27/05/2016 12:12 GMT+7

Sống nhờ “cá thần”

YẾN TRINH - QUANG THẾ (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH - QUANG THẾ (yentrinh@tuoitre.com.vn)

TTO - Chừng năm năm nay, dọc bờ bên phải suối cá Cẩm Lương mở ra phiên chợ do chính đồng bào Mường sinh sống quanh suối bày bán.

Phiên chợ hằng ngày bên suối cá thần - Ảnh: Quang Thế
Phiên chợ hằng ngày bên suối cá thần - Ảnh: Quang Thế

 

Không ồn ã ngã giá như những phiên chợ thường tình, khách đến đây chỉ thấy những mặt hàng như rau rừng, ngô nướng, củ quả tự trồng, thảo dược, thổ cẩm, đồ lưu niệm...

Buôn bán thật thà

5g sáng, bờ bên kia suối có mấy phụ nữ cong lưng giặt đồ, bên này các quầy hàng lục tục dọn ra. Mấy bếp ngô nướng, cơm lam phía trước các quầy được nhen lên, mùi ngô chín khiến những vị khách tới sớm dù trong trang phục quần là áo lượt cũng mua lấy một bắp ngô vừa đi vừa gặm.

Vừa quạt ngô nướng, chị Cao Thị Trang (30 tuổi) vừa nói: “Tuy mình chỉ bán ngô, ốc hút, ít rau rừng... nhưng phải buôn bán cho đàng hoàng thì khách mới ghé mua. Nếu tôi nói giá cao hoặc chèo kéo khách thì chưa cần đến ban quản lý chợ nhắc nhở, mấy chị em bán gần đã coi thường mình rồi”.

Theo lời chị, người dân nơi này chất phác, ngay trong buôn bán cũng nghĩ khách là người mang lại cơm ăn áo mặc cho mình nên không được làm mất lòng khách.

Chị Năm Ngọc (41 tuổi) có bốn căn phòng trọ cho khách du lịch, ngoài ra chị còn một cửa hàng bán rượu thuốc, măng rừng, phong lan...

“Chồng mất cách đây mấy năm, bây giờ mình tôi phải lo tiền ăn học cho hai đứa con. Phòng nghỉ thỉnh thoảng mới có khách nhưng mình không bao giờ lấy giá cao. Tôi chỉ mong khách đến rồi còn trở lại” - chị nói.

Mặt trời dần lên cao, khách đến suối cá ngày càng đông. Anh Phạm Hồng Tâm (42 tuổi, khách tham quan) ghé chọn cho gia đình mấy chiếc túi thổ cẩm ở một quầy hàng. Anh nói đến đây được bốn lần, cứ mỗi lần đến anh lại thấy nơi đây đổi mới về bài trí hàng hóa nhưng cách phục vụ vẫn ân cần.

“Đến đây mọi người được thoải mái chụp hình, chọn hàng hóa đem về. Không khí trong lành, yên bình, chưa bao giờ mua đồ mà chúng tôi bị bắt chẹt gì cả” - anh chia sẻ.

Lên đời nhờ suối cá

Nhờ hoạt động du lịch diễn ra thường xuyên, người dân suối cá từ chỗ chỉ biết làm rẫy, cày ruộng, đã tập tành buôn bán và sống được với nghề.

Bà Nguyễn Thị Dinh - cán bộ xã Cẩm Lương - cho biết so với các thôn khác trong xã, thôn Lương Ngọc kinh tế phát triển hơn hẳn, số lượng người dân làm du lịch nhiều hơn làm ruộng.

Trước năm 2005 chưa có cầu treo, khách đến đây rất ít do phải ngồi đò qua sông Mã vất vả. “Cây cầu dựng lên vào tháng 9-2005 đã làm đổi thay bộ mặt của thôn” - bà nói.

Hướng mắt lên ngôi nhà sàn lớn nhất nhì thôn do con trai mới dựng, ông Phạm Văn Hậu (74 tuổi) vui mừng nói: “Ngôi nhà này có được là do con cháu chăm chỉ làm ăn. Nhờ có suối cá thần nên con cháu không phải tha phương như ông cha trước đây”.

Theo ông, đổi thay lớn nhất của người dân nơi này là mấy đứa trẻ được học hành đàng hoàng hơn. “Các cháu học sinh sau khi đi ra ngoài học có thêm kiến thức lại về địa phương để phát triển kinh tế. Chỉ vài năm nhưng các hộ dân đã khá lên, nhà cao tầng kiên cố đếm không xuể” - ông nói.

Tiếp lời ông, bà Thiếp bảo rằng bà có bốn người con, ai cũng kiếm được tiền nhờ bán hàng cho khách du lịch, không còn khổ như thế hệ của bà trước đây phải đi cả ngày đường để đến ruộng trồng ngô, lúa.

Lối vào khu du lịch suối cá Cẩm Lương giờ đã là đường nhựa thẳng tắp. Chính quyền đang cho xây dựng một cây cầu bêtông cốt thép nối từ đường liên huyện vào thôn. Khi nhắc đến điều này, ánh mắt các cụ già ánh lên niềm hi vọng tương lai con cháu mình sẽ sung túc hơn nữa.

Chung tay gìn giữ

Một điều thú vị là người dân ở đây từ già đến trẻ đều nói sẽ làm hết sức mình để giữ vẻ đẹp tự nhiên của suối cá.

5g sáng, anh Phạm Văn Nhất (47 tuổi) cầm chổi và dụng cụ dọn rác đi vào suối cá. Hai năm nay, anh nhận nhiệm vụ bảo vệ hang cá kiêm dọn vệ sinh khu vực này.

Một tay cầm chiếc bao đựng rác, một tay cầm chổi, anh leo qua những bậc đá nhặt từng vỏ chai, vỏ bánh khách bỏ lại trong động Đăng, rồi lại trèo xuống ra khu suối cá quét dọn.

Anh kể công việc dọn rác này cực nhất là vào những ngày giá rét. “Nhiều khi tôi phải lội xuống suối để vớt rác, lúc trèo lên người ướt nhẹp, run lập cập” - anh nói.

Vợ anh, chị Trương Thị Chúc, nếu không bận gì thì sáng sớm cũng thường phụ anh quét dọn suối cá. Chị cho biết dù vất vả nhưng hai vợ chồng đã quen việc. Con gái thứ ba của anh chị cũng thường cầm theo cây chổi phụ cha mẹ quét rác.

Không riêng gì anh Nhất, người dân nơi đây rất ý thức giữ vệ sinh khu vực suối cá. Những hàng quán từ lúc bày ra đến khi dọn về đều không để lại chút rác nào. Những tấm bảng gỗ nhắc nhở khách đừng xả rác và sọt đựng rác được gắn dọc suối cá.

Bà Trần Thị Lan (58 tuổi) cho biết: “Tôi luôn nhắc mấy đứa con rằng mình sống nhờ suối cá thì phải biết giữ gìn suối. Vì vậy, không đứa nhỏ nào xả rác hay làm đục nước. Đời này truyền đời kia vậy rồi”.

Để khách đến suối cá có được nhiều thông tin về suối, chừng hai năm nay ông Phạm Hùng Hậu (50 tuổi, trưởng Ban quản lý khu du lịch suối cá Cẩm Lương) đã tự mình mày mò làm tờ bướm giới thiệu về khu du lịch.

“Tôi tìm gặp các cụ ông ở thôn để hỏi thêm về huyền tích của suối cá, nhờ các cụ góp ý đưa nội dung gì vào tờ bướm. Nhờ có biết chút ít về trình bày thiết kế, tôi mất một tuần để làm tờ bướm trên máy tính” - ông kể.

Tờ bướm cỡ giấy A4, nêu ngắn gọn sự ra đời và những nét đặc sắc của suối cá, kèm theo hình ảnh do chính ông chụp.

Từ khi được giao quản lý khu du lịch, ông Hậu tìm hiểu và nhận thấy nơi này phù hợp với hình thức du lịch dân dã, giữ những nét bản sắc thì sẽ thu hút khách. “Nét đặc biệt nơi này là cách bán hàng mộc mạc, không níu kéo, tranh giành.

Tôi còn thấy người này trông hàng hộ người kia khi có việc. Giá cả hợp lý, nhiều sản phẩm địa phương như rau củ quả, đồ thủ công...” - ông nói. Người dân ở đây luôn sẵn lòng làm “hướng dẫn viên không chuyên” cho khách vì họ đã thuộc suối cá như lòng bàn tay.

Khoảng tháng 4 hằng năm vào mùa nước cạn, ban quản lý suối cá Cẩm Lương lại thuê người đến suối cá sục bùn, nạo vét sình lầy. Vào mùng 8 tháng giêng, để tổng kết một năm lao động sản xuất, cầu cho mưa thuận gió hòa, ban quản lý suối cá phối hợp với người dân địa phương tổ chức lễ hội Khai Hạ.

Những người cao tuổi của thôn sẽ dẫn dắt lễ hội, làm lễ khấn vái, sau đó đến các trò chơi dân gian như chơi đu, ném còn...

Thật hiếm có khu du lịch nào mà tất cả từ người dân đến ban quản lý lại dành nhiều tình cảm cho công việc của mình đến vậy. Nhiều năm đã trôi qua, hi vọng trước sự hấp dẫn của lợi nhuận, nơi này vẫn sẽ giữ được bản sắc và nét hồn hậu vốn có.

200.000 lượt khách/năm

Theo ông Phạm Hùng Hậu - trưởng Ban quản lý khu du lịch suối cá Cẩm Lương, suối cá là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở xứ Thanh, là điểm du lịch thu hút du khách và được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh từ năm 1993.

Suối cá được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2005, trung bình mỗi năm đón hơn 200.000 lượt khách. Tuy nhiên, theo ông Hậu, sản phẩm du lịch nơi suối cá chưa đa dạng, mới dừng lại ở mức khách đến tham quan và tìm hiểu sự kỳ bí, chưa có các chương trình khác.

“Vì vậy, chúng tôi mong muốn sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư để khu du lịch này phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa” - ông Hậu nói.

YẾN TRINH - QUANG THẾ (yentrinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên