18/04/2019 14:47 GMT+7

Giám đốc lâm trường chiếm đất làm trang trại

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Ông Nguyễn Hồng Thái - giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9 (gọi tắt là Lâm trường Đường 9) - đã chiếm một diện tích không nhỏ đất rừng của lâm trường để làm trang trại riêng.

Giám đốc lâm trường chiếm đất làm trang trại - Ảnh 1.

Trang trại của ông Thái nhưng lại nằm trên diện tích đất rừng do Lâm trường Đường 9 quản lý - Ảnh: QUỐC NAM

Ngày 18-4, ông Nguyễn Hồng Thái, giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, thừa nhận phần đất đang trồng cây cao su ở một trang trại thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ là đất của ông đứng chủ sở hữu.

Ông Thái cũng thừa nhận phần diện tích đất này hiện tại là đất rừng, do Lâm trường Đường 9 quản lý.

Trước đó, nhiều người dân tại xã Cam Tuyền phản ảnh việc ông Thái, giám đốc Lâm trường Đường 9, chiếm đất rừng của lâm trường để làm trang trại với diện tích khoảng 5ha. 

Nhiều năm trước, ông Thái đã cải tạo diện tích đất này, vây hàng rào xung quanh, dựng cổng để trồng nhiều loại cây ăn quả, chăn nuôi lợn, thả cá và trồng cây cao su.  

Ông Hoàng Liên Sơn, chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, nói đã nhiều lần mời ông Thái lên đối chất, làm rõ việc lấn chiếm đất này nhưng ông không có mặt.

Trả lời việc này, ông Thái cho biết phần diện tích đất làm trang trại này ông mua của người dân từ nhiều năm trước. 

Ông Thái cũng thừa nhận đây hiện tại là đất rừng do Lâm trường Đường 9 quản lý và thời điểm mua ông cũng biết rõ điều này. 

Tuy nhiên, ông Thái lại nói việc ông làm trang trại ở đây chỉ là xây dựng mô hình thử nghiệm trồng cao su, trồng cây ăn quả, nuôi lợn… làm mẫu cho người dân cũng như cho cán bộ công nhân lâm trường, nếu thành công sẽ nhân rộng. 

Ông Thái còn nói ông làm hồ nuôi cá để lỡ có cháy rừng cạnh đó thì lấy nước ở hồ để dập lửa. 

"Tôi tự bỏ tiền túi để làm mô hình thử nghiệm, tất cả là vì mong muốn được giúp đỡ bà con", ông Thái nói.

Về việc trả lại đất cho lâm trường, ông Thái khẳng định sẵn sàng trả lại đất nhưng giữ lại vì muốn phục vụ công tác quản lý. 

Ông Thái còn nói chủ trương của lâm trường là với diện tích đất lấn chiếm đang trồng cây cao su thì không thể chặt ngay để trả lại đất cho công ty được mà phải có cách xử lý riêng, tránh thiệt hại cho người dân.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc có phải chờ cho cây cao su hết tuổi thọ khai thác (khoảng 30 năm) rồi mới thu hồi không, ông Thái cho biết sẽ có giải pháp khác. Hiện phải tập trung thu hồi diện tích trồng keo trước nên chưa tính đến.

Khi được hỏi từ khi mua phần đất thuộc quyền quản lý của lâm trường, ông đã báo cáo đơn vị trực tiếp quản lý lâm trường là UBND tỉnh Quảng Trị chưa, ông Thái nói chưa báo cáo. 

Được biết, từ giữa năm 2018, khi kiểm kê rừng, Lâm trường Đường 9 đã phát hiện trong số 7.000 hecta đất rừng được Nhà nước giao công ty này quản lý thì hiện gần 1.000 hecta đã bị người dân địa phương xâm chiếm, trong đó có khoảng 200 hecta đất rừng phòng hộ. 

Nhiều người dân khi được yêu cầu trả đất đã lấn chiếm cho lâm trường đã nói rằng nếu ông Thái trả đất thì dân mới trả theo.

Chiếm đất rừng phòng hộ làm đìa tôm Chiếm đất rừng phòng hộ làm đìa tôm

TT - Nhiều cán bộ, đảng viên ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), trong đó có cả chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy, đã lấn chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất và rừng phòng hộ để làm đìa nuôi tôm.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên