18/08/2018 15:34 GMT+7

Quyết tâm thu hồi đất vàng 'đắp chiếu'

HỮU KHÁ - LÂM HOÀI - TIẾN LONG
HỮU KHÁ - LÂM HOÀI - TIẾN LONG

TTO - Rất nhiều khu đất vàng ở nhiều đô thị lớn trên cả nước đang bị rơi vào tình cảnh đã giao cho nhà đầu tư nhưng nhiều năm không rục rịch, gây ra lãng phí lớn cho Nhà nước và xã hội. Liệu có giải pháp mạnh nào để giải quyết tình trạng đã kéo dài?

Quyết tâm thu hồi đất vàng đắp chiếu - Ảnh 1.

Hai bờ sông Sài Gòn nhưng khác nhau hoàn toàn, một bên phát triển từng ngày, còn phía Thanh Đa trong diện quy hoạch “treo” vẫn là những mảnh ruộng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dưới đây là cách làm của Đà Nẵng và Hà Nội.

* Đà Nẵng: quy hoạch lại đất vàng của đại gia

Các dự án được UBND TP Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương lập quy hoạch đều nằm ở các vị trí vô cùng đắc địa.

"Đắp chiếu" từ trung tâm ra biển

Ở trung tâm TP, điển hình chậm triển khai là dự án trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian do Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm chủ đầu tư được giao 11.170m2 (số 84 Hùng Vương) từ tháng 5-2008. 

Sau khi được giao đất, chủ đầu tư khởi công dự án và dự kiến đi vào sử dụng năm 2011. Thế nhưng 10 năm trôi qua, dự án vẫn gần như giậm chân tại chỗ.

Tương tự, dự án Da Nang Center của Công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long với diện tích 7.878m2 sau khi khởi công rầm rộ vào năm 2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 nhưng đến nay vẫn "đắp chiếu" nằm chờ sau khi mới thi công được phần móng.

Với dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng có diện tích hơn 5ha, Đà Nẵng đang có chủ trương xin trả tiền để lấy lại khu đất này. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu đề xuất phương án thu hồi dự án. Ông Thơ cho biết chủ trương thu hồi khu đất thuộc dự án là để phục vụ mục đích chung cho cộng đồng.

Cũng giống như các dự án ở trung tâm TP, các khu đất có vị trí đắc địa ở khu vực ven biển được giao đất từ lâu nhưng chủ đầu tư không triển khai. 

Đơn cử đã 8 năm kể từ ngày khởi công, dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (Đà Nẵng) diện tích 17ha nằm ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty cổ phần Hòn Ngọc Á Châu vẫn chưa biết đến khi nào mới hoàn thành.

 Ngoài ra, một số dự án khác như khu đất 3,7ha đối diện đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty TNHH I.V.C do ông Vũ "nhôm" làm chủ; dự án DAP-DAP1-DAP2 có diện tích hàng chục hecta do Công ty TNHH DAP làm chủ đầu tư đang bỏ hoang phế.

Quyết tâm thu hồi đất vàng đắp chiếu - Ảnh 2.

Một phần khu đất của dự án DAP ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn mà UBND TP Đà Nẵng đang tính toán thu hồi để phục vụ công cộng - Ảnh: HỮU KHÁ

Giao đất không kèm dự án, khó thu hồi

Theo một lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, các dự án trên đều có sự vi phạm các quy định và cam kết về triển khai thi công theo nội dung ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Trước đó, để chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư, TP đã gia hạn việc triển khai cho một số dự án và yêu cầu các nhà đầu tư triển khai theo đúng cam kết. Tuy nhiên sau nhiều lần gia hạn, đến nay các dự án vẫn không xây dựng.

Nói về các dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không chịu thi công, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết thời kỳ trước nhiều khu đất khi giao cho nhà đầu tư không kèm dự án theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, bây giờ khi chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, không chịu triển khai dự án, muốn xử lý thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Thơ, để thu hồi các dự án này, TP đang rà soát, làm lại quy trình giao đất theo quy định. Sau đó, buộc chủ đầu tư phải cam kết, nếu quá thời hạn theo quy định của Luật đất đai mà không triển khai dự án sẽ thu hồi.

Riêng với 2 dự án nhà hàng và bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng sông Hàn của Công ty TNHH I.V.C và dự án khu du lịch ven biển có diện tích 15.577m2 của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở TN-MT chỉ đạo thanh tra kiểm tra trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất.

Ông Nguyễn Quang Vinh - phó giám đốc Sở TN-MT - cho biết các dự án của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Theo ông Vinh, khi hoàn thành quy hoạch, các dự án trên sẽ được trình HĐND TP xem xét thông qua việc thu hồi.

Sẽ thu hồi 1-2 dự án ven biển

Ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết liên quan việc rà soát, lập lại quy hoạch các dự án ở khu vực trung tâm và ven biển, Thành ủy đã ban hành kết luận 331. Việc triển khai rà soát đang được tiến hành khẩn trương.

"Các vấn đề quy hoạch lại dự án là rất quan trọng và chúng tôi thấy đây là việc phải làm. Với các dự án ven biển, chúng ta sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành, trong đó có quá trình giao đất cho dự án. Thành phố sẽ thu hồi từ 1 đến 2 dự án ven biển để làm công trình công cộng" - ông Nghĩa nói.

ts-pham-duy-nghia

PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA (Đại học Fulbright Việt Nam)

Lãnh đạo cần vượt qua thách thức

Không loại trừ việc thu hồi sẽ phơi bày những sai phạm trong quy trình lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thu hồi, giao đất, cho thuê đất của những người tiền nhiệm. Muốn thu hồi hiệu quả các dự án chậm trễ để nguồn lực đất đai không bị lãng phí, cần quyết tâm chính trị và lãnh đạo dám vượt qua tất cả thách thức, cản trở.

Nếu quyết định của nhiệm kỳ trước sai, hoặc chọn nhầm nhà đầu tư, nếu đất đai bỏ không, doanh nghiệp không được lợi, chính quyền cũng không thu được gì. Chính quyền phải chấp nhận bồi thường cho doanh nghiệp để lấy lại đất. Tùy tình huống người ta có thể thương lượng bồi thường với nhà đầu tư để thu hồi đất.

Nếu đất bị thu hồi, đội ngũ tư vấn pháp lý của nhà đầu tư sẽ tìm các khe hở buộc chính quyền phải bồi thường. Dự báo sẽ có những "cuộc chiến" pháp lý. Để chính quyền không bị thua thiệt, các khía cạnh pháp lý của hợp đồng cho thuê đất cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Doanh nghiệp có những luật sư tư vấn rất sành sỏi. Muốn hạn chế rủi ro, chính quyền cũng cần nâng cao năng lực trong việc quản trị rủi ro, phân chia lỗi, soạn thảo hợp đồng thế nào tránh bất lợi.

* Hà Nội: sẽ "xử" tùy theo từng dự án

Quyết tâm thu hồi đất vàng đắp chiếu - Ảnh 6.

Công ty cổ phần đầu tư dự án phát triển đô thị UDPI có dự án 1.166m2 tại số 11 Láng Hạ, P.Thành Công, Q.Ba Đình bị thu hồi - Ảnh: NAM TRẦN

Theo Sở TN-MT Hà Nội, qua thanh tra, kiểm tra 215 dự án, hiện nay trên toàn TP có 151 dự án chậm tiến độ chưa khắc phục xong. Trong số này có 21 dự án đã kiến nghị thu hồi đất và xử lý phạt. Có tới 47 dự án chậm tiến độ đến 24 tháng so với phê duyệt. TP chuẩn bị công khai cụ thể các dự án này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Dũng, chánh thanh tra Sở TN-MT Hà Nội, cho hay thanh tra sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra đi thực tế ngay dự án ở các quận, huyện. "Tới đây chúng tôi sẽ có báo cáo tổng hợp trình TP với từng dự án cụ thể. 

Quan điểm là với những dự án mà chủ đầu tư không có khả năng triển khai tiếp hoặc cố tình chây ì kéo dài, năng lực tài chính không đảm bảo... sẽ đề xuất thu hồi. Còn với những dự án đã khắc phục những điểm trong kết luận thanh tra thì tiếp tục tháo gỡ, kiến nghị cho tiếp tục triển khai" - ông Dũng thông tin.

Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng một số dự án chậm triển khai nhưng chủ đầu tư đã bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, việc thu hồi khó khăn hơn vì gặp phản ứng của chủ đầu tư. 

Với những dự án này phải tiến hành thận trọng vì muốn thu hồi phải bỏ ngân sách để bồi thường tiền giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp, ngoài ra còn liên quan tới công ăn việc làm của nhiều người lao động.

Riêng với dự án đã được gia hạn nhưng vẫn chưa triển khai, sở kiên quyết thu hồi. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng khai thác bể bơi (quận Tây Hồ) đã được gia hạn 24 tháng, tính từ tháng 7-2014, đến nay đã 48 tháng trôi qua nhưng vẫn chưa thực hiện, sở sẽ xử lý nghiêm. 

Ngoài ra, sở cũng rà soát với những dự án chậm, kéo dài, nếu chưa được Nhà nước giao đất sẽ thu hồi giấy chứng nhận. Trong số này đơn cử như dự án xây dựng Trường dân lập Trần Quang Khải (huyện Thanh Trì), Trung tâm bồi dưỡng - đào tạo giao thông Hà Tây (quận Hà Đông)...

Với những dự án do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới việc triển khai, các cơ quan chức năng của TP sẽ cùng doanh nghiệp tháo gỡ để tiếp tục triển khai. 

Trong số này, có dự án khu đô thị Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) là một trong ba dự án được giao cho doanh nghiệp đối ứng, hiện hai khu doanh nghiệp đã hoàn thành, khu thứ ba chủ đầu tư gặp khó khăn. TP đã tính toán phương án cho phép doanh nghiệp ứng vốn đối ứng để tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Với một số dự án trên đất vàng kéo dài chưa triển khai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết đến nay TP đều đã đôn đốc, chủ đầu tư có cam kết cụ thể về tiến độ. 

Cụ thể, với dự án 94 Lò Đúc, chủ đầu tư đã chấp thuận điều chỉnh việc xây dựng hai trường học trong dự án. Với dự án tại 22-24 Hàng Bài, TP đã đồng ý chủ trương cho chủ đầu tư chuyển đổi chức năng từ căn hộ cao cấp sang khách sạn...

Không giao đất mới cho chủ đầu tư vi phạm

Theo Sở TN-MT Hà Nội, với những chủ đầu tư vi phạm, các thông tin đã được sở công khai trên cổng thông tin điện tử của sở và Bộ TN-MT sẽ là căn cứ để xem xét việc chấp thuận giao đất cho các dự án kế tiếp của doanh nghiệp. Nếu các đơn vị có vi phạm chậm khắc phục kéo dài hoặc chưa khắc phục, dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.

HỮU KHÁ - LÂM HOÀI - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên