25/10/2018 09:19 GMT+7

Tăng nặng hình phạt để nghiêm trị lái xe say xỉn

???
???

TTO - 'Đã uống rượu bia thì không lái xe' - lời cảnh báo ở khắp nơi nhưng nhiều người vẫn xem thường. Đây không phải lời nhắc nhau mà là quy định pháp luật bị xem thường. Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc chia sẻ quan điểm về việc này.

Tăng nặng hình phạt để nghiêm trị lái xe say xỉn - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông kiểm tra một tài xế say rượu điều khiển ôtô trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: TL

Nguyên nhân chính, theo tôi, do các lực lượng chức năng chưa xử lý nghiêm. Mỗi người lái xe cũng chưa muốn thực hành "đã uống rượu bia, không lái xe". 

Cứ sau một vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn, dư luận lại dậy sóng, lên án, yêu cầu xử nghiêm tài xế gây thương vong. Sau đó mọi chuyện chìm lắng, chính những người đã từng lên tiếng mạnh mẽ nhất cũng lại cầm lái sau khi đã uống vài ly.

Quy định đã có. Điều quan trọng nhất là chính chúng ta có muốn thực hiện nghiêm túc hay không? Nếu muốn, việc này không khó tới mức không thể làm được. Cứ kiểm soát thật chặt các "ma men" tại các nhà hàng, quán nhậu là đã có thể giảm được khá nhiều các vụ tai nạn thảm khốc.

Mỗi chiều, đi một vòng quanh các quán nhậu, nhà hàng, xe máy đậu san sát. Tàn các cuộc "dzô dzô, không say không về", những chiếc xe đó được điều khiển như diễn ảo thuật. Người lái xe giữa đường phố trong trạng thái không tỉnh táo. 

Chỉ cần một vài giây sơ sểnh, hậu quả chết người, thậm chí nhiều người. Nếu lực lượng chức năng xử lý nghiêm hơn, dịch vụ đưa người say về nhà chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn. Đường phố sẽ bớt hẳn nguy cơ tai nạn.

Uống bia rượu kết nối các mối quan hệ, cũng là cách mà nhiều người dùng để giải tỏa căng thẳng, buồn phiền và cả để ăn mừng, chia vui với ai đó. Một khi không thể cấm rượu bia, cách duy nhất để hạn chế tai nạn giao thông do người dùng rượu bia gây ra là kiểm soát thật chặt, xử lý thật nghiêm tất cả các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật. 

ĐẠI LÂM (Đắk Lắk)

Chưa quyết liệt xử lý

Sau vụ tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh, nhiều người lại đặt câu hỏi: "Luật pháp ở đâu?". Luật pháp đã có quy định, nhưng thực hiện như thế nào? Ở nhiều nước, người lái xe say rượu sẽ bị phạt nặng. Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên tiếng coi lái xe say rượu như một hành động giết người, phá hủy cuộc sống của người khác. Mức xử phạt đối với tài xế say rượu có thể bị tù giam.

Các nước châu Âu coi việc lái xe khi đã uống rượu là hành vi cố ý gây nguy hiểm cho tính mạng người khác, sẽ bị nghiêm trị. Có người bị tịch thu bằng lái, khi muốn lấy lại phải qua giám định y tế về thần kinh, các bệnh lý liên quan một cách nghiêm ngặt. Thậm chí, có người bị tịch thu giấy phép lái xe nhiều lần thì vĩnh viễn không được cấp lại. Làm như vậy mới đủ sức răn đe tài xế lái xe.

Còn ở Việt Nam, việc xử lý dường như chỉ dừng lại ở việc "thổi - bắt". Mức xử lý chưa nghiêm, việc xử lý không quyết liệt. Không chỉ hành vi lái xe sau khi uống rượu, những hành vi vi phạm khác về giao thông như vượt đèn đỏ, chở quá người, không đội mũ bảo hiểm... chúng ta đều xử lý không đồng bộ, thường xuyên. Điều này khiến người dân "nhờn" pháp luật.

Để chấm dứt tình trạng lái xe sau khi uống rượu, cần sửa đổi luật theo hướng tăng thật nặng hình phạt để nghiêm trị vi phạm. Đồng thời phải triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục việc xử phạt. Có luật mà thỉnh thoảng mới ra quân xử phạt thì chẳng có ý nghĩa gì. Có như vậy mới công bằng cho những người dân tham gia giao thông có ý thức. Mạng sống của người dân cũng không dễ dàng bị cướp đi như những thảm kịch đau lòng vừa qua.

PGS.TS NGUYỄN TUẤN ANH 

(trưởng khoa môi trườngvà an toàn giao thông, Trường ĐH Giao thông vận tải)

Hàn Quốc: tước bằng lái, phạt tù

Hàn Quốc đã tiến hành trưng cầu ý dân về việc thắt chặt quy định đối với người lái xe sau khi đã uống rượu bia. Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc khảo sát 1.000 người về quy định mới cho nồng độ cồn đối với người lái xe.

Theo đó, chỉ một cốc rượu gạo soju truyền thống của Hàn Quốc cũng đã đủ để khiến nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định mới, theo trang tin Korea Herald.

Những người vi phạm sẽ bị phạt đến 3 triệu won (61,9 triệu đồng), tịch thu bằng lái và có thể bị ngồi tù đến 2 năm. Điều khiển phương tiện với nồng độ cồn trong máu từ 0,05-0,1% sẽ bị thu bằng lái 100 ngày.

Người điều khiển phương tiện với nồng độ cồn từ 0,1% trở lên sẽ bị tước bằng lái xe. Đối với người có nồng độ cồn từ 0,36% trở lên sẽ bị bắt giam ngay lập tức. Vi phạm quá ba lần sẽ bị tước bằng bất kể mức độ vi phạm.

Trung bình người vi phạm bị ngồi tù 13-14 tháng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây vẫn là một mức phạt quá nhẹ đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng này.

Hà My

Diễn đàn "Đã uống rượu bia thì không lái xe" do báo Tuổi Trẻ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức với sự đồng hành của HEINEKEN Việt Nam. Diễn đàn tiếp tục nhận bài, ảnh của bạn đọc đến ngày 15-11-2018.

Bài cộng tác xin gửi đến email: phucdien@tuoitre.com.vn. Trân trọng.

???
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên