04/10/2016 11:34 GMT+7

Nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp” vì chạy theo thành tích

THÙY TRANG - TIẾN TRÌNH
THÙY TRANG - TIẾN TRÌNH

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết ông đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh này xác minh, xử lý trước thông tin một học sinh học lớp 6 ở TP Sóc Trăng “bị đưa xuống lớp 1 do chưa biết đọc, biết viết”.

Em L.S.V. học sinh lớp 6 khó khăn khi được yêu cầu viết tên mình. Đến khi yêu cầu viết tên mẹ thì em lắc đầu - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-10, ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết chỉ đạo xử lý trách nhiệm nếu phát hiện bệnh thành tích dẫn đến đánh giá không đúng kết quả học tập của học sinh.

Học lớp 6 vẫn chưa biết đọc, viết?

Sự việc gây lùm xùm dư luận tại Sóc Trăng trong những ngày qua, khi vụ việc cháu L.S.V., học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (TP Sóc Trăng), bị phát hiện không thể đọc, viết lưu loát. Em V. bị đưa trở lại Trường tiểu học Lý Đạo Thành gần đó, nơi em học bậc tiểu học.

Tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ, chị Tô Thị Huỳnh Giao (29 tuổi, khóm 5, phường 8, TP Sóc Trăng) cho biết vô cùng lo lắng do không biết “số phận” của con mình sẽ ra sao.

Chị Giao kể con mình bị “đẩy” xuống lớp 1, rồi lớp 2… Gia đình chị “chưng hửng” vì tuy biết học lực của con mình không thể theo kịp trình độ lớp 6. 

Chị Giao cho biết gia đình chị có hai con. Chồng chị làm thợ hồ. Chị làm công nhân ở nhà máy chế biến hải sản. Năm rồi thấy con học sa sút, chị đã nghỉ làm để ở nhà chăm sóc, đưa đón con đi học.

Tại sổ liên lạc lớp 5 của V. thể hiện điểm các môn của em đều đủ để lên lớp. Cụ thể: tiếng Việt 5 điểm, toán 6 điểm, tự nhiên xã hội 6 điểm, môn học mà V. có điểm cao nhất là tiếng Anh, 7 điểm...

Nhưng khi mang sách tiếng Anh ra V. không biết đọc một chữ nào. Ngay cả các từ xưng hô đơn giản như “tôi”, “bạn” nói tiếng Anh thế nào V. cũng lắc đầu.

Chúng tôi bảo V. viết  tên mình thì em chỉ viết được vài chữ nguệch ngoạc. Làm toán hai chữ số V. ngồi rất lâu cũng không làm được, thậm chí bảng cửu chương 2, 3, V. cũng không thuộc. 

Ông Lê Triều Quốc, hiệu trưởng Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, cho biết khi nghe giáo viên báo có trường hợp học lớp 6 nhưng đọc, viết khó khăn, nhà trường đã mời gia đình đến trao đổi vụ việc, gia đình đã làm đơn xin cho cháu nghỉ học một năm để bồi dưỡng thêm. Năm sau sẽ cho cháu vào học lớp 6.

“Từ lớp 6 mà đưa cháu xuống học lớp 5 là đã không ổn rồi. Còn nếu đưa xuống lớp 1 là rất thiếu cơ sở”, ông Quốc nói. Khi hỏi nhà trường đã kiểm tra đánh giá khả năng của V. phù hợp học lớp mấy, ông Quốc thừa nhận rất khó xác định được vì tâm lý “không bình thường”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lý Ro Tha, phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết đích thân ông đã đến Trường tiểu học Lý Đạo Thành để kiểm tra vụ việc. Hiệu trưởng nhà trường báo rằng do giáo viên báo lên kết quả học tập của học sinh thì tin tưởng, không kiểm tra.

Nhiều trường hợp “ngồi nhầm lớp”

Không chỉ ở TP Sóc Trăng mới xảy ra tình trạng trên, tại Trường tiểu học Lịch Hội Thượng A, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Trước đó, đầu năm học chị Huỳnh Thị Phụng, Huỳnh Na Li đã đến trường này phản ảnh việc các con mình không biết đọc, biết viết nhưng vẫn được lên lớp 2 thì được trường nói sẽ xem xét lại. Chờ mãi không nghe trường trả lời trong khi các cháu vẫn đến trường bình thường.

“Lúc đó tôi mới lên phòng nhờ xem xét, trường mới tổ chức kiểm tra lại và đồng ý cho con tôi học lại lớp 1”, chị Li nói.

Bà Dương Thị Hương, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề, cũng thừa nhận tại Trường tiểu học Lịch Hội Thượng A, xã Lịch Hội Thượng sau khi rà soát lại thì phát hiện có bốn em đọc viết không rành khi đã lên lớp 2, lớp 3.

Bà Hương cũng thừa nhận thiếu sót là để sự việc do phụ huynh phản ảnh, thầy cô không theo sát học sinh. 

Bà Hương nói thêm do ở đây là địa bàn đặc thù, con em bà con người dân tộc Khmer rất nhiều, một năm có vài ba tháng đi làm ăn xa họ phải mang con theo, nhiều học sinh không thể đến trường đầy đủ cho nên vận động các cháu vào lớp đã là một vấn đề.

“Chúng tôi vừa có chỉ đạo rà soát toàn huyện, kiểm tra năng lực thực chất của học sinh từng lớp, rồi sẽ tăng giờ, tăng tiết bồi dưỡng cho những em yếu kém”, bà Hương nói.

Ông Ngô Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết khi hay vụ việc, ông đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT Sóc Trăng tổng rà soát kiểm tra thực trạng dạy và học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục. Thực hiện tốt việc đánh giá đúng trình độ của học sinh, không để tình trạng “ngồi nhầm lớp”.

Ông Lý Ro Tha cho biết chiều 3-10, Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã triển khai cho các phòng GD-ĐT kiểm tra, ra soát lại trình độ học vấn của học sinh trên toàn tỉnh. Ngoài ra, Sở GD&ĐT sẽ trực tiếp kiểm tra bất ngờ để kịp thời phát hiện tình trạng “bệnh thành tích”.   

THÙY TRANG - TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên