12/11/2018 11:38 GMT+7

'Người Thái bia rượu thoải mái nhưng không lầy như nhiều người Việt'

Đ.LONG ghi
Đ.LONG ghi

TTO - Từng làm việc tại Thái Lan cho một trường đại học, thạc sĩ NGUYỄN THỊ TRANG chia sẻ góc nhìn về "văn hóa rượu bia" ở đất nước rất gần Việt Nam này.

Người Thái bia rượu thoải mái nhưng không lầy như nhiều người Việt - Ảnh 1.

Một khu chợ bán đồ ăn uống ở Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần - Ảnh: ANH QUANG

* Chào thạc sĩ (Ths) Trang, làm việc và sống ở Thái Lan trong thời gian không phải quá dài nhưng chắc cũng đủ để chị tìm hiểu về văn hóa đất nước này, trong đó có việc sử dụng bia rượu? Vậy chị thấy người Thái có nhậu nhiều không? 

- Ths Nguyễn Thị Trang: Người Thái có uống bia, rượu nhưng không có thói quen nhậu như người Việt. Đàn ông Việt có quan điểm "nam vô tửu như kỳ vô phong", nhưng điều này không có trong văn hóa Thái Lan. Nếu bạn không uống được rượu, bia - người khác sẽ tôn trọng chứ không dè bỉu bạn.

Chúng ta có thể thấy ở Việt Nam, chiều chiều các quán nhậu rất rộn ràng với lượng thực khách đông đảo. Nhưng nếu đến Thái Lan, chúng ta sẽ không thấy hình ảnh này. Người Thái khi rủ nhau uống bia, rượu thường họ không có thói quen ép nhau uống để thể hiện sự tôn trọng bạn nhậu. Hơn nữa tôi thấy đa phần người Thái khi uống vào thì không "lầy lội" như ở Việt Nam.

* Ở ta, việc nhậu nhẹt gần như ngành nghề nào cũng có, thậm chí sinh viên trong nhiều buổi tiệc cũng sử dụng bia rượu… Theo chị, điều đó có đúng không khi những người trong cuộc luôn lấy lý do phải nhậu để tăng niềm vui, qua đó kết giao và thuận lợi trong công việc?

anh 1 ths trang

Ths Nguyễn Thị Trang - Ảnh: NVCC

- Nhiều người đàn ông Việt Nam đã giải thích với tôi rằng nếu không uống bia rượu vào, không thoải mái, không xả láng thì không thể nói chuyện. Tôi nghĩ rằng nhậu để kết giao và thuận lợi trong công việc chỉ là một cái cớ mà thôi.

Theo tôi, lý do chính dẫn đến việc này là vì văn hóa của người Việt là văn hóa ít chia sẻ.

Điều này dẫn đến việc chúng ta bị bó buộc trong khi nhu cầu chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân là chuyện hiển nhiên. Vì vậy, đàn ông Việt Nam có thói quen "rượu vào" thì "lời ra" mới được.

Còn riêng việc sinh viên có sử dụng bia rượu trong các buổi tiệc thì tôi nghĩ rằng nếu họ kiểm soát được, không uống quá nhiều và không gây ảnh hưởng đến việc học tập cũng như không gây ra tai nạn cho người khác thì không thành vấn đề. Vì họ đã trên 18 tuổi và hoàn toàn có đủ khả năng chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước xã hội và pháp luật.

* Thế ở Thái Lan, người dân và các công chức, sinh viên sống theo phong cách nào?

- Tôi thấy người dân và công chức Thái Lan không có thói quen nhậu sau giờ làm việc. Họ thường uống vào cuối tuần hoặc vào các dịp lễ hội. Trong các dịp lễ hội, người Thái uống rượu bia rất thoải mái nhưng họ không "lầy lội" như ở Việt Nam.

Có rất nhiều người Thái tôi biết họ rất kiêng cữ uống bia rượu vì đây là 1 trong 5 điều cấm kỵ của Phật tử. Và đối với họ, việc lựa chọn uống hay không uống là sở thích và vì phép lịch sự sẽ không ai chê bai hoặc dè bỉu sở thích của người khác.

* Việt Nam là nước có số vụ tai nạn giao thông khá cao, số người tử vong cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn này không phải là ít, và nguyên nhân của các vụ như vậy đa phần do say xỉn khi lái xe. Là người làm công tác giáo dục, theo chị, thói quen "không lái xe khi đã có bia rượu" cần phải được quán triệt từ đâu, khi việc bất chấp, sĩ diện sau chầu nhậu dường như khó bỏ và khó cản đối với các bạn nhậu?

- Theo tôi, câu khẩu hiệu "không lái xe khi đã có bia rượu" cần được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi trên tivi, báo đài, và những nơi công cộng mà dân chúng có thể thấy được thường xuyên. Đối với tôi, việc quan trọng nhất là chúng ta cần quan tâm đến công tác giáo dục nhiều hơn nữa. 

Người sử dụng đồ uống có cồn cần nhận thức được việc làm của mình sẽ gây hệ lụy gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Khi con người có tình thương, có ý thức tôn trọng cộng đồng thì khi ấy tôi cho rằng việc sĩ diện vì bia rượu sẽ không còn xảy ra nữa và số vụ tai nạn giao thông do bia rượu sẽ giảm đi đáng kể.

* Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!

Nhậu có trách nhiệm...

TS Nguyễn Quang Dũng đang công tác tại TP.HCM, từng có 3 năm sống ở Thái Lan để học thạc sĩ, tìm tài liệu làm nghiên cứu sinh về sinh thái - chính trị của vương quốc này, chia sẻ:

anh 2 ts nguyen quang dung

TS Nguyễn Quang Dũng - Ảnh: NVCC

Tôi thấy người Thái cũng có nhậu nhẹt và thậm chí nhậu cũng khá nhiều, nhất là vào những dịp lễ tết, hay ngày vui của họ.

Tuy nhiên, việc nhậu của họ không phải bất chấp như ở Việt Nam, ngoài nhậu thì họ còn trọng việc ăn trong khi nhậu, có lẽ vì họ ý thức được sức khỏe. Ở ta thì nhiều ông, thậm chí bà, khi nhậu chỉ cần cóc, ổi, xoài hoặc… "nhậu chay" (không có ăn gì cả) cũng được nên việc tàn phá sức khỏe do nhậu là rất cao.

Về việc nhậu và tham gia giao thông, tôi thấy người Thái có lẽ có nguyên tắc hơn mình: họ tham gia giao thông công cộng chứ ít có chuyện say xỉn rồi lái xe về nhà như ở mình.

Tất nhiên, cũng có nhiều tin tức đăng tải cho biết có những vụ tai nạn liên quan tới lái xe trong tình trạng say xỉn ở đất nước này.

Bản thân tôi cũng thích nhậu nhưng luôn chừng mực và nhậu có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với bản thân: nhậu vừa sức, không để ai ép, nếu lỡ say thì nhất quyết không lái xe. Và đó cũng là trách nhiệm với xã hội.

Nếu mỗi người hiểu được rằng hành vi mình gây ra có thể tổn hại đến bản thân và người khác thì nhất quyết không mạo hiểm thực hiện, trong đó có việc lái xe khi không tỉnh táo. Đây là ý thức cá nhân - phải được hình thành từ trong mỗi người, do mỗi người kiểm soát.

Riêng việc quản lý xã hội, tôi nghĩ tăng tiền phạt trong những trường hợp say xỉn mà lái xe có thể là giải pháp khiến người nhậu… suy nghĩ lại. Nếu phạt trước đây mấy trăm nghìn đồng thì nay mấy triệu cho lần vi phạm. Đánh vào túi tiền như thế, những "đệ tử Lưu Linh" hẳn sẽ không còn tiếc tiền thuê taxi, xe ôm về nhà mỗi khi uống say bí tỉ nữa!

Đã uống rượu bia thì không lái xe

Diễn đàn "Đã uống rượu bia thì không lái xe" do báo Tuổi Trẻ và Ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức với sự đồng hành của Heineken Việt Nam khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 23-10-2018 đến 15-11-2018.

Tuổi Trẻ trân trọng kính mời bạn đọc chia sẻ ý kiến, câu chuyện, hình ảnh liên quan đến thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Có thể là câu chuyện của bạn - người trong cuộc, những câu chuyện nghề lái xe và những tai nạn liên quan đến bia rượu. Có thể là câu chuyện đầy tâm trạng âu lo về giao thông khi bạn chờ người thân tiệc tùng quá khuya chưa về... Và những đề xuất của bạn về việc "uống có trách nhiệm" để an toàn về nhà cùng những đề xuất kéo giảm tai nạn giao thông do rượu bia.

Tin, bài diễn đàn sẽ đăng tải trên Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Tuổi Trẻ.

Bài, ảnh cộng tác xin gửi đến email phucdien@tuoitre.com.vn, hoặc trang GÓC NHÌN BẠN ĐỌC, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Trân trọng.

TUỔI TRẺ

Đ.LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên