19/05/2023 08:48 GMT+7

Mỡ đại tràng hoại tử - chứng bệnh liên quan ăn không đủ chất xơ, ít vận động

Nhiều người mổ cấp cứu viêm ruột thừa lại phát hiện ra ruột thừa không viêm mà viêm... bờm mỡ đại tràng. Viêm bờm mỡ đại tràng là một dạng bệnh lý lành tính, dễ bị bỏ qua nhưng khi biến chứng nó lại gây ra nhiều bệnh lý nguy hại khác.

Hình ảnh bệnh nhân viêm bờm mỡ đại tràng điều trị tại Bệnh viện E - Ảnh: BSCC

Hình ảnh bệnh nhân viêm bờm mỡ đại tràng điều trị tại Bệnh viện E - Ảnh: BSCC

Biểu hiện giống với viêm ruột thừa nên dễ chẩn đoán sai

Bệnh nhân nữ 44 tuổi, béo phì, đau bụng hố chậu phải, không sốt, bụng ấn đau, hố chậu phải không có phản ứng… Bệnh nhân vào Bệnh viện E khám và được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, có chỉ định mổ. 

Nhưng khi siêu âm, chụp cắt lớp vi tính phát hiện viêm bờm mỡ đại tràng, ruột thừa tăng kích thích nhưng không có biểu hiện viêm. Bệnh nhân được chuyển điều trị nội khoa viêm bờm mỡ đại tràng.

Một bệnh nhân khác là nam 24 tuổi, đau hố chậu phải đến viện, kèm theo sốt nhẹ. Các xét nghiệm và siêu âm đều hướng tới viêm ruột thừa cấp. Mổ nội soi kiểm tra ổ bụng lại thấy ruột thừa bình thường nhưng một bờm mỡ của manh tràng đã hoại tử đen, thành manh tràng tại dày lên, xung quanh có dịch.

Bác sĩ Bạch Công Hưng, khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện E, cho biết viêm bờm mỡ đại tràng có biểu hiện rất giống với viêm ruột thừa, viêm túi thừa nên dễ bị chẩn đoán nhầm. 

Viêm ruột thừa là bệnh lý thường gặp ở các khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh có vai trò hỗ trợ lâm sàng giúp chẩn đoán xác định và phân biệt viêm ruột thừa với các bệnh lý khác khi bệnh nhân đau bụng vùng hố chậu phải.

"Viêm bờm mỡ đại tràng là hiện tượng viêm xảy ra ở bờm mỡ đại tràng do xoắn hoặc tắc tự phát các tĩnh mạch dẫn lưu bờm mỡ này. Nhiều nhất ở đại tràng Sigma, manh tràng, đại tràng lên; đại tràng ngang + xuống (hiếm). 

Bệnh thường gặp trong độ tuổi từ 20 - 50, phổ biến ở người béo phì. Siêu âm giúp định hướng, chụp cắt lớp có giá trị chẩn đoán xác định khi hình ảnh điển hình và giúp chẩn đoán phân biệt với nhồi máu mạc nối, viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa. 

Bác sĩ Vũ Ngọc Hoài, khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, phân tích: bình thường dọc khung đại tràng có khoảng 100 bờm mỡ. Hình dạng giống ngón tay, chiều dài 2-5cm, nằm dọc hai bên thành ruột. Bình thường không quan sát được các bờm mỡ này trên CT và siêu âm. Khi bị xoắn hoặc huyết khối tĩnh mạch dẫn lưu của bờm mỡ sẽ gây viêm.

Viêm bờm mỡ đại tràng chiếm 2-7% trong số bệnh nhân nghi viêm túi thừa và khoảng 0,3-1% trong số bệnh nhân theo dõi viêm ruột thừa. Chính vì vậy, bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý này.

Hầu hết ca viêm bờm mỡ đại tràng không phải phẫu thuật, điều trị nội khoa khoảng 5 - 10 ngày. Bệnh nhân không cải thiện với điều trị bảo tồn hoặc triệu chứng ngày càng nặng (sốt cao, đau tăng, buồn nôn và nôn hoặc không thể ăn đường miệng), bệnh hay tái phát hoặc có biến chứng (tắc ruột, áp xe, lồng ruột, dính ruột…) buộc phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều bệnh nhân viêm bờm mỡ lại phải mổ vì bị chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa cấp vì các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng khá giống nhau nên bệnh nhân bị mổ nhầm, khi mổ mới biết không phải là viêm ruột thừa mà là viêm bờm mỡ đại tràng.

Lành tính nhưng biến chứng nguy hiểm

Hiện chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng của viêm bờm mỡ đại tràng. Béo phì và các bài tập nặng đòi hỏi cố gắng lớn là những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm bờm mỡ.

Nguyên nhân nguyên phát: Sự xoắn vặn các bờm mỡ đại tràng làm thuyên tắc tĩnh mạch hoặc tắc mạch gây thiếu máu. Nó khiến cho mạch máu và động mạch chỉ cung cấp máu ở vài vị trí cụ thể từ đó sinh ra viêm và hình thành ở mặt ngoài ruột già những dải mỡ bất thường.

Nguyên nhân thứ phát: Thường xảy ra sau viêm nhiễm đại tràng (viêm túi thừa, viêm túi mật, viêm ruột thừa...) làm thay đổi lưu lượng tuần hoàn ở niêm mạc ruột kết. Điều này khiến cho lưu lượng máu chỉ tập trung vào một vài vị trí chứ không đồng đều được nên kích thích phản ứng viêm và là cơ hội cho các túi bờm mỡ xuất hiện.

Viêm bờm mỡ đại tràng tương đối lành tính, nhưng một số trường hợp có thể xảy ra các biến chứng như:

- Lồng ruột

- Áp xe ruột

- Tắc ruột

- Dính ruột

- Viêm phúc mạc

- Tình trạng dây dính

Viêm bờm mỡ đại tràng là một bệnh lý thường gặp ở đại tràng, thường liên quan đến chế độ ăn uống không đủ chất xơ, thiếu vận động hoặc khó tiêu hóa.

Phòng ngừa thế nào?

- Kiểm soát tốt cân nặng vì nó giúp giảm thiểu nguy cơ cho sự phát triển của túi mỡ ngoài đại tràng. Khi lượng mỡ cao thì đó chính là cơ hội để hình thành túi mỡ bên ngoài.

- Không ăn uống quá mức vì việc làm này khiến ruột già phải hoạt động liên tục để đào thải một lượng thức ăn lớn. Chẳng những thế, lượng thức ăn trong đại tràng còn có thể tạo áp lực lên niêm mạc làm thay đổi lưu lượng máu từ đó tăng nguy cơ xuất hiện túi mỡ.

- Tập thể dục đều đặn và vừa sức, ăn đủ bữa và không nên nhịn ăn.

- Khi bị viêm đại tràng, viêm túi thừa... thì việc điều trị triệt để những bệnh này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ viêm bờm mỡ đại tràng.

Bé 8 tuổi bị hội chứng viêm đa hệ thống COVID-19 nặng, dễ nhầm viêm ruột thừaBé 8 tuổi bị hội chứng viêm đa hệ thống COVID-19 nặng, dễ nhầm viêm ruột thừa

TTO - Một bé trai 8 tuổi (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) bị hội chứng viêm đa hệ thống nặng liên quan đến COVID-19 nhưng có những biểu hiện giống tình trạng viêm ruột thừa cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên