07/05/2018 15:30 GMT+7

Tăng tuổi nghỉ hưu vì 'vỡ quỹ' bảo hiểm xã hội là không đúng

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Đó là khẳng định của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội với Tuổi Trẻ sáng 7-5.

Tăng tuổi nghỉ hưu vì vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là không đúng - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội) - Ảnh: UYÊN TRINH

Ông Lợi đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau hội thảo Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội sáng ngày 7-5 tại TP.HCM.

Không bị mất cân đối

"Nói rằng tăng tuổi nghỉ hưu vì vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) là không đúng. Và tôi khẳng định quỹ BHXH của chúng ta hiện nay hoàn toàn không mất cân đối và không bị phá vỡ quỹ.

Những người về hưu từ 1-1-1995 trở về trước được trả tiền lương hưu từ ngân sách nhà nước cấp. Những người tham gia từ 1-1-1995 đến nay về hưu được hưởng lương hưu bằng quỹ bảo hiểm hưu trí do chính họ đóng. 

Nguyên tắc của chúng ta là có đóng có hướng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Điều chỉnh lương hưu khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên để đảm bảo giá trị đồng tiền của người về hưu", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Ông Lợi cũng trao đổi thêm, quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay đang kết dư rất cao và được quản lý thống nhất tập trung ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch hội đồng quản lý quỹ.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói không có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm xã hội - Clip: Uyên Trinh

Và quỹ này được mang đi đầu tư, tăng trưởng để bảo tồn quỹ: cho chính phủ vay mua trái phiếu, đầu tư một số ngân hàng có uy tín để mà kinh doanh tiền có lãi. Mỗi năm quỹ vẫn tạo giá trị tăng thêm là 6,9%.

"Chính sách an sinh xã hội là chính sách đảm bảo làm sao khi hết tuổi lao động, đều có lương hưu, là trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Hiện nay rất nhiều người lao động nhận thức không đúng về vị trí, vai trò, bản chất của BHXH nên đã rút tiền đóng BHXH.

Chính họ thiệt thòi, mỗi năm đóng 2,64 tháng lương nhưng khi rút một lần, mỗi năm tham gia người lao động chỉ hưởng 2 tháng lương.

Đang đóng mà mất việc làm, hoặc không muốn đóng nữa thì có thể chốt sổ bảo hiểm xã hội. quỹ này do nhà nước giữ, vẫn tăng trưởng khi người đó có lao động trở lại. Hoặc không đóng qua quan hệ lao động thì đóng bằng cách tự nguyện đến tuổi về hưu, lương hưu rất có giá trị.

BHXH là của để dành, tiền bảo hiểm xã hội người lao động đóng vào quỹ BHXH là được nhà nước bảo trợ nên người về hưu được nâng lương hưu khi trượt giá. Khi đóng bảo hiểm xã hội không chỉ được lương hưu còn được thẻ bảo hiểm y tế, khi chết có mai tang phí, tử tuất", ông Lợi nói. 

"Không đồng tình việc nâng đồng loạt"

Về việc tăng tuổi hưu, ông Lợi cho rằng, cuộc sống hiện nay được cải thiện nhiều, tuổi thọ bình quân từ khi bình quân bây giờ lên 73,4. Việc Chính phủ Bộ Lao động và Thương binh xã hội tính đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là có cơ sở.

"Còn với nhóm lao động quản lý, công chức, viên chức có lẽ phải nâng tuổi hưu để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tôi nghĩ pháp luật hiện hàng quy định nam 60 nữ 55, khoản 2 cho phép người lao động nặng nhọc suy giảm sức lao động 61% trở lên được giảm thời gian làm việc để nghỉ hưu sớm, thứ ba là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý được kéo dài thời gian công tác, nhưng tối đa không quá 5 năm. Nghĩa là nam  65 và nữ 60 tuổi. 

Chúng ta sử dụng nguyên bản chất Điều 187 Bộ luật lao động 2012, chúng ta không bị thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Mới đưa ra xin ý kiến nhưng chủ yếu phản đối, không nâng tuổi nghỉ hưu, rất ít người ủng hộ.

Tôi không đồng tình đến năm 2021 phải nâng đồng loạt theo cách đó. Theo tôi nên tiếp tục Bộ luật lao động hiện hành theo tinh thần đó. 

Đến 2025 trở ra, chúng ta tính toán nâng theo lộ trình theo từng nhóm. Nhóm nào điều kiện, sức khỏe lao động tốt hơn ta nâng trước, nhóm nào nặng nhọc độc hại đi sau", ông Lợi cho biết.

Nhiều kiến nghị

Hội thảo lần này do Đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức do Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Bùi Sỹ Lợi làm chủ tọa.

Tăng tuổi nghỉ hưu vì vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là không đúng - Ảnh 3.

Hội thảo Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội diễn ra sáng nay 7-5 - Ảnh: UYÊN TRINH

Hội thảo nhằm lắng nghe các ý kiến, làm sáng tỏ một số nội dung trọng tâm như: việc triển khai giám sát về an sinh xã hội với người dân trên địa bàn TP hiện có những vướng mắc gì, những bất cập về công cụ pháp lý hiện hành của cơ quan dân cử với việc thực thi, có chồng chéo, gây khó khăn hay không, hiệu quả, chất lượng của quá trình giám sát.

Hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, của Hội đồng nhân dân TP.HCM trong lĩnh vực an sinh xã hội tại thành phố lần lượt được trình bày tại hội thảo. Hội thảo cũng nhận khá nhiều những kiến nghị của các đại biểu. 

Tăng tuổi nghỉ hưu vì vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là không đúng - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội) trao đổi và kiến nghị tại hội thảo - Ảnh: UYÊN TRINH

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội) kiến nghị Quốc hội nên tự rà soát những điều Luật Quốc hội ban hành để đối chiếu với thực tế và có hướng sửa đổi, không đợi tới khi kiến nghị, yêu cầu sửa đổi và Luật thì phải có chế tài. 

Theo bà Thu, chế tài hiện nay vẫn còn nằm trên giấy, không nằm trong tay của cơ quan thực thi pháp luật.

Tuổi thọ đã tăng, nâng tuổi hưu là hợp lý? Tuổi thọ đã tăng, nâng tuổi hưu là hợp lý?

TTO - Các ý kiến phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu cho rằng chỉ "quan chức" và người lao động bàn giấy mới thích điều này, còn lại là không phù hợp với sức khỏe đại đa số người lao động Việt Nam.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên