ngại” ông Cuông.

Vì ngại nên họ tìm cách lấy lòng, để không bị ông Cuông chất vấn hoặc có chất vấn thì cũng được gửi câu hỏi trước. Có lần tôi đang thực hiện cuộc phỏng vấn với ông thì bị gián đoạn bởi cuộc điện thoại của một chánh văn phòng bộ.

Tôi nghe ông Cuông trả lời điện thoại: “Cảm ơn anh. Nếu bộ trưởng của anh có việc công cần gặp tôi, thì xin mời qua văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội của tôi, còn cá nhân tôi không có nhu cầu và cũng không có thời gian gặp bộ trưởng”.

Nhớ thời oanh liệt

Nhớ thời ta được làm quan

Tuy rằng chức bé nhưng gan to đùng

Tính nóng nên dễ nổi khùng

Lại còn quyết liệt truy lùng quan tham

Những chuyến ra Bắc vào Nam

Đến đâu cũng được dân lành quý yêu

Nghị trường tuy nói hơi nhiều

Nhưng là tâm nguyện những điều dân mong

Có hôm chất vấn vừa xong

Phóng viên vây lại vòng trong vòng ngoài

Nói hăng đâu phải giương oai

Mà do bức xúc bên ngoài cử tri

Chông gai trên bước đường đi

Vì dân vì nước quản gì khó khăn

Bao năm vất vả nhọc nhằn

Hết quan ta lại hoàn dân tuổi già

Hoàn dân ta lại về nhà

Nhớ thời oanh liệt xông pha nghị trường

Tháng 10-2013 - Lê Văn Cuông

“Hoàn dân ta lại về nhà”

“Lịch làm dân tuổi già hằng ngày của chú thế nào ạ?” - tôi hỏi. Ông bảo: “Nói vậy thôi chứ có được rảnh rang ngày nào đâu. Lúc thì đọc tài liệu, biên tập sách, ngày vẫn hai, ba lần mở mạng Internet để đọc báo, tìm kiếm thông tin. Sau khi thôi làm đại biểu Quốc hội, anh em lại vận động làm phó Ban tư vấn dân chủ và pháp luật Ủy ban MTTQ VN của tỉnh...”.

Giữa nhà ông Cuông có treo một bức tranh thêu do một số người dân Bắc Ninh đến nhà trao tặng. Bức tranh đó thêu bài thơ của Đỗ Thị Kim Ngân (Hà Nội) viết tặng ông Cuông, có bốn câu cuối: “Quả cảm giữa nghị trường chất vấn/ Đến phân minh sáng rõ đúng sai/ Lòng nhân nghĩa trung quân ái quốc/ Lê Văn Cuông dân nước ghi công”.

Thời ông Cuông còn làm đại biểu, có vô số những tình cảm đẹp được người dân từ mọi miền quê khác nhau gửi đến qua thơ, thư, điện thoại, rồi đến tận nhà. “Vinh dự ấy trong cuộc đời, không huân huy chương nào quý bằng” - ông nói.

Kỳ tới: Ông đại biểu “táo gan” 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên